Kỳ 3: Đề cao vai trò giám sát của người dân

Hiến pháp và các nghị quyết của Đảng đều chỉ rõ: 'Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội nhủ nghĩa - Nhà nước của dân, do dân và vì dân'; trên nền tảng 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra'. Vậy khi tiến hành xây dựng mô hình chính quyền đô thị, điều mà người dân nêu câu hỏi là vai trò giám sát của nhân dân ra sao?

Ông Mai Hồng, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Khi nói đến xây dựng chính quyền đô thị, chắc chắn mô hình này phải khác mô hình chính quyền hiện tại và khác mô hình chính quyền ở nông thôn.

Xây dựng chính quyền đô thị phải chú trọng đến công tác giám sát của nhân dân. Ảnh cử tri quận Long Biên kiến nghị với đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Song ở góc độ quyền làm chủ của nhân dân, thì phải làm rõ vấn đề xây dựng chính quyền đô thị thế nào để người dân được quyền làm chủ cao nhất? Để người dân được giám sát bộ máy hành chính tại địa phương mình? Nói ngắn gọn làm sao để không chỉ bộ máy hoạt động hiệu quả mà còn hoạt động một cách minh bạch nhất; nhất là khi một số nơi thuộc cấp phường, xã sẽ xóa bỏ Hội đồng Nhân dân?

Những vấn đề mà ông Hồng nêu ra cũng là trăn trở của một số người dân khi PV đề cập về thiết chế chính qyền đô thị. Một số người nêu quan điểm: Trong cơ cấu tổ chức, nếu cấp nào thí điểm bỏ Hội đồng Nhân dân thì nên thí điểm bầu trực tiếp chức Chủ tịch UBND.

Theo một số cán bộ hưu trí khác thì xét cho cùng mục tiêu của xây dựng chính quyền đô thị là để giúp bộ máy bớt cồng kềnh, làm việc hiệu quả, công khai, minh bạch còn người dân thực sự được thể hiện quyền làm chủ của mình.

Vì vậy, Đề án chính quyền đô thị của TP Hà Nội phải thể hiện được đầy đủ các yếu tố này.

Bầu trực tiếp chức danh Chủ tịch UBND không phải làm một cách máy móc mà dựa trên nguyên tắc: Đảng lãnh đạo. Các vị được đưa ra để người dân bầu trực tiếp là đảng viên, thuộc diện quản lý cán bộ của Đảng và được Ban chấp hành Đảng bộ địa phương đó giới thiệu, thông qua hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc.

Cách làm này sẽ thể hiện được quyền làm chủ của nhân dân thông qua hình thức bầu trực tiếp chức danh lãnh đạo hành chính cao nhất trên địa bàn (khi không còn HĐND cấp xã, phường để bầu gián tiếp như hiện tại).

Cạnh đó, điều quan trọng nhất khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị là phải minh bạch hóa công tác điều hành của chính quyền. Ngoài những yếu tố liên quan đến bí mật nhà nước, mọi hoạt động của chính quyền phải công khai cho dân được biết để giám sát. Công khai bằng nhiều hình thức như bản tin gửi đến các tổ dân phố, công khai bằng hệ thống công nghệ thông qua các website của chính quyền.

Về vấn đề này các ý kiến cho rằng: Ví dụ cấp xã, phường trước đây HĐND, đại biểu nhân dân là cơ quan, là người đại diện người dân quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng của địa phương, song khi HĐND cấp này không còn thì mọi thông tin liên quan đến hoạt đông, quy hoạch, đầu tư, thu chi phải được cập nhật để dân biết.

Định kỳ hàng quý chính quyền phải cập nhật các thông tin liên quan đến công tác điều hành, tài chính lên trang web và bản tin phát trực tiếp từ hệ thống loa phát thanh. Chi thế nào, đầu tư ra sao? Chính quyền đã và sẽ làm gì dân được biết hết. Đây cũng là hình thức giám sát hiệu quả khi áp dụng mô hình công nghệ hóa, số hóa trong hệ thống quản lý.

L. Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-3-de-cao-vai-tro-giam-sat-cua-nguoi-dan-71795.html