Kỳ 3: Để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

Như kỳ 2 đã đề cập, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về công tác cán bộ. Trong đó, nhóm giải pháp thứ 5 về công tác cán bộ được xem là bước đột phá sâu sắc, chiến lược khi chú trọng 'kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền'... Phải khẳng định ngay rằng, việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là không dễ, nhưng khó mấy cũng phải làm, nếu không muốn dân phai nhạt, mất dần niềm tin...

Làm tốt công tác cán bộ - “đánh chìa khóa” mở nhiều “cánh cửa”

(Ảnh minh họa)

Quyền lực và kiểm soát quyền lực

Hiểu một cách chung nhất, quyền lực là năng lực, khả năng của một tổ chức hay cá nhân tác động đến hành động, hành vi của những người khác, buộc họ phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương tiện, phương thức nào đó như uy tín, quyền hành, cơ chế, chính sách, quy định, thậm chí cưỡng bức thực hiện. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, hay như ở nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, nhân dân chỉ trực tiếp thực hiện một số quyền mang tính cá nhân còn những quyền chung thì trao cho các cơ quan, tổ chức do nhân dân lập lên, bầu lên, thậm chí nhân dân trao quyền cho một nhóm, hoặc một cá nhân đại diện thực hiện...

Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Quy định số 205-QĐ/TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

Trong phạm vi công tác cán bộ, quyền lực chính trị đóng vai trò quan trọng, chi phối, quyết định tới các quyền lực khác, không chỉ với riêng người nắm giữ quyền lực, mà còn trong cả phạm vi không gian rộng lớn mà người đứng đầu có quyền. Chính vì vậy, khi được trao quyền lực, người có quyền (lãnh đạo) dễ bị tha hóa, lạm quyền, lộng quyền, tự tung, tự tác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi cá nhân, kéo bè kéo cánh, mặc sức “ban phát” lợi ích về kinh tế, chính trị... cho những người mình yêu thích, vun vén, thâu tóm quyền, lợi ích về phía mình, gia cố vị trí của mình và những người “biết điều”, chịu nghe mình...

Những sự lạm quyền, tha hóa quyền lực diễn ra khá phổ biến trong thực tiễn, gây tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là về kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân vào những người nắm giữ quyền lực, vào tập thể. Khi ngày càng có nhiều lãnh đạo, thậm chí cả tập thể lãnh đạo, không chú trọng thực hiện những quyền trong phạm vi được giao mà cố tình lợi dụng, lạm dụng quyền lực để rồi gây ra những thiệt hại, hậu quả to lớn cho tập thể, cho đất nước, phải vướng vòng lao lý, điều ấy còn làm xói mòn, xao động, lung lay niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực là đòi hỏi tất yếu khách quan, là vấn đề hệ trọng, sống còn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.

Quy định số 205-QĐ/TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

Ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Quy định gồm 4 nội dung chính, với 15 điều, có hiệu lực từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ. Nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ gồm 7 điều, nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, cũng như trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể được giao thực hiện công tác cán bộ, đó là: 1. Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; 2. Đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; 3. Đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị; 4. Đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp; 5. Đối với cán bộ tham mưu, đề xuất; 6. Đối với nhân sự.

Hy vọng rằng, với những quy định cụ thể, rõ ràng, quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; những hạn chế, sai lầm, tiêu cực, khuất tất của những người được giao quyền lực nhưng không thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm, phạm vi quyền hạn của mình sẽ dần được ngăn chặn. Tất nhiên, những cá nhân, đơn vị được giao kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cũng cần phải được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên, tường minh. Và một khi đã làm tốt công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, việc chống chạy chức, chạy quyền cũng sẽ “nhẹ gánh” phần nào...

Chống chạy chức, chạy quyền - khó mấy cũng phải làm quyết liệt

Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị cũng dành 4 điều về chống chạy chức, chạy quyền, đề cập cụ thể đến các hành vi chạy chức, chạy quyền; hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và việc xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Bộ Chính trị đã nhìn nhận, mô tả cụ thể, rõ ràng những hành vi chạy chức, chạy quyền, đó là: 1. Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; 2. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi; 3. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người, 4. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình; 5. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; 6. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Thực tế, từ lâu trong xã hội ta đã diễn ra tệ chạy chức, chạy quyền làm đảo lộn không ít giá trị, gây mất đoàn kết, làm tha hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phương hại đến lợi ích chung, đến sự công bằng, khách quan trong công tác cán bộ, làm xói mòn niềm tin của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Những cụm từ đúc kết, mỉa mai đầy hàm ý về việc quy hoạch, sắp xếp, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ từ lâu đã trở nên quen thuộc, như: “Con cháu các cụ cả”, “Con ông cháu cha”, “Thứ nhất quan hệ/ Thứ nhì tiền tệ/ Thứ ba hậu duệ/ Thứ tư trí tuệ”, “Mua quan, bán chức”... Không ít bài học về công tác cán bộ, đặc biệt liên quan đến việc chạy chức, chạy quyền đã xảy ra, hết sức đau đớn, ở nhiều đơn vị, địa phương, bộ, ngành trên cả nước. Có đại biểu Quốc hội còn khẳng định trên diễn đàn Quốc hội vào tháng 11-2019 rằng, dư luận râm ran về “chợ đen” mua quan, bán chức, nhưng không dễ trả lời ai mua và ai bán. Đó chính là tệ nạn tham nhũng trong công tác cán bộ (1). Quả thực, những hành động mua - bán trên “thị trường quan chức” ngày càng trở lên trắng trợn, tinh vi hơn, việc phát hiện, tìm ra bằng chứng là không hề dễ dàng, dẫu biểu hiện, dấu hiệu để nhận biết thì không quá khó.

Thực tế, nguyên nhân căn bản, sâu xa của việc chạy chức, chạy quyền là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Vậy nên, khi mà vấn đề lợi ích được công khai, minh bạch, lợi ích của những người có chức quyền không có khoảng cách quá lớn so với số đông trong tập thể, “chợ đen” chức, quyền có thể sẽ đìu hiu, vắng vẻ...

Rõ ràng, việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là rất khó. Nhưng khó mấy cũng phải làm quyết liệt, bởi việc tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn rất nhiều tham nhũng vặt, tham nhũng cụ thể, đơn lẻ nào đó vì nó kéo theo đó là bè cánh, cục bộ, lợi ích nhóm, triệt tiêu động lực, sự hăng say làm việc, cống hiến của nhiều người. Khi đã có “chiếc gậy” là Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị thì việc chạy chức, chạy quyền đã được nhận diện, chỉ rõ, đồng thời việc kiểm soát quyền lực cũng đã hình thành. Hy vọng, với quyết tâm cao nhất có thể, việc chạy chức, chạy quyền sẽ dần được ngăn chặn, khi việc kiểm soát quyền lực được đề cao, tôn trọng, thực thi nghiêm cẩn. Khi ấy, việc “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến, sẽ thuận lợi hơn.

TS Nguyễn Tri Thức

(1). Luân Dũng - Trường Phong, ĐBQH: Dư luận râm ran “chợ đen” mua quan, bán chức, https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dbqh-du-luan-ram-ran-cho-den-mua-quan-ban-chuc-1483246.tpo, truy cập ngày 2-3-2020.

Kỳ 4: Để chặn đứng những sự xuyên tạc nhằm chống đối, phá hoại.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/ky-3-de-kiem-soat-quyen-luc-chong-chay-chuc-chay-quyen/115958.htm