Kỳ 2: Những hành trình chở đầy yêu thương

Chuyến hành trình đầy ắp tiếng cười, giữa biển cả bao la chúng tôi cùng hát, cùng san sẻ với nhau những khó khăn, vất vả. Ở đây, hàng trăm con tim đều hòa chung một lý tưởng duy nhất hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… Con tàu 637 tràn ngập hương xuân 'chở yêu thương' cùng những lời nhắn nhủ từ đất liền ra đảo, nơi những người lính biển và người dân vẫn ngày đêm bám trụ canh giữ biên cương Tổ quốc.

Đảo Hòn Đốc, một trong những hòn đảo xinh đẹp thuộc quần đảo Hải Tặc (xã Tiên Hải, Kiên Giang)

Sau khoảng 5 giờ di chuyển, còn tàu 637 vượt qua hải trình hơn 35 hải lý đưa đoàn công tác chúng tôi đến với đảo Hòn Đốc, một trong những hòn đảo xinh đẹp nằm trong quần đảo Hải Tặc, thuộc xã Tiên Hải (tỉnh Kiên Giang). Tàu đến Hòn Đốc vào lúc nửa đêm, do khu vực không có cảng nước sâu, vì thế muốn di chuyển lên đảo bắt buộc chúng tôi phải chuyển sang các tàu cá. Do đó, tàu phải neo lại gần bờ và chờ đến sáng hôm sau mới cập cảng.

Bình minh trên biển đã đẹp, nhưng được ngắm bình minh trên đảo Hòn Đốc còn tinh khôi và quyến rũ hơn rất nhiều. Sáng sớm, bầu trời và biển cả như cùng khoác lên lớp áo sắc màu rực rỡ. Xa xa, mặt trời như một quả cầu lửa đỏ ửng từ từ vén màn đêm rồi chuyển mình sáng bừng… Khi mặt trời bắt đầu bật hẳn lên khỏi mặt biển cũng là lúc chúng tôi được các thủy thủ nhắc nhở chuẩn bị dụng cụ tác nghiệp, mặc áo phao và chuyển sang tàu cá để lên đảo theo hiệu lệnh.

Trạm Rada 625 (thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) đóng trên đồi cao, vì thế, từ bến cảng chúng tôi phải đi bộ hơn 3km đường đồi núi vòng vèo mới lên tới điểm đóng quân trạm rada 625. Theo các cán bộ, chiến sĩ trên đảo, do đóng quân ở vị trí cao nên việc đi lại gặp không ít khó khăn, mùa khô thiếu nước, mùa mưa bão con đường xuống núi càng trở nên trơn trượt và nguy hiểm... Thế nhưng vượt qua những khó khăn ấy, các anh vẫn chắc tay súng, vững tấm lòng bảo vệ biên giới trên biển của Tổ quốc.

Các chiến sĩ trạm rada 625 trang trí cây hoa mai đón Tết

Có mặt tại Trạm Rada 625 đón đoàn công tác từ sáng sớm, ông Phan Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải (Kiên Giang) vui mừng cho biết, Hòn Đốc là đảo lớn nhất trong quần đảo Hải Tắc; có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, nằm gần đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia; khu vực đảo Hòn Đốc cũng có điều kiện tự nhiên và tài nguyên phong phú, giá trị kinh tế cao; đồng thời, có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh… Hòn Đốc hiện là trung tâm văn hóa chính trị xã hội, tổ chức hành chính trên đảo có 2 ấp, 10 tổ nhân dân tự quản, dân số có 503 hộ, 1.944 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề đi biển và buôn bán nhỏ.

“Tết Kỷ Hợi này, niềm vui nhân lên với quân dân trên đảo bởi không chỉ được đón đoàn công tác ra thăm, chúc Tết quân dân trên đảo, mà Hòn Đốc cũng đã bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ trong việc xây dựng nông thôn mới, trong đó, vấn đề phát triển du lịch được quan tâm đặc biệt”, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Hòa chung niềm vui đón Tết với người dân, tuy nhiên, các chiến sĩ trên đảo không quên nhiệm vụ, luôn luôn đặt mục tiêu sẵn sàng chiến đấu lên hàng đầu. Đại úy Lê Văn Hiện - Trạm trưởng Trạm Rada 625 cho biết, cán bộ, chiến sĩ của trạm rada 625 và các lực lượng đóng quân trên địa bàn luôn nắm chắc tay súng, phối hợp hiệp đồng đảm bảo an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc địa bàn được giao; nắm chắc tình hình trên không, trên biển trong phạm vi quan sát, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa trong khu vực đơn vị được phân công.

Đại tá Võ Đức Tiên, Phó Tư lệnh Vùng 5 Hải quân - Trưởng đoàn công tác cùng lãnh đạo các tỉnh phía Nam làm lễ dâng hương tại đài tưởng niệm trên đảo Nam Du

Rời đảo Hòn Đốc, con tàu 637 tiếp tục lướt sóng giữa đại dương xanh thẳm chở đoàn công tác thẳng tiến đến đảo Nam Du - nơi có cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 600 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) cắm chốt. Quần đảo Nam Du (thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) bao gồm 21 đảo lớn, nhỏ với các hòn đảo nổi tiếng như: Hòn Nấm Ngoài, Hòn Nấm Trong, Hòn Hàng, Hòn Mộc... Trong đó, xã An Sơn (nằm trên đảo Củ Tron) – ngoài lực lượng chiến sĩ tại Trạm Rada 600; Đồn Biên phòng 742 thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang và Trạm Hải đăng Nam Du, trên đảo còn có khoảng 900 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu... Đặc biệt, Nam Du được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp quyến rũ, nhưng hoang sơ, bởi thế nhiều người ưu ái ví hòn đảo này như “Vịnh Hạ Long” giữa biển trời Tây Nam.

Ông Huỳnh Hua, một trong những người dân sinh sống lâu đời tại đảo Nam Du chia sẻ, Nam Du là hòn đảo du lịch, nhờ vẻ đẹp hoang sơ còn được giữ vẹn nguyên mà thu hút rất đông du khách. Khu vực dịch vụ phục vụ du khách chủ yếu tập trung ở bến cảng. Khách đến lưu trú, sau khi tìm được chỗ nghỉ, có thể thuê xe máy đi vòng quanh đảo, hoặc giong thuyền ra biển để đến các bãi tắm đẹp, câu mực, lặn ngắm san hô hay ngồi ngắm cảnh đất trời dưới những hàng dừa lung linh soi bóng biển khơi. Ở các bãi tắm đẹp, du khách đến đây có thể phiêu bồng thả trôi mình, nhắm mắt lại giữ đều nhịp thở, hít không khí trong lành trong vòng tay vỗ về của những cơn sóng hiền hòa, rũ sạch mọi căng thẳng, mệt mỏi của bao phiền muộn từ cuộc sống… Tất cả vẻ đẹp quyến rũ và mộc mạc ấy, tạo nên một Nam Du “khác lạ” giữa biển trời Tây Nam.

Tàu cập cảng Nam Du, sau khi đoàn công tác tiến hành nghi lễ dâng hương tưởng nhớ 500 ngư dân bị thiệt mạng trong cơ bão số 5 năm 1997 tại đài tưởng niệm sát bờ biển, đoàn tiếp tục hành trình “cuốc bộ” lên Trạm Rada 600. Trong cái nắng như cháy da, cháy thịt, đoàn công tác miệt mài vượt qua những con đường đèo dốc hun hút, dựng đứng… ngoài đoàn công tác chúng tôi, thi thoảng trên cung đường xuất hiện một vài chiếc xe máy gầm rú chở hàng lao vun vút từ dưới khu dân cư lên Trạm Rada.

Theo Thượng úy Đinh Quốc Chơn – Trạm trưởng trạm rada 600, đoạn đường từ cảng lên trạm rada ước khoảng hơn 3km, nhưng đường dốc trơn trượt, nhất là vào mùa mưa, do đó để xe máy có thể lên được trạm không chỉ cần một tài xế vững tay lái, mà còn phải cần một chiếc xe loại tốt.

Với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ đảo Nam Du được ví như "Vịnh Hạ Long" giữa biển trời Tây Nam

Cũng theo Thượng úy Chơn, thời gian qua mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng các chiến sĩ nơi đây đã nỗ lực vượt qua, nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị đã tổ chức tốt công tác dân vận, tuyên truyền và kết hợp với nhân dân trên đảo tham gia đóng góp, xây dựng địa chỉ nhân đạo, hũ gạo tình thương và sửa chữa nhà giúp dân phòng chống bão… Đặc biệt, công tác phối hợp giữa lực lượng hải quân, biên phòng… với chính quyền xã trong việc tổ chức cho người dân đón Tết rất chu đáo, thiết thực, nhiều phần quá ý nghĩa cũng đã được gửi đến cho các hộ khó khăn; tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ chào mừng trong các dịp lễ, Tết, giúp đời sống tinh thần người dân được nâng lên. Qua đó, thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân trên đảo…

“Năm nào cán bộ, chiến sĩ tại trạm rada chúng tôi cũng nhận được tình cảm yêu thương từ đất liền gửi gắm. Những ngày qua, đơn vị cũng đã chủ động tổ chức cho các chiến sĩ gói bánh chưng, bánh tét, chuẩn bị nhu yếu phẩm đón Tết. Trên đảo Nam Du không có hoa mai nên chiến sĩ trong đơn vị đành lấy cành cây khô, rồi gắn những bông hoa mai vàng bằng nhựa, để không khí mùa Xuân nơi biển đảo gần hơn với quê nhà thân thương… qua đó, động viên tinh thần các chiến sĩ thêm vững tấm lòng, chắc tay súng, gìn giữ và bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Thượng úy Chơn bộc bạch.

Xuân đã về với quân và dân trên các Hòn Đốc, Nam Du và nhiều hòn đảo khác thuộc vùng biển phía Tây Nam Tổ quốc. Chúng tôi biết, xuân này, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc giao phó không thể về quê đón Tết, sum vầy cùng gia đình. Thế nhưng, tình quân dân thắm thiết, đặc biệt là những tình cảm từ đất liền hậu phương giúp những người lính hải quân kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn để bám trụ tại các trạm rada, nơi được ví như những đôi “mắt thần” giữ biển cả bao la, giữ gìn sự bình yên cho biển, cho Tổ quốc yêu thương.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-nhung-hanh-trinh-cho-day-yeu-thuong-87341.html