Kỳ 2: Sự khác biệt trong cách hiểu về quyền/quyền lợi/nghĩa vụ đối với di sản

Như kỳ trước tôi đã phân tích những lý do mang tính nhận thức trong những cách hiểu của xã hội ta về cùng một vấn đề là bảo tồn di sản kiến trúc. Sự khác nhau - sự 'lệch pha' đó đã khiến cho vấn đề bảo tồn, phát triển di sản ở Việt Nam gặp nhiều bế tắc. Trong kỳ báo này, xin phân tích một vài sự khác biệt nữa trong cách hiểu về quyền/quyền lợi/nghĩa vụ đối với di sản - di sản văn hóa - kiến trúc.

Sự việc dự định phá bỏ Dinh Thượng Thơ ở TP.HCM tạm thời lắng xuống là do sự lên tiếng của các nhóm xã hội có phần đóng góp.

Do quyền sở hữu đối với tài sản là một quyền được pháp luật thừa nhận, vì vậy mà quyền lợi và nghĩa vụ đối với nó cũng sẽ được các bên nhìn nhận khác nhau. Một công trình kiến trúc có thể có ý nghĩa và tầm vóc “di sản” trong đánh giá của nhóm này có thể chỉ là một “tài sản - bất động sản” theo đánh giá của nhóm khác. Sự khó phân định lằn ranh giữa “tài sản” và “di sản kiến trúc” là vì chúng cùng tồn tại trong một vật thể - một công trình kiến trúc. Các cuộc tranh luận sẽ không thể đi đến kết thúc một khi còn tồn tại sự “lệch pha” trong đánh giá.

Có hai trường hợp có thể phân định được như sau:

+ Nếu công trình kiến trúc thuộc sở hữu của toàn dân, do Nhà nước nắm quyền quản lý thì việc lên tiếng của các nhóm xã hội với danh nghĩa vì lợi ích chung là điều khá dễ hiểu, cho dù kết quả có như thế nào. Sự việc dự định phá bỏ Dinh Thượng Thơ ở TP.HCM tạm thời lắng xuống là do sự lên tiếng của các nhóm xã hội có phần đóng góp.

Ở góc nhìn khác lại thấy rằng, khi trao tấm bằng công nhận “Di sản văn hóa” cho một công trình hay một quần thể di tích, không có nghĩa là bên sở hữu bị trói buộc đến mức gần như không có quyền gì đối với chính ngôi nhà của mình. Trường hợp này đang xảy ra đối với khu phố cổ Hà Nội. Một sự khó khăn “bỏ thì thương, vương thì tội” trong đời sống hàng ngày của nhiều hộ gia đình nơi đây.

Tình cảnh ngôi nhà thấm dột, xuống cấp mỗi ngày không có cấp quản lý nào quan tâm, hướng dẫn. Nhưng nếu họ bỏ tiền túi ra để tự sửa chữa thì lại không được phép - vì ngôi nhà “thuộc diện di sản”. Đó là chưa nói đến những tranh chấp “như cơm bữa” giữa các hộ gia đình sống chung trong ngôi nhà. Gia đình này làm, thì gia đình khác khiếu kiện… “câu chuyện thường ngày trong di sản” này cứ thế u uất trên những trang báo, trong các ấn bản chủ nhật. Đọc rồi, biết thế, “khổ lắm - nói mãi”…

Trường hợp trên, chủ trương xã hội hóa công tác bảo tồn - trùng tu dường như là một “lối ra” duy nhất cần sớm được thực hiện. Đất nước giữ được những di sản kiến trúc đáng tự hào, ngân sách không còn phải chịu gánh nặng của bảo tồn, người dân có được điều kiện sống tốt hơn theo cái cách mà họ muốn… Tất cả những dự kiến tốt đẹp này Nhà nước luôn phải gánh vác trách nhiệm thực sự của một vị nhạc trưởng, điều hòa quyền lợi của các bên liên quan theo mô hình Win - Win.

+ Nhưng, nếu công trình kiến trúc thuộc sở hữu của một cộng đồng thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Lý lẽ của việc dựa vào quyền sở hữu đối với di sản bằng cách khẳng định quyền được ứng xử với nó một cách tùy tiện, thậm chí là phá bỏ để xây một cấu trúc mới vì có nhiều lợi ích trước mắt hơn cho cộng đồng sở hữu là không chuẩn.

Nếu đã là công trình kiến trúc có bề dày lịch sử, cũng tức là có bề dày văn hóa và có thể có ít nhiều giá trị nghệ thuật thì công trình ấy nên được xem là di sản chung (theo nghĩa về lịch sử và văn hóa) của đất nước và của dân tộc. Do vậy, khi xem xét dưới góc độ này thì bảo tồn di sản đối với kiến trúc ấy không còn là vấn đề của riêng cộng đồng sở hữu nữa. Hiểu được điều này, nên mới có nhiều người lên tiếng, thậm chí khá gay gắt đối với dự kiến “hạ giải” nhà thờ Bùi Chu vừa qua.

Vậy, khi đã xem đây là tài sản chung của đất nước và của dân tộc thì Nhà nước phải là cấp cao nhất đóng vai trò trọng tài trong mỗi quyết định liên quan, trừ quyền sở hữu và vận hành công trình đó. Những quyết định đúng đắn, kịp thời của Nhà nước là hỗ trợ cộng đồng sở hữu di sản về mặt pháp lý và kỹ thuật. Khía cạnh tài chính của công tác bảo tồn sẽ là vấn đề được xã hội hóa.

Trên thực tế, nguồn kinh phí đầu tư cho việc “hạ giải” của nhà thờ Bùi Chu vừa qua chủ yếu đến từ sự đóng góp của các tổ chức và nhà hảo tâm. Cái mà nhà thờ Bùi Chu hiện nay đang thiếu chính là những cái vốn phải thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và văn hóa, đó là sự quan tâm, hỗ trợ tích cực, thiện chí về mặt đánh giá giá trị, sự cung cấp vô tư về phương diện kỹ thuật trùng tu, bảo tồn…

PGS.TS.KTS Lê Thanh Sơn
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/ky-2-su-khac-biet-trong-cach-hieu-ve-quyenquyen-loinghia-vu-doi-voi-di-san.html