Kỳ 3: Cuộc cách mạng về giáo dục

Muốn mở dân trí, phải kiên quyết đả phá nạn hủ nho. Muốn phổ cập giáo dục thì phải dùng chữ Quốc ngữ. Nhờ biết chữ Quốc ngữ mà tư duy, trí tuệ của người Việt được giải phóng, mở mang, tiến những bước nhảy vọt hơn hẳn mấy nghìn năm trước.

Tạp chí Khám phá trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành, viết về những tư tưởng canh tân đột phá của những chí sĩ yêu nước ủng hộ việc xây dựng một nền giáo dục mới, tiếp thu văn minh nhân loại, góp phần chấn hưng dân tộc. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục được coi là một cuộc “duy tân” trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị tại Việt Nam những năm đầu Thế kỷ 20.

Một lớp học của trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) trước hết tập trung vào chủ đề giáo dục. Nền giáo dục nước ta xưa nay rập khuôn Trung Quốc: “đặt đạo đức lên đầu, xem trí năng là thứ yếu, cho nên không nói tới giáo dục quốc dân… Chỉ những ai có chí làm công khanh, đại phu mới đi học, chứ không phải là giáo dục quốc dân nhằm phổ biến rộng rãi trong dân chúng, mà là định phân trên dưới, giữ gìn lễ phép.

Đường lối giáo dục quốc dân không phải như thế, mà là làm rõ cái lý tương quan giữa nước với dân, sao cho họ biết vị trí của họ trong xã hội, chức phận ra sao, và làm thế nào để gây ý thức ái quốc ái quần, bồi dưỡng tài năng tự trị, tự lập… Một nước không có giáo dục quốc dân thì trăm họ u mê, không biết quốc gia, chính trị là gì”.

ĐKNT muốn làm cuộc cách mạng về đối tượng, mục đích và phương thức giáo dục: từ chỗ chỉ giáo dục một số ít người chuyển sang giáo dục số đông dân chúng; từ chỗ chỉ đào tạo người làm quan chuyển sang đào tạo người làm công dân, từ giáo dục tự nguyện sang giáo dục bắt buộc; từ chỉ học trong nước sang đi học nước ngoài.

Nền giáo dục cũ đều dùng chữ Hán, một thứ chữ rất khó học, chỉ một số cực ít người muốn làm quan và có điều kiện mới chịu học. Kiến thức họ được học toàn là các kinh điển Nho giáo, văn chương cổ lỗ có từ hàng nghìn năm trước, xa rời thực tế xã hội, không ích gì cho phát triển kinh tế, chính trị, Khoa học kỹ thuật (KHKT), nâng cao đời sống của dân. Hậu quả là các nhà Nho vô dụng lại làm quan cai trị dân. Chính vì thế mà dân ngu nước yếu, không chống nổi ngoại xâm.

Đã vậy giới hủ nho lại mù quáng tôn vinh văn minh Nho giáo cổ hủ, tự cao tự đại, khinh thường mọi thứ của người Tây, như văn minh phương Tây, chữ Quốc ngữ (do các giáo sĩ người Âu làm ra), KHKT và văn minh vật chất.

Các yếu nhân ĐKNT tuy vốn là nhà Nho song do tiếp thu được tư tưởng duy tân từ Nhật và Trung Quốc nên họ thấy rõ muốn dân giàu nước mạnh thì trước hết phải nâng cao dân trí, tức tiến hành giáo dục quốc dân nhằm thực thi “Khai dân trí” – nội dung đầu tiên trong phương châm cách mạng Việt Nam thời ấy “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do Phan Châu Trinh nêu ra.

Muốn mở dân trí, phải kiên quyết đả phá nạn hủ nho. “Cáo hủ lậu văn” của ĐKNT viết: “Ôi! các bố, có óc thông minh, ở làng cao sang, đọc sách hiền triết, làm mẫu da vàng! Đương lúc này nghe thấy mới lạ, cuộc đời mở mang, sao không ra tay cứu vớt người chìm đắm, đánh thức kẻ mơ màng! Tai hại thay hủ thư! Đục nát bét các bố! Đau đớn thay hủ nho! Làm các bố lầm lỡ!”

Bài hát khuyên học chữ Quốc ngữ

Muốn phổ cập giáo dục thì phải dùng chữ Quốc ngữ. “Văn minh Tân học sách” – cuốn sách có tính cương lĩnh của ĐKNT viết: “Người trong nước đi học nên lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên để trong một thời gian vài tháng, đàn bà trẻ con đều biết chữ và có thể dùng … Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy.”

Đúng là nhờ biết chữ Quốc ngữ mà tư duy, trí tuệ của người Việt được giải phóng, mở mang, tiến những bước nhảy vọt hơn hẳn mấy nghìn năm trước. Không có chữ Quốc ngữ thì các tư tưởng tiên tiến của ĐKNT sao có thể đến được quần chúng nhân dân.

Mười năm sau (1917), học giả Phạm Quỳnh đưa ra nhận định: chữ Quốc ngữ là công cụ giải phóng trí tuệ người Việt.

Làm cho dân ta chấp nhận một loại chữ viết mới thay cho chữ Hán quen dùng hàng nghìn năm là một cuộc cách mạng lớn về văn hóa giáo dục. Hầu hết người trí thức ở ta ngày ấy chỉ biết chữ Hán, thứ chữ viết bằng bút lông có vẻ cao sang.

Giới hủ Nho tẩy chay và chê bai chữ Quốc ngữ viết bằng ngòi bút sắt là thứ chữ “mọi rợ”, “ngoằn ngoèo như con giun”. Sử gia Chương Thâu đánh giá: với việc thực hiện dạy chữ Quốc ngữ, ĐKNT đã tiến xa hơn các nhà duy tân Trung Quốc chỉ hô hào bỏ khoa cử và lối văn tám vế (bát cổ) nhưng vẫn giữ cổ văn, cho tới năm 1917 mới đề nghị dùng bạch thoại.

Khám Phá

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-quoc-te/ky-3-cuoc-cach-mang-ve-giao-duc-c5a557875.html