Kỳ 3: Cứ tiện là mua...

Vì làm vất vả, nên mỗi khi tan ca, hết giờ làm công nhân tại các KCN lại ghé chợ tạm, chợ cóc để mua đồ về thổi cơm hoặc ghé ăn cơm bình dân mặc dù không biết sản phẩm mình mua, mình ăn có an toàn hay không!

Tiện thì mua, tiện thì ăn

Tìm đến các khu vực mà CNLĐ tập trung thuê trọ như thôn Bầu, thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung), thôn Cổ Điển (xã Hải Bối)…, hình ảnh phản cảm đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những khu chợ tự phát với đầy đủ các loại thực phẩm từ rau, củ, quả cho đến thịt, cá, tôm… được bày bán dọc hai bên đường.

Nhiều CNLĐ thường vì một chữ “tiện” nên thường mua thực phẩm tại các khu chợ tự phát.

Chỉ một chiếc xe máy đi qua cũng đủ để phủ một lớp bụi dày lên tất cả các loại thực phẩm, thêm vào đó là việc bày bán thực phẩm chín lẫn với thực phẩm sống, không có dụng cụ che đậy, đầy ruồi, nhặng vo ve, bâu bán… gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chưa kể đến chất lượng, nguồn gốc của các loại thực phẩm được bày bán vô tội vạ ở ven đường đó có đảm bảo hay không. Tuy nhiên, trên thực tế, những khu chợ tự phát này lại được xem là phiên chợ chính trong ngày của nhiều CNLĐ bởi CNLĐ đi làm về thường tiện đường dừng lại mua thực phẩm cho bữa tối và bữa sáng hôm sau.

Thực hiện chủ đề “Vì lợi ích đoàn viên” năm 2018, tại lễ phát động Tháng Công nhân năm 2018, LĐLĐ TP Hà Nội đã ký kết Văn bản thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp về Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ).

Cụ thể, Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội cam kết giảm giá 5% so với giá niêm yết cho ĐVCĐ khi mua các sản phẩm trứng gia cầm tại các cửa hàng, đại lý của công ty trên địa bàn TP Hà Nội; Công ty TNHH Trung Thành cam kết sẽ giảm giá 15% trên giá bán cho ĐVCĐ khi mua các mặt hàng gia vị, thực phẩmcủa Trung Thành tại các gian hàng trực thuộc các KCN, nhà máy… mà LĐLĐ TP chỉ định tổ chức hoạt động bán hàng.

Các đơn vị có đông ĐVCĐ có nhu cầu mua các sản phẩm của công ty, công ty sẽ cử người đến tận nơi phục vụ. Công ty Cổ phần Nhất Nam – Siêu thị Fivimart cam kết sẽ cấp thẻ giảm giá – thẻ Hội viên khách hàng thân thiết cho ĐVCĐ với nhiều quyền lợi như: Giảm giá 3% khi thanh toán tiền mặt...

Tan làm, lóc cóc trên chiếc xe đạp mini, chị Bùi Thị Vân (Công nhân công ty Canon, KCN Thăng Long) vội vã rời nhà xưởng để qua một trường mầm non tư thục gần nơi chị ở đón con và tiện đường về, chị tạt vào quán rau, quán thịt ven đường (thôn Bầu, xã Kim Chung) để mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa tối và bữa sáng ngày hôm sau.

Chia sẻ với chúng tôi về nỗi lo mất an toàn khi mua thực phẩm tại những khu chợ tự phát như thế này, chị Vân nói: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết được vấn nạn mất an toàn thực phẩm đang là nỗi lo chung của toàn xã hội. Lo nhất là CNLĐ như chúng tôi, đồng lương hạn hẹp, muốn tìm mua thực phẩm sạch nhưng giá cao, lại phải “cân đo đong đếm”, nhiều khi chấp nhận mua đồ rẻ, chấp nhận “đánh cược” sức khỏe của chính bản thân và gia đình mình.”

Hơn nữa, làm quần quật cả ngày, đến giờ tan làm thì người cũng mệt rã rời nên chỉ muốn mau mau chóng chóng về nhà lo cơm nước, thu xếp rồi nghỉ ngơi. Chính vì thế, nhiều CNLĐ thường tiện đường đi làm về ghé qua các khu chợ tạm để mua thực phẩm mặc dù biết được rằng cả chất lượng lẫn nguồn gốc thực phẩm được bày bán ở đây “chả biết đường nào mà lần”.

Chị Trần Thị Yên (công nhân Công ty Niessei, KCN Thăng Long) chia sẻ: “Tôi cũng thường mua thực phẩm ở các chợ tự phát ven đường vì tiện đường mình đi làm về. Khi mua, tôi cũng hay hỏi “rau có phun thuốc không?”, “thực phẩm có đảm bảo không?”… nhưng hỏi cũng chỉ để cho vui vậy thôi chứ làm gì có người bán hàng nào lại tự đi chê hàng của mình. Thực sự là tôi rất lo về vấn đề an toàn thực phẩm bởi có thể sẽ phải đánh đổi bằng chính sức khỏe của bản thân và gia đình nhưng biết làm thế nào!”

Vì ở trọ một mình, lại ngại nấu nướng mùa nắng nóng nên anh Nguyễn Văn Hoàng (Công nhân đang làm việc tại KCN Thạch Thất – Quốc Oai) thường “giải quyết”, bữa tối một cách “nhanh, gọn, nhẹ” bằng cách tạt vào các quán cơm bình dân ven đường, gọi một suất cơm 20.000 – 25.000 đồng, đánh ào cái là xong bữa.

“Vì gần nơi ở có nhiều quán cơm bình dân nên nếu ăn ở quán này thấy đồ ăn không ngon, hay vệ sinh môi trường tại quán không đảm bảo thì hôm sau tôi chuyển sang ăn quán khác. Ăn thì chỉ biết là ăn cho no thôi chứ chẳng biết nguồn gốc thực phẩm của quán như thế nào”- anh Hoàng chia sẻ.

Mong không vấn đề gì xảy ra

Thực tế cho thấy, nhiều CNLĐ đã trở thành nạn nhân của những vụ ngộ độc do tiêu thụ những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc và nguồn thu nhập của họ.

Nhớ về vụ ngộ độc năm ngoái, chị Bùi Thị Hồng (công nhân đang làm việc tại Công ty Mây tre đan, KCN Phú Nghĩa) vẫn chưa hết bàng hoàng, chị Hồng kể: “Bữa đó tôi mua rau lang và thịt lợn ở khu chợ tự phát trên đường đi làm về, mặc dù, đã cẩn thận ngâm rau với nước muối và chần thịt qua nước sôi trước khi chế biến nhưng không hiểu sao khi ăn xong bụng đau quằn quại. Ngay lúc đó tôi đã đi mua thuốc uống nhưng vẫn không khỏi, đến ngày hôm sau, tôi phải bắt xe xuống bệnh viện tư nhân ở thị trấn Chúc Sơn khám và được tiêm thuốc, sau một ngày mới khỏi.”

Cùng chung nỗi ám ảnh về nỗi lo mất an toàn thực phẩm với chị Hồng, chị Hạnh còn có anh Trần Văn Sơn (công nhân đang làm việc tại Công ty Jtec, KCN Thăng Long), theo lời kể của anh Sơn, cuối năm vừa rồi, trước khi nghỉ Tết, anh cùng bạn bè tổ chức ăn tất niên tại một quán nhậu gần khu trọ.

Đồ ăn thì không biết có đảm bảo hay không nhưng riêng với rượu thì anh cảm thấy nghi nghi vì rõ ràng chủ quán giới thiệu là rượu táo mèo ngâm “chuẩn”, nhưng khi uống vào, lúc đầu có cảm giác chua chua đầu lưỡi, đến khi trôi qua vòm họng thì sực lên mùi cồn, rượu qua ruột, vào dạ dày… đi tới đâu nóng tới đó.

“Sau khi uống rượu ở quán về tôi có cảm giác chóng mặt, đau đầu, người nổi đầy mẩn đỏ, phải đến trưa hôm sau mới vơi đi cảm giác mệt mỏi, chân tay bải hoải. Giờ cứ nghĩ đến việc nhậu nghẹt ở hàng quán là tôi lại thấy sợ.” – anh Sơn chia sẻ.

“E dè” với thực phẩm sạch

Nỗi lo mất an toàn thực phẩm luôn thường trực lại thêm hàng loạt những vụ ngộ độc thực phẩm được thông tin trên các kênh truyền thông, mạng xã hội khiến cho không ít CNLĐ đã lo lại càng thêm lo. Nhưng nhiều CNLĐ vẫn tỏ ra “e dè” với thực phẩm sạch, một phần vì họ chưa được tiếp cận với các cửa hàng thực phẩm sạch và phần khác là do kinh tế còn hạn hẹp.

Sau vụ ngộ độc chị Hồng mạnh dạn tuyên bố sẽ mua thực phẩm sạch để dùng cho dù giá cả có cao hơn vì với chị bây giờ, quan trọng nhất vẫn là sức khỏe. Nhưng khi được hỏi, chị có biết cửa hàng thực phẩm sạch nào không thì chị lại lắc đầu.

“Tôi cũng không biết ở gần đây (gần khu chị Hồng thuê trọ - thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ - PV) có cửa hàng thực phẩm sạch nào không. Nếu có thì dù giá đắt hơn tôi cũng mua. Hiện tại, sáng sớm, trước khi đi làm, tôi thường đi chợ để mua thực phẩm vì sáng sớm bao giờ thực phẩm cũng tươi hơn, sau đó về để tủ lạnh dùng cho bữa tối. Đó là cách tôi đang thực hiện để đối phó với nỗi lo thực phẩm bẩn.” – chị Hồng chia sẻ.

Cùng chung câu trả lời với chị Hồng về việc không biết xung quanh khu mình ở có cửa hàng bán thực phẩm sạch nào không, nhưng chị Trần Thị Yên lại “e dè” khi trả lời về việc có sẵn sàng chấp nhận mua thực phẩm sạch với giá cao hơn so với thực phẩm không rõ nguồn gốc ở các khu chợ tạm.

Chị Yên nhẩm tính, hiện tại cả hai vợ chồng chị làm trung bình được 15 triệu đồng/tháng, trừ các khoản tiền nhà, tiền sinh hoạt, tiền lo ăn học cho 2 con cũng mất hơn 10 triệu đồng/tháng, có tháng còn thiếu. “Do vậy, nếu cửa hàng thực phẩm sạch bán với giá hợp lý thì tôi sẽ mua, nếu đắt quá thì cũng phải “cân đo đong đếm” vì lương công nhân có hạn nên làm gì cũng phải tính toán” – chị Yên tâm sự.

Mai Quý (Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-3-cu-tien-la-mua-75159.html