Kỳ 3: Ép buộc và đe nẹt sẽ dẫn đến đổ gãy

Theo các chuyên gia tâm lý, các bậc phụ huynh (PH), thầy cô giáo cần hiểu trẻ để chia sẻ, tránh các hình thức ép buộc, đe nẹt, làm trẻ cảm thấy 'bơ vơ' và dễ dẫn đến đổ gãy về tâm lý.

Sự gần gũi bằng tình yêu thương và trách nhiệm của giáo viên sẽ tạo môi trường tốt giúp HS dễ chia sẻ và nhận thức. Trong ảnh: HS Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) học tại thư viện trường.

Sự gần gũi bằng tình yêu thương và trách nhiệm của giáo viên sẽ tạo môi trường tốt giúp HS dễ chia sẻ và nhận thức. Trong ảnh: HS Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) học tại thư viện trường.

ĐỒNG HÀNH CÙNG TRẺ

Theo Ths. Trần Thị Hương, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý trị liệu Vũng Tàu, thầy cô làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường không nhất thiết phải là chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, người phụ trách tư vấn của nhà trường cần được trang bị kiến thức để nắm bắt tâm lý, cách nhận biết và xử lý những rối loạn tâm lý ở trẻ. Trong nhà trường, cũng nên thiết lập các hòm thư, email tâm sự để HS thổ lộ tâm tư, khúc mắc của các em. GV, nhân viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý hằng ngày, hằng tuần sẽ mở hòm thư, email để đọc và trả lời thư cho các em trên nguyên tắc tôn trọng, bảo mật thông tin của HS.

“Điều quan trọng nhất là GV, các bậc PH phải thực sự coi trọng vấn đề này, để có thể tạo được sự tin tưởng, gần gũi, hiểu được cá tính của trẻ. Mỗi một trẻ sẽ có đặc điểm tâm lý riêng. Có trẻ thông minh, chỉ số cảm xúc vượt trội, nhưng chỉ số nỗ lực lại kém, những trẻ này thường có thành tích học tập tốt nhưng khi gặp thất bại dễ chán nản, bi quan. Một số trẻ dù không học tốt văn hóa lại có năng khiếu về vận động, thể thao. Các bậc PH, và cả GV nên biết điều này, để tạo môi trường sinh hoạt, yêu cầu học tập phù hợp, tránh áp đặt trẻ dẫn đến những trở ngại tâm lý”, bà Hương cho hay.

Cũng theo bà Hương, trong gia đình, cha mẹ không nên bao bọc trẻ quá mức. Chẳng hạn, khi trẻ bị bạn học đánh, thay vì ngăn cấm con không chơi với bạn thì ba mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân và dạy trẻ cách ứng xử phù hợp. Khi trẻ muốn tự làm một việc gì đó, thay vì ba mẹ lo lắng sợ trẻ làm hỏng, thì hãy chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng để trẻ có thể làm được việc mà mình muốn thử sức. Ba mẹ luôn động viên, khích lệ trẻ khi trẻ gặp thất bại, buồn chán trong học tập, cũng như trong cuộc sống; tạo cho trẻ niềm tin để trẻ có thể dễ dàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, kể cả những điều khó nói với bố mẹ.

HS cần được tham gia các hoạt động trải nghiệm lý thú, thiết thực. Trong ảnh: GV và HS Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu) tham gia lễ hội Tết Trung thu do nhà trường tổ chức.

TS. Nguyễn Chí Tăng, nguyên giảng viên Trường CĐ Sư phạm BR-VT cho rằng, bên cạnh việc ứng xử phù hợp với đặc tính tâm lý của HS từng lứa tuổi thì trong cách ứng xử của GV, PH phải có sự thấu hiểu và chia sẻ, không nên đặt ra cho các em những kỳ vọng quá lớn lao rồi hành xử một cách tiêu cực khi các em không đạt kỳ vọng đó.

Cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ nhà trường: “Ở bậc THCS là lúc trẻ bước vào tuổi dậy thì, nên nếu không được hỗ trợ sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Tại trường, chúng tôi đã xây dựng được phòng tư vấn tâm lý học đường với sự tham gia của các GV bộ môn. Chúng tôi thường xuyên trang bị cho HS kỹ năng vượt qua những vấn đề tâm lý thông qua các buổi giao lưu, nói chuyện chuyên đề... Ngoài ra, nhà trường còn lồng ghép tư vấn tâm lý cho HS trong giờ học Giáo dục công dân, Sinh học… Nhà trường cũng yêu cầu GV chủ nhiệm các lớp nắm bắt hoàn cảnh của từng HS, kết nối chặt chẽ với gia đình để kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống của các em”.

KHEN, PHẠT ĐÚNG MỨC

Theo TS. Tăng, không có “công thức” chung cho tất cả HS, mà GV cần giao cho trẻ những nhiệm vụ vừa sức, yêu cầu HS thực hiện nghiêm túc, thường xuyên động viên, khích lệ các em. Đồng thời, khi trẻ sai phạm cần lựa chọn hình thức kỷ luật một cách tích cực, phù hợp với cá tính từng em, từng tình huống. Tuyệt đối không nên so sánh giữa trẻ với nhau, gây áp lực thêm cho các em.

Theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020, có hiệu lực từ 1/11/2020 của Bộ GD-ĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT, trong đó có nhiều quy định mới về hình thức xử lý HS phạm lỗi. Trong đó, Bộ yêu cầu các trường bỏ hình thức kỷ luật HS bằng việc phê bình trước lớp, trước trường và cảnh cáo ghi học bạ. Thay vào đó yêu cầu GV phải sử dụng các hình thức kỷ luật tích cực để HS nhận thức vấn đề, từ đó điều chỉnh, sửa đổi hành vi của mình. Quy định này nhằm tránh tình trạng HS cảm thấy xấu hổ, ngại với bạn bè trong lớp, trong trường khi bị phê bình rồi dẫn đến những hành vi tiêu cực như chán ghét thầy cô, xa lánh bạn bè, bỏ học, thậm chí nghĩ đến hành vi tiêu cực như tự tử vì xấu hổ hoặc uất ức.

“Muốn làm được điều này, GV phải được tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, thay đổi cách cư xử đối với HS. GV cần bảo đảm sự công bằng, khách quan, chính xác, không thành kiến, trù dập HS; đề cao sự tôn trọng HS, luôn mong muốn HS tiến bộ”, TS. Tăng lưu ý.

Ngoài ra, trong nhà trường và ngay cả trong gia đình, các em cần được tạo điều kiện để tham gia hoạt động trải nghiệm, khiến cho việc học tập trở nên lý thú, thiết thực. Các em cũng cần được tạo điều kiện tham gia hoạt động phát triển năng khiếu, sở trường.

Theo Ths. Trần Thu Hiền, giảng viên tâm lý (Trường CĐ Sư phạm BR-VT), ở lứa tuổi HS THCS, THPT thường rất nhạy cảm với những lời nhận xét, khen chê. Nếu như HS có lỗi, thầy cô bình tĩnh và góp ý một cách nhẹ nhàng và xuất phát từ tình yêu thương của các thầy cô thì sẽ giúp HS tiến bộ. Ngược lại cách ứng xử của thầy cô thiếu bình tĩnh, đôi khi mang tính chế nhạo HS thì sẽ tạo cho các em sự bất mãn.

MINH THIÊN - KHÁNH CHI

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202101/cham-soc-suc-khoe-tam-ly-tuoi-hoc-duong-dung-de-qua-tre-moi-bat-dau-ky-3-ep-buoc-va-de-net-se-dan-den-do-gay-918155/