Kỳ 2: Tự ý cho thuê vỉa hè, của công thành của riêng

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc đề xuất cho thuê vỉa hè tại Hà Nội để kinh doanh. Theo đó, một số tuyến phố trên 5m, sau khi chừa lại 1,5m cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê. Cho thuê vỉa hè, âu cũng là một giải pháp có thể tính đến để cân bằng được lợi ích giữa các bên.

Cho thuê vỉa hè - Tại sao không?!

Một đoạn vỉa hè được thí điểm cho thuê trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Một đoạn vỉa hè được thí điểm cho thuê trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Không nhiều người để ý đến, nhưng việc cho thuê vỉa hè cũng không phải là chuyện mới. Theo đó, từ năm 2021, UBND quận Hoàn Kiếm đã có kiến nghị về việc cho phép thí điểm sử dụng vỉa hè 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh với giá thuê là 45.000 đồng/m2/tháng gồm: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông) và Lê Phụng Hiểu. Vị trí sử dụng, hè phố nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà kết nối với không gian tầng 1 và sát tường nhà với chiều rộng được tạm sử dụng là 1,5 - 2m. Thời gian hoạt động từ 6h hôm trước đến 2h sáng hôm sau, riêng phố Phùng Hưng từ 6h đến 22h.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng cho rằng, việc cho thuê vỉa hè sẽ giúp bộ mặt hè phố đẹp đẽ hơn và có thêm nguồn thu chỉnh trang hè phố.

Tuy nhiên, không chờ đến khi TP có chủ trương cho thuê hay các quận, huyện bàn tính đến vấn đề này, được biết, việc cho thuê vỉa hè đã diễn ra khá phổ biến giữa các cá nhân từ rất lâu.

Thực tế, không khó để tìm những thông tin cho thuê vỉa hè trên mạng xã hội, thậm chí cả trên một số trang thương mại điện tử. Chỉ cần gõ từ khóa “cho thuê vỉa hè” trên công cụ tìm kiếm phổ biến nhất là Google, ngay lập tức ra hiện ra hàng nghìn kết quả vỉa hè cho thuê, với đa dạng các mức giá. Bên cạnh đó, trên các group cho thuê mặt bằng, vỉa hè kinh doanh trên mạng xã hội Facebook cũng không thiếu bài đăng tìm chỗ thuê vỉa hè cũng như cho thuê vỉa hè.

Cụ thể, trên một hội nhóm cho thuê, thanh lý và sang nhượng cửa hàng tại Hà Nội trên Facebook, tài khoản Q.P đăng tải bài viết cho thuê vỉa hè bán hàng, ở khu vực ngõ chợ ở Tôn Thất Tùng, lý do được chủ nhân đưa ra là bởi vỉa hè dài nên muốn cho thuê bớt. “Mọi người được sử dụng vỉa hè rộng 1,4m, dài 2,3m, phù hợp với việc bán xôi, giò chả, đồ ăn chín, hoa quả, nước ép… Nếu thuê cả ngày giá 3 triệu/tháng, còn thuê sáng thì giá 2 triệu/tháng, chiều 1,5 triệu”, chủ nhân bài viết cho biết.

Cũng cho thuê chỗ bán hàng vỉa hè, tài khoản H.H rao cho thuê vỉa hè khu vực Nguyễn Viết Xuân, Hà Đông, phù hợp với tiểu thương bán hàng cá, thịt, gà, rau củ… Đặc biệt, theo chủ nhân bài viết này, 1 bàn thịt giá 3 triệu/tháng!

Vỉa hè được rao cho thuê trên mạng xã hội như tài sản cá nhân.

Theo tìm hiểu của PV, cũng như mặt bằng kinh doanh, giá thuê vỉa hè tại Hà Nội cũng muôn hình vạn trạng. Giá cho thuê vỉa hè cao hay thấp tùy thuộc vào khu vực. Theo đó, trước đây, khi lực lượng chức năng chưa ra quân gắt gao, với diện tích khiêm tốn, có thể để được xe bán bánh mỳ hoặc bán xôi, ở trong ngõ khu phố Thanh Xuân, Hà Đông có giá thuê dao động từ 1,5 - 2 triệu, khu vực chùa Láng có giá 2 - 3 triệu/tháng… đặc biệt ở khu vực phố cổ, giá cho thuê vỉa hè có thể lên tới cả chục triệu đồng/tháng.

Còn giá cho thuê vỉa hè gần các trường đại học, bệnh viện, bến tàu xe, bến bãi, di tích lịch sử là đắt đỏ nhất. Sau đó, giá trị của vỉa hè được định giá theo từng khu vực khác nhau, đắt nhất là khu vực quận Hoàn Kiếm, sau đó đến các quận trung tâm như: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy...

Cụ thể, bà N.T.H, một hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống thuê mặt bằng vỉa hè trên phố Hàng Điếu, trước cổng chợ Hàng Da đã từng phải trả 6 triệu đồng/tháng cho 4m2 vỉa hè.

Theo bà H, sở dĩ bà phải thuê vỉa hè để kinh doanh vì mặt bằng trên phố cổ rất đắt, thậm chí, hiện tại đã không còn chỗ để mà thuê. Còn ở vỉa hè cũng có cái lợi của nó, bởi lẽ với nhiều người, việc lê la dân dã như một thói quen bởi sự tiện lợi.

Cũng theo bà H, mặt bằng bà thuê cũng vẫn còn “mềm” so với các khu vực khác. Bởi lẽ, bà cho biết, tại một số địa điểm trên phố Hàng Da - Hàng Gà, các chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trả từ 5 - 10 triệu đồng/tháng cho chủ nhà để được ngồi nhờ.

Có cầu ắt có cung, cũng từ nhu cầu thực tế của không ít người kinh doanh buôn bán, mà vỉa hè bấy lâu nay vẫn bị “xẻ thịt”, trở thành “món hàng” để chuyển nhượng, cho thuê.

Tuy nhiên, vỉa hè là không gian công cộng, là của công, vì vậy việc các cá nhân tự ý buôn bán, cho thuê vỉa hè là phạm luật. Đặc biệt, nếu không được quản lý, việc biến của công thành của riêng này sẽ khiến TP lãng phí một nguồn thu không nhỏ.

Ngoài ra, đối với những tiểu thương thực sự mong muốn có được một góc nhỏ để kiếm sống trên những vỉa hè kia, thì việc TP thí điểm cho thuê vỉa hè với một mức giá được ấn định và công khai là mong ước của nhiều người.

Theo anh Huy, chủ quán mỳ tại quận Hoàn Kiếm cho biết, nếu có chủ trương như thế và giá cả hợp lý, anh sẵn sàng thuê vỉa hè để có thể tự do kinh doanh mà không lo sợ chuyện dọn bàn hay loay hoay di chuyển xe của khách.

“Lượng khách mất đi không chỉ là thiệt hại về kinh tế, mà nó còn khiến thương hiệu bị mài mòn. Nên nếu có thể thuê lại vỉa hè để yên ổn làm ăn và khách thoải mái đến và trải nghiệm với nhà hàng thì tôi không hề tiếc”, anh nói.

(Còn nữa)

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-tu-y-cho-thue-via-he-cua-cong-thanh-cua-rieng-333930.html