Kỳ 2: Vẫn phải bám nghề

Hà Nội hiện nay có khoảng 10.000 nữ lao công, chiếm 75 đến 80% tổng số nhân viên làm nghề lao công. Vất vả, hiểm nguy và phải chịu những di chứng về sức khỏe sau nhiều năm gắn bó với công việc này, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục bám nghề.

Hiểm nguy trên mọi cung đường

Bà Nguyễn Thị Lập (Cầu Cốc, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bà đã hai lần bị tai nạn do bị xe đâm trên đường đi gom rác nhưng may còn sống sót. Lần đầu tiên bà bị một thanh niên đi xe máy đâm phải đầu gối khiến bà bị dập cơ, chảy máu trong phải đi chụp chiếu ở bệnh viện. Vừa uống thuốc, vừa bóp thuốc, nghỉ làm mất nửa tháng.

Lần thứ hai, bà đang trên đường đi làm, vừa xuống cầu vượt, dù đã đi sát vào vỉa hè nhưng vẫn bị một thanh niên đi từ dưới cầu lên đâm thẳng vào người khiến bà ngã nhào ra đất. Cú đâm bất ngờ khiến bà bị sưng, đau một bên hông phải vào bệnh viện 198 chiếu chụp, siêu âm.

Hàng ngày, bà Lập phải dùng thuốc giảm đau. Ngày nào bà cũng vật vã với những trận đau do vụ tai nạn đó để lại khiến chồng con lo lắng. Nhưng khi đỡ một chút bà lại tiếp tục đi làm.

Lặng lẽ giữa đời thường, những công nhân vệ sinh môi trường cứ âm thầm, cần mẫn với công việc của mình để làm sạch, đẹp cho cảnh quan phố phường Thủ đô.(ảnh: B.T)

Chị Ngô Thị Thơm, công nhân gom rác ở Hợp tác xã Thành Công, chia sẻ: “Khi trời mưa phùn, có những người đeo kính bị mờ đi không làm chủ được tay lái có thể đâm vào người mình bất cứ lúc nào. Có trường hợp một chị bị xe đâm, xe rác bay ra giữa đường, người thì bay lên gốc cây, lúc mọi người ra đỡ chị ấy tưởng chết bởi chân chị vắt lên cổ do gãy đùi”.

Nhiều đồng nghiệp của chị Thơm cũng bị đâm phải kim tiêm dù không biết lành sạch ra sao nhưng cũng mất cả mấy chục triệu để đi tiêm phòng HIV. Đây được coi là một tai nạn rủi ro. Nhưng bức xúc nhất là có những lần vì sự vô ý thức của người dân không vứt rác vào xe rác mà vứt xuống chân người dọn vệ sinh môi trường khiến lao công đã vất vả lại càng cực nhọc thêm.

Chị Phạm Thị Bảy (Hợp tác xã Thành Công) thì từng gặp những người say rượu trêu đùa, đuổi chị chạy khắp cánh đồng. Hay những người vô ý thức vứt rác bừa bãi rồi chửi người thu gom rác khiến chị bao lần ứa nước mắt.

Các chị chỉ mong sao được nhà nước ưu đãi hơn một chút để cuộc sống đỡ chật vật khốn khó. Mong người dân có ý thức hơn khi vứt rác để các chị đỡ vất vả, được làm xong công việc sớm còn về ăn một bữa cơm chung với gia đình.

Lặng lẽ giữa đời thường, những công nhân vệ sinh môi trường cứ âm thầm, cần mẫn với công việc của mình để làm sạch, đẹp cho cảnh quan phố phường Thủ đô. Nhưng họ cũng đang cần một môi trường lao động đảm bảo an toàn đúng nghĩa cho tính mạng, cho sức khỏe.

Để cùng chia sẻ những nhọc nhằn, nỗi vất vả ấy giúp những người công nhân vệ sinh yên tâm gắn bó với nghề, rất cần sự chung tay của mỗi người, của toàn xã hội trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn giao thông.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-van-phai-bam-nghe-101241.html