Kỳ 3: Chuyện nghĩa tình trên vùng biên ải

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng giúp nhân dân vượt nghèo, xây dựng địa bàn bình yên, no ấm, vững mạnh, phương châm ấy luôn song hành cùng bước chân mỗi người lính biên phòng trên trận tuyến bảo vệ biên giới. Có tai nghe, mắt thấy những nhọc nhằn, sóng gió nơi biên cương mới 'thấm' hết được nghĩa tình giữa người bộ đội biên phòng với nhân dân.

Ngược sóng cứu dân

Đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái, Quảng Ninh) những ngày này thật bình yên với những thảm rừng nguyên sinh xanh mát, đan xen dải cát trắng phau dọc quanh đảo. Chứng kiến xóm chài trù phú, bến cảng tấp nập tàu bè ngược xuôi, ít ai biết rằng vùng biển này luôn tiểm ẩn rủi ro, tai nạn. Nghe những ngư dân trong vùng kể lại, những năm gần đây khí hậu, thời tiết vùng biển Đông Bắc này khá thất thường.

Những đận bước vào mùa mưa, trên biển thường hay có bão, lốc xoáy bất ngờ làm đắm nhiều tàu thuyền... Vào mùa Đông, dễ thấy nhất là cảnh giá rét, sương mù giăng kín mặt biển dài ngày, hạn chế tầm nhìn, dễ gây tai nạn cho các phương tiện giao thông đường thủy. Chẳng thế mà, người dân địa phương thường ví khu vực này là “rốn lốc xoáy” có thể gây thiệt hại về người và tài sản.

Các chiến sỹ biên phòng cùng nhân dân tham gia tuần tra, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia.

Nhắc chuyện vượt sóng cứu ngư dân lúc hoạn nạn, Đại úy Hoàng Cương, công tác tại Trạm kiểm soát Biên phòng Vụng Dầm (Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Vạn gia) kể, khoảng tháng 12/2017 một cơn bão đổ về đúng lúc triều cường. Trước tình huống phức tạp trên, bằng kinh nghiệm nhiều năm công tác ở biển đảo, anh Cương quyết định cho anh em ăn cơm sớm, chuẩn bị tất cả các phương tiện cứu hộ cứu nạn tốt nhất, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Bão về càng ngày càng lớn, gió rít lên từng cơn, sóng từng đợt cao hàng mét... khác xa so với dự báo ban đầu.

Do sóng to, gió lớn nên bè của anh Phạm Văn Dương (trú tại thôn 4, xã Vĩnh Trung) bị lật. “Tôi xác định, nếu chúng tôi không ứng cứu ngay, có thể sẽ có nhiều đứa trẻ mất cha, nhiều người vợ mất chồng. Tôi đã quyết định lao xuồng ra để đón ngư dân, sau gần 1 giờ chúng tôi đã trực tiếp cứu được người bị nạn, đưa vào bờ an toàn và chăm sóc sức khỏe chu đáo” - Đại úy Hoàng Cương chia sẻ.

Theo tìm hiểu, ngoài việc chủ động và sẵn sàng ứng cứu khi ngư dân gặp nạn, Đại úy Hoàng Cương và cán bộ chiến sĩ trong tổ công tác luôn kiên trì bám dân, đến từng chủ phương tiện tuyên truyền vận động bà con neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và nâng cao ý thức của nhân dân trong bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, anh và tổ công tác còn đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát loại bỏ hoàn toàn hình thức khai thác đánh bắt hải sản bằng chất nổ, xung điện và các hóa chất độc hại.

Giống như anh Cương, Đại úy Nguyễn Văn Hiệu - Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh 2017 cũng là một trong những gương sáng, điển hình không ngại khó khăn, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh Hiệu hiện công tác tại vị trí thuyền trưởng ở Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh. Chia sẻ về kỷ niệm thực hiện nhiệm vụ trên biển, anh Hiệu kể: Trong một lần thực hiện công tác cách xa đất liền khoảng 40 – 50 hải lý (tương đương 80 - 90km trên đất liền), đội tuần tra của anh phát hiện 1 tàu chở hàng trái phép đang di chuyển theo hướng về phía bên kia đường phân định sang phía Trung Quốc.

Thời tiết lúc đó không hề ủng hộ các cán bộ chiến sĩ, sóng to, gió lớn giật cấp 7 khiến cho công việc của các chiến sĩ ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó, con tàu chở hàng trái phép ngày càng trôi về phía bên kia đường phân định sang Trung Quốc vì các đối tượng trên tàu cố tình chống đối, để thả trôi.

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Chi Ma tham gia khám chữa bệnh cho người dân vùng biên

Trong tình huống cấp bách đó, nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Sở chỉ huy kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, đội tuần tra đã buộc được tàu vi phạm phải về cảng Hải đội 2 để xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là công việc không chỉ đòi hỏi yếu tố chuyên môn vững vàng mà còn cần cả một bản lĩnh dũng cảm, mưu trí. Bản lĩnh này đã được thuyền trưởng Nguyễn Văn Hiệu tôi luyện trong suốt quá trình công tác. Được biết, trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Đại úy Nguyễn Văn Hiệu cũng tham gia cứu nạn 2 vụ/2 phương tiện/6 thuyền viên gặp nạn trên biển, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện.

Ấm tình quân dân

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ tốt chủ quyền an ninh biên giới trên biển, giúp đỡ ngư dân khi gặp nạn… các chiến sỹ biên phòng còn là điểm tựa giúp bà con các dân tộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Ông Chu Văn Lỷ, Chủ tịch xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) chia sẻ: Cách đây ít năm, đời sống kinh tế của các hộ trong xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, do địa hình cách trở, đường xá đi lại khó khăn và trình độ nhận thức dân trí chưa đồng đều.

Nhưng nhờ được các chiến sỹ biên phòng, đặc biệt là cán bộ đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma tham mưu cho chính quyền địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, củng cố cơ sở chính trị, các tổ chức chính trị hoạt động có hiệu quả, có năng lực trách nhiệm để xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển kinh tế… nên bà con có đủ ăn và có thêm thu nhập để đảm bảo cuộc sống.

Đại úy Đỗ Đức Hiệu, Chính trị viên phó, đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma cho biết, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ gần 14km đường biên giới trên địa bàn các xã Tú Mịch, Mẫu Sơn và Yên Khoái, huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn). Những năm trước đây, cuộc sống của nhân dân thu nhập chủ yếu từ nương rẫy, kinh nghiệm làm ăn của bà con còn nhiều hạn chế, do vậy tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm tới 22%.

Là đơn vị có quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma xác định rõ, xóa đói giảm nghèo phải đi liền với phát triển sản xuất, phải tìm ra cách mang lại thu nhập bền vững cho người dân, nhằm thay đổi lối sản xuất cũ. Đây là cơ sở quan trọng để củng cố, giữ vững an ninh, trật tự và sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Được biết, hiện tại 3 xã Tú Mịch, Mẫu Sơn và Yên Khoái đã trồng được hàng nghìn héc ta rừng thông đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một héc ta rừng thông cũng đem lại thu nhập 1 năm gần 100 triệu đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con ở các xã giáp biên giới.

Ngoài công tác đẩy mạnh phát triển kinh tế, việc chăm lo sức khỏe cho bà con nhân dân cũng được quan tâm. Để giúp bà con tiếp cận với các dịch vụ y tế và phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn, các y bác sĩ của đồn biên phòng còn phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế địa phương, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng là bệnh nhân nghèo, giúp vận chuyển bệnh nhân lên tuyên trên, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân định kỳ 2 lần/năm.

Thượng tá Vũ Quốc Ân, Phó Chính ủy Biên phòng Lạng Sơn cũng cho biết, thời gian qua đơn vị đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức giao 229,281 km đường biên giới, 469 cột mốc cho 946 hộ gia đình và 50 tập thể phối hợp bộ đội biên phòng quản lý, bảo vệ; thành lập 247 tổ an ninh tự quản ở 247 thôn, bản khu vực biên giới.

Ngoài ra, thực hiện Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền cơ sở, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ tiền xây dựng được 17 nhà đại đoàn kết; tổ chức khám, chữa bệnh cho hơn 5.500 lượt người, cấp phát thuốc miễn phí trị giá khoảng 70 triệu đồng, phối hợp y tế cơ sở, tiêm chủng mở rộng cho hơn 4.850 lượt trẻ em và phụ nữ khu vực biên giới, xây dựng nhiều vườn thuốc nam. Bên cạnh đó, các đơn vị biên phòng cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về nước sạch, vệ sinh môi trường, xây dựng nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh.

Giang Nam
Kỳ cuối: Bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-3-chuyen-nghia-tinh-tren-vung-bien-ai-74956.html