Kỳ 2: Những xu thế trái ngược nhau

Châu Âu là khu vực tiêu thụ than lớn thứ 4 trên thế giới. Tiêu thụ than tại EU đã giảm đáng kể từ năm 2013, do nhu cầu điện giảm, do sự gia tăng của năng lượng tái tạo và do việc đóng cửa các nhà máy than lâu đời nhất bởi áp lực của Chỉ thị châu Âu về phát thải tại các nhà máy điện than (LCPD).

Châu Âu theo xu hướng “thoát than”

Ngoài cam kết về việc giảm 40% lượng khí thải CO2 vào năm 2030, có 2 quy định đặt ra tương lai của điện than ở châu Âu: Hệ thống trao đổi hạn ngạch của CO2 (EU ETS) và Chỉ thị phát thải công nghiệp (FDI), đã thay thế LCPD vào tháng 1-2016.

Cùng với việc áp dụng các biện pháp ngắn hạn và việc thành lập một công cụ để bình ổn thị trường (dự trữ bình ổn thị trường), Ủy ban châu Âu (EC) hy vọng sửa chữa những thiếu sót hiện nay của EU ETS và phát huy một thị trường hiệu quả, khuyến khích mạnh mẽ cho các khoản đầu tư trong tương lai vào ngành điện.

Nhật Bản vẫn coi trọng điện than trong những năm tới

FDI làm giảm các giới hạn cho phép về phát thải khí ô nhiễm tại địa phương (SO2, NOx và PM) và sẽ dẫn đến việc đóng cửa sớm các nhà máy than cũ không đầu tư vào thiết bị kiểm soát ô nhiễm. Khoảng 50-55GW công suất điện than có thể bị đóng cửa trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023, chiếm 1/3 công suất của các nhà máy điện than châu Âu năm 2015 (159GW).

Sự suy giảm tiêu thụ than từ năm 2013 tại châu Âu đang trở thành xu hướng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các chính sách năng lượng khác nhau giữa các quốc gia. Ví dụ, Anh đã tuyên bố sẽ đóng cửa các nhà máy than vào năm 2025, Đức đang làm điều tương tự, nhưng Ba Lan lại làm ngược lại.

Trong khu vực châu Á, ngoài Nhật Bản hiện còn có khá nhiều quốc gia coi than là nguồn cung cấp điện chính trong tương lai gần, điển hình là Thái Lan hay Việt Nam.

Ngày 22-5-2019, Chính phủ Đức đã trình một dự luật được cho là bước đi cụ thể đầu tiên đối với việc “thoát than”, nhằm đẩy nhanh việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính của Đức. Theo dự luật, Chính phủ Đức dự định phân bổ tới 26 tỉ euro cho một loạt các dự án cụ thể và giao cho các khu vực có hầm mỏ 14 tỉ euro khác để tài trợ cho các dự án đáng kể. Đầu tiên là cải thiện cơ sở hạ tầng ở Bắc Rhine-Westphalia, Brandenburg, Saxony và Saxony-Anhalt - 4 tiểu bang cùng chung 3 lưu vực sông, nơi tập trung các mỏ than và các nhà máy điện than. Một khi dự luật được thông qua, chính phủ sẽ lên lịch đóng cửa các mỏ than và nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, một nhiệm vụ hứa hẹn sẽ rất khó khăn và đi kèm với những khoản bồi thường nặng nề cho các công ty điều hành.

Nhìn rộng hơn, Berlin đang áp dụng một “luật khí hậu”. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ chính của liên minh cầm quyền tại Đức. Ngoài việc tăng cường năng lượng tái tạo và từ bỏ than, vốn vẫn chiếm hơn 1/3 mức sản xuất điện, Đức cần cải thiện hệ thống cách nhiệt các tòa nhà và giảm khí thải từ ngành giao thông.

Trước đó, cuối tháng 3-2019, Nghị viện châu Âu đã bật đèn xanh cho kế hoạch “đại tu” thị trường điện, trong đó có việc chấm dứt trợ cấp cho điện than vào năm 2025.

Khi phê duyệt 4 bộ luật mới, Nghị viện châu Âu đã khép lại chương cuối của “Gói năng lượng sạch” được EC đệ trình vào cuối năm 2016 nhằm đáp ứng các cam kết của Thỏa thuận khí hậu Paris.

Luật mới nhằm phát triển sự minh bạch và cạnh tranh trong thị trường năng lượng được EC tự do hóa từ những năm 90 của thế kỷ trước. Luật mới sẽ làm cho thị trường năng lượng linh hoạt hơn và tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo hội nhập thị trường năng lượng dễ dàng hơn - Ủy viên Năng lượng châu Âu Miguel Arias Canete nói.

Những bộ luật mới cũng đưa ra các giới hạn chặt chẽ hơn cho các quốc gia thành viên EU trong việc trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than, nhằm ngăn chặn các nhà máy điện hóa thạch gây ô nhiễm nhất ở châu Âu nhận được viện trợ của nhà nước.

Nhìn chung, việc sửa đổi luật về tổ chức thị trường điện châu Âu nhằm mục đích cho phép người tiêu dùng quản lý hóa đơn tiền điện tốt hơn, ví dụ bằng cách sử dụng đồng hồ thông minh hoặc thay đổi nhà cung cấp điện dễ dàng hơn. Các quy tắc mới cũng giải quyết các rào cản hiện có trong thương mại xuyên biên giới bằng cách cho phép một quốc gia thành viên EU có thể xuất khẩu đến 70% sản lượng điện của mình sang các nước thành viên khác, tạo điều kiện cho việc mua bán các nguồn năng lượng tái tạo xuyên biên giới, từ đó hỗ trợ hoàn thành mục tiêu 32% năng lượng tái tạo của EU vào năm 2030.

Chile nói không với nhiệt điện than

Nhìn sang châu Mỹ Latinh, ngày 12-4-2019, Tổng thống Chile Sebastian Pinera tuyên bố: Sẽ không còn nhà máy nhiệt điện than nào được xây dựng mới ở Chile. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài tháng trước khi khai mạc Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25) được tổ chức tại Santiago vào tháng 12-2019. Theo ông Pinera, mục tiêu là Chile đạt được 70% năng lượng tái tạo vào năm 2030, cao hơn nhiều so với mức 20% hiện tại. Cuối cùng, sản lượng điện tái tạo sẽ đạt 100% vào năm 2040.

“Chúng tôi đang làm việc với tinh thần khẩn trương và tham vọng rất lớn là đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải trong ngành sản xuất năng lượng của chúng tôi về 0. Chúng tôi sẽ không còn xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới”, ông Pinera nói. Ông Pinera cũng cho biết thêm, ông đang lên kế hoạch để đóng cửa các nhà máy điện than đang hoạt động trong nước.

Tại Chile, 40% nguồn cung cấp năng lượng đến từ 28 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 5.500MW. Mục tiêu của Chile là thay thế chúng bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Theo Chính phủ Chile, 93% các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng ngày nay liên quan đến năng lượng xanh. Chile, một quốc gia đặc biệt nhạy cảm với biến đổi khí hậu, đã tình nguyện tổ chức COP25 sau khi Brazil rút lui.

Nhật Bản vẫn coi trọng than

Trong chính sách năng lượng được thông qua vào tháng 4-2014 và những dự báo năng lượng được thông qua vào tháng 7-2015, do lo ngại về an ninh nguồn cung năng lượng, Nhật Bản đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của than: Vào năm 2030, trong hỗn hợp điện của Nhật, than có thể chiếm 26%, khí 27%, hạt nhân 20-22%, năng lượng tái tạo 22-24% và dầu mỏ 3%.

Chính sách năng lượng mới của Nhật Bản tập trung vào các nhà máy nhiệt điện than hiệu suất cao để đáp ứng nhu cầu điện. Các nhà máy nhiệt điện than mới dự kiến sẽ được xây dựng đến năm 2020 và các nhà máy điện quy mô nhỏ đang được xây dựng xung quanh Tokyo.

Chính sách của Nhật Bản cũng nhấn mạnh vào việc xuất khẩu các công nghệ “than sạch” đang được phát triển ở Nhật. Các dự án tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than mới của Nhật được mở rộng ra hầu như tất cả các nước ASEAN.

Trong khu vực châu Á, ngoài Nhật Bản hiện còn có khá nhiều quốc gia coi than là nguồn cung cấp điện chính trong tương lai gần, điển hình là Thái Lan hay Việt Nam.

Nhu cầu than toàn cầu trong tương lai

Trong năm 2015, do nhu cầu thấp hơn ở Trung Quốc và Mỹ, mức tiêu thụ than toàn cầu giảm khoảng 3%, đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình diễn biến của mức tiêu thụ than, vốn đang tăng trưởng đều đặn kể từ đầu những năm 2000.

Tiêu thụ than thế giới sẽ phải giảm 1,7% mỗi năm trong giai đoạn 2013-2040 để đạt mục tiêu giảm 20C mức tăng nhiệt độ của Trái đất đặt ra tại COP21.

Tuy nhiên, về lâu dài, tương lai của than vẫn chưa chắc chắn. Kịch bản chính sách mới (New Policy Scenario) của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy mức tăng tiêu thụ than trung bình là 0,4%/năm trong giai đoạn 2013-2040, thấp hơn nhiều so với mức tăng quan sát được trong 25 năm trước đó (trung bình 2,4%/năm), nhưng chưa đủ để giảm lượng khí thải CO2 từ đốt than.

(Xem tiếp kỳ sau)

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ky-2-nhung-xu-the-trai-nguoc-nhau-539760.html