Kỳ 2 - Vụ Luật gia thắng kiện 55 tỷ đồng: Kiến nghị bác bỏ kháng nghị của TAND Tối cao

Hội Luật gia Việt Nam đã có công văn kiến nghị Hội đồng Thẩm phán xét xử bác bỏ kháng nghị của Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, giữ nguyên bản án có hiệu lực pháp luật đối với vụ án tranh chấp hợp đồng hứa thưởng của Luật gia Đặng Đình Thịnh.

Bản án phúc thẩm được đông đảo dư luận ủng hộ

Ngày 6/5/2016, TAND Cấp cao tại TP HCM ban hành bản án phúc thẩm dân sự số 87/2016/DS-PT, với những quyết định được dư luận đánh giá là đầy tính công tâm.

Nguyên đơn, Luật gia Đặng Đình Thịnh được bản án công nhận quyền lợi hợp pháp từ hợp đồng hứa thưởng mà ông Thịnh đã thực hiện trọn vẹn, nhưng phía bị đơn bà Vương Thị Khanh và ông Nguyễn Đắc Quang đã bội ước.

Luật gia Đặng Đình Thịnh sau phiên tòa phúc thẩm, tuyên ông thắng kiện thân chủ trên 54 tỷ đồng (Ảnh: Vietnamnet).

Tưởng chừng như mọi chuyện đã khép lại sau bản án phúc thẩm nêu trên, thì ngày 15/5/2017, TAND Tối cao bất ngờ ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 33/2017/KN-DS (QĐ kháng nghị số 33) do bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó chánh án TAND Tối cao ký được ban hành.

Quyết định kháng nghị yêu cầu hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm với những lý do được nhiều chuyên gia pháp lý đánh giá là thiếu căn cứ pháp luật.

Theo đó, ngày 16/6/2017 Hội Luật gia Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Hội đồng thẩm TAND Tối cao. Trong văn bản kiến nghị, Hội Luật gia Việt Nam dẫn nhiều quy định pháp luật đồng thời kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao bác kháng nghị giám đốc thẩm vì không có cơ sở pháp lý.

Căn nhà số 446 – 448 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM mà ông Thịnh nhiều năm đi khiếu nại đòi về cho gia đình bà Khanh, nay Ngân hàng ACB đang thuê.

Yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự văn bản “tư” là không cần thiết

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nhận định 02 cấp tòa căn cứ vào “Thỏa thuận hứa thưởng” chưa được hợp pháp hóa lãnh sự mà buộc bà Khanh phải trả thưởng cho ông Thịnh là không đúng quy định tại điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Hội Luật gia Việt Nam cho rằng nhận định này không có cơ sở, bởi vì:

Thứ nhất, thỏa thuận hứa thưởng ngày 28/11/2008 do bà Khanh, ông Quang ký trước mặt công chứng viên tại California – Hoa Kỳ là căn cứ xác lập các quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên liên quan đến việc sẽ trả phần thưởng sau khi đã thực hiện được công việc được giao.

Thứ 2, thỏa thuận này phù hợp với ý chí, nguyện vọng và mục đích của các bên, không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

Thứ 3, thỏa thuận hứa thưởng giữa bà Khanh và ông Thịnh tuân thủ các điều kiện về hiệu lực của giao dịch dân sự theo Điều 121 Bộ luật dân sự. Do đó được pháp luật công nhận và các bên phải có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận đã ký.

Hội Luật gia Việt Nam gửi công văn kiến nghị lên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Đây là thỏa thuận dân sự được xác lập một cách hợp pháp theo quy định của điều 124 Bộ luật dân sự 2005: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”.

Tại khoản 4 điều 9 Nghị định 111/2011/ NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ nêu rõ: “Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài”.

Ngoài ra Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2004 cũng không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự đối với những tài liệu do cá nhân ở nước ngoài lập và được công chứng bởi cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Do đó việc tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm căn cứ vào thỏa thuận hứa thưởng giữa ông Thịnh và bà Khanh, ông Quang đã được công chứng tại Mỹ và chưa được hợp pháp hóa lãnh sự là đúng quy định pháp luật.

Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ việc, bị đơn không phủ nhận các chữ ký và con dấu trên văn bản và không hề yêu cầu giám định chữ ký, con dấu trên văn bản thỏa thuận nên tòa án không trưng cầu giám định chứng cứ là đúng quy định pháp luật.

Tại kiến nghị của Hội Luật gia Việt Nam gửi Hội đồng Thẩm phán còn có ý kiến như sau:

Với vụ việc ông Thịnh làm giúp cho bà Khanh, ông Thịnh đã bỏ ra nhiều công sức, trí lực, chi phí để đem lại quyền lợi cho gia đình bà Khanh. Việc làm của ông Thịnh được xem như cách đầu tư mạo hiểm, nếu khiếu nại không thành công thì ông Thịnh sẽ tốn thời gian, công sức, chi phí.

Vì vậy việc ủng hộ ông Thịnh là thể hiện sự nhân văn và đúng quy định pháp luật. Pháp luật tố tụng dân sự quy định giám đốc thẩm hủy bản án chỉ khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng. Do đó nếu có một vài sai sót nhỏ trong quá trình xét xử mà không làm thay đổi bản chất vụ án.

Thiết nghĩ không nên hủy án. Về mặt đạo đức, pháp luật cũng không nên cổ xúy cho những hành vi bội ước của mẹ con bà Khanh.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Hiếu

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ky-2--vu-luat-gia-thang-kien-55-ty-dong-kien-nghi-bac-bo-khang-nghi-cua-tand-toi-cao-d46243.html