Kỳ 2: Vai trò của WTO?

Việc các nền kinh tế lớn Hoa Kỳ, Trung Quốc và EU lần lượt quyết định 'tự xử' trong vấn đề thương mại thời gia qua, khiến người ta không khỏi băn khoăn: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang ở đâu? Vai trò giải quyết xung đột thương mại của định chế này như thế nào?

Chẳng bên nào được lợi
Với các mức thuế đã áp đặt lên nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia trong năm nay giảm khoảng 0,1-0,2%. Con số này có vẻ không lớn lắm, nhưng với quy mô của nền kinh tế Hoa Kỳ năm ngoái 19.400 tỷ USD và nền kinh tế Trung Quốc 12.000 tỷ USD, con số thiệt hại tuyệt đối của 2 nền kinh tế vào khoảng 30-60 tỷ USD.

Oxford Economics nhấn mạnh "mô hình kinh tế vĩ mô mô phỏng đánh giá thấp tác động từ sự bất ổn kinh doanh đang gia tăng, giảm sự tự tin của khu vực tư nhân và gián đoạn chuỗi cung ứng có thể làm trầm trọng thêm những cú sốc kinh tế". Ở cấp độ kinh tế vi mô, nhiều công ty Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Và thuế quan của Hoa Kỳ sẽ khiến doanh số bán hàng của các công ty Hoa Kỳ sụt giảm.

Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ EU và các nền kinh tế lớn khác, vốn coi WTO là cần thiết để bảo vệ thương mại quốc tế. Tuy nhiên, ông Trump đã tỏ ra ít quan tâm đến ý kiến của các đồng minh và đối tác truyền thống của Hoa Kỳ. Sự yếu kém của WTO nằm trong sự thiếu hụt bản sắc cố định của chính nó. Vì thế, khi ông Trump quyết định đặt “Nước Mỹ trên hết”, cũng đồng nghĩa ông xem WTO chả có vai trò gì trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và EU.

Nếu Trump mở rộng thuế quan đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, ông cũng sẽ làm tổn hại nhiều công ty Hoa Kỳ, như Apple, đã thuê ngoài rất mạnh tại Trung Quốc. Và người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng sẽ phải chịu đựng nhiều như các doanh nghiệp nước này, vì hàng hóa họ mua, trong đó có nhiều hàng hóa được nhập khẩu, sẽ trở nên đắt hơn. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, có trụ sở ở Washington, kết luận cuộc chiến thuế quan Hoa Kỳ - Trung Quốc “sẽ tự hủy hoại cho cả hai bên”.

Trung Quốc không phải nước duy nhất bị ông Trump đánh bằng thuế quan. Ông cũng đã đánh mạnh vào thép và nhôm của châu Âu, Canada và Mexico. Ông cũng đang tìm hiểu thuế nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô của Hoa Kỳ. Điều đó hứa hẹn sẽ có một tác động mạnh đến ngành công nghiệp ô tô châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ngân hàng Anh đã thực hiện một số mô phỏng và ước tính rằng một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể sẽ khiến GDP toàn cầu thiệt hại cỡ 2,5% trong 3 năm, trong đó Hoa Kỳ thực sự sẽ là người thua cuộc lớn nhất, với mức thiệt hại 5%. Tuy vậy, với sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ hiện nay, khi tăng trưởng GDP cao kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất nhiều thập niên, Nhà Trắng sẽ có nhiều “đạn” để kéo dài các cuộc chiến thương mại hơn mong đợi. Vì thế ông Trump tin rằng trong cuộc chiến này thế giới sẽ thiệt hại nhiều hơn Hoa Kỳ, và do đó Washington sẽ là người thắng cuộc cuối cùng.

WTO đang “chết”?
Trong các động thái thương mại chống lại Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ không sử dụng các quy tắc của WTO để giải quyết vấn đề. Thay vào đó, họ đã chọn hành động đơn phương bằng cách áp dụng Điều 301 của Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ năm 1974 để ủy quyền cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ bắt đầu cuộc điều tra về trộm cắp sở hữu trí tuệ bởi Trung Quốc.

Ông Scott Kennedy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cưúChiến lược và Quốc tế, nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái: “Nhà Trắng đang nản chí bởi sự chậm chạp của WTO”. Do đó, chính phủ Hoa Kỳ đang sử dụng biện pháp đơn phương để đẩy nhanh tiến trình nhằm đạt được kết quả trong thời gian có lợi cho ngành công nghiệp của Hoa Kỳ.

Ngày 8-3, khi chính phủ Hoa Kỳ ban hành mức thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu, trên trang web của Hội đồng Quan hệ Quốc tế (viện chính sách trụ sở tại New York), tác giả Edward Alden có bài viết “Trump, China, and Steel Tariffs: The Day the WTO Died” (Trump, Trung Quốc và thuế thép: Ngày WTO chết). Bài viết cho rằng WTO đã chết vào ngày Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, nhưng nó lại không chết vì Hoa Kỳ. Mà đó là cái chết đến từ từ qua nhiều năm. Bản thân Trung Quốc chưa từng tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc WTO về thị trường tự do. Hơn thế, câu chuyện thần kỳ kinh tế của Trung Quốc với những nguyên tắc phi thị trường càng làm xói mòn chính hệ thống này.

Trong thực tế, cả Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU đều đã kiện nhau ra tòa án WTO liên quan đến cuộc chiến thương mại lần này. Ngày 23-3, chính quyền Trump đã gửi đơn kiện lên WTO, cáo buộc Trung Quốc không công bằng với các công ty nước ngoài khi buộc họ cấp phép công nghệ cho các công ty Trung Quốc, cũng như sử dụng các hợp đồng phân biệt đối xử với công nghệ nước ngoài. Hoa Kỳ hy vọng các quốc gia khác tham gia vụ kiện. Cho đến nay, EU đã tham gia cùng Hoa Kỳ kiện Trung Quốc ra tòa WTO với cáo buộc tương tự. Trong khi đó, ngày 30-5, Trung Quốc cũng kiện Hoa Kỳ ra WTO vì đã áp dụng Điều 301 của họ để điều tra và áp thuế lên hàng Trung Quốc.

Theo luật WTO, các nước thành viên có thể không cần tuân thủ các quy định về tự do thương mại nếu cảm thấy bị đe dọa an ninh quốc gia. Nhà Trắng đã dùng chính lý do an ninh quốc gia để áp đặt rào cản thương mại với các nước thời gian qua. Vì vậy, khả năng Trung Quốc có thể chiến thắng Hoa Kỳ ở WTO hầu như rất thấp.

Ở chiều ngược lại, việc Hoa Kỳ và EU kiện Trung Quốc vì vi phạm sở hữu trí tuệ, WTO có lịch sử không hiệu quả. Các quy tắc của WTO được soạn ra khi thương mại chỉ đơn thuần là hàng hóa vật chất. Tổ chức này được trang bị tốt nhất để đối phó với việc buôn bán hàng hóa vật lý. Thí dụ, Boeing gần đây đã thành công với quy trình của WTO, thắng một vụ kiện liên quan đến trợ cấp của châu Âu đối với đối thủ Airbus.

Nhưng khi nói đến thế giới kỹ thuật số, WTO không có hiệu quả, và với trộm cắp tài sản trí tuệ, WTO hoàn toàn không có hướng dẫn xử lý. Trong khi đây là một vấn đề lớn gây ra bởi Trung Quốc. WTO cũng gần như “vô dụng” trong các tranh chấp buôn bán các sản phẩm vô hình. Tổ chức này cũng không có điều luật về các doanh nghiệp nhà nước.

Thomas Duesterberg, một chuyên gia chính sách thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại hiện đang ở Viện Hudson, cho biết Trung Quốc cung cấp các công ty nhà nước độc quyền tiếp cận vốn và đặt rào cản gia nhập cho các công ty nước ngoài. "Trump đang hành động đơn phương... và nhóm của ông lập luận rằng bởi vì các quy tắc của WTO không phù hợp với thế kỷ này. Về điều này ông Trump đã nói đúng" - ông Duesterberg nói.

Một điều khác khiến người ta lo lắng: Liệu ông Trump có thể gạt WTO qua một bên? Vào năm 2017, Nhà Trắng cho biết không bị ràng buộc bởi WTO. Ông Trump từng nói với Fox News: “WTO đã được thiết lập để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trừ chúng tôi…Chúng tôi đã thua các vụ kiện, gần như tất cả các vụ kiện trong WTO”.

Hồi tháng 5, ông Trump đã đi xa hơn nữa, gọi WTO là "một thảm họa" cho Hoa Kỳ.Nếu ông Trump từ bỏ WTO như đã từ bỏ Hội đồng Nhân quyền, Nhà Trắng có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng với WTO. Nếu Hoa Kỳ không muốn tham gia, tại sao các nước khác lại tham gia? Sức mạnh và tính hợp pháp của WTO xuất phát từ sự hỗ trợ từ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ. Nếu không có sự hỗ trợ đó, WTO thiếu các công cụ để thực thi các luật đã chi phối thương mại toàn cầu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ho-so/ky-2-vai-tro-cua-wto-59729.html