Kỳ 3: Hòn Chuối - vững vàng giữa hai mùa gió chướng

Là đảo tiền tiêu có địa hình hiểm chở và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhất vùng biển Tây Nam, nơi mỗi năm quân dân trên đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) phải oằn mình chống chọi với hai mùa gió chướng… Song, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, với ý chí kiên cường, vượt khó quân dân trên đảo luôn vững vàng; kề vai, sát cánh bên nhau bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuộc sống bình yên của người dân trên đảo Hòn Chuối

Vững vàng giữa bão giông

Sau khi rời đảo Nam Du, con tàu 637 tiếp tục đưa đoàn công tác đến với đảo Hòn Chuối thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Đảo Hòn Chuối hiện lên sau một đêm hành trình dài với vẻ hoang sơ và kỳ bí, cùng những ngôi nhà bằng gỗ nhỏ xíu được quây bạt, lợp tôn nằm nép mình dưới chân đảo. Hầu hết các trạm rada tại vùng biển Tây Nam đều đặt trên các đỉnh nhí ở các đảo, do đó, điều kiện làm việc và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với đảo Hòn Chuối sự khó khăn ấy còn nhân lên gấp bội bởi trên đảo không chỉ có việc thiếu nước ngọt, thiếu điện, thiếu cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục… mà để lên được đến trạm rada 615 chỉ có 1 con đường độc đạo duy nhất đó là “cuốc bộ” leo núi.

Do không có cầu cảng, cùng với việc sóng to, gió lớn nên tàu 637 phải neo lại ngoài khơi cách đảo khá xa; để lên được đảo đoàn công tác chúng tôi phải mất hai lần chung chuyển, một lần sang tàu cá lớn và một lần chuyển sang tàu nhỏ của lực lượng Biên phòng. Từ chân đảo lên đến trạm rada 615, chúng tôi phải vượt qua gần 303 bậc đá, cùng đoạn đường rừng ngoằn ngoèo với dốc cao dựng đứng.

Đại úy Hồ Hữu Nghĩa, Trạm trưởng trạm rada 615 chia sẻ, đảo Hòn Chuối nằm cách đất liền gần 32 km về phía tây, diện tích đảo khoảng 7 km2, điểm cao nhất so với mực nước biển gần 170m, Hòn Chuối là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía tây nam của Tổ quốc và cũng là một trong năm đảo của Đề án xây dựng đảo Thanh niên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện, trên đảo có một tổ nhân dân tự quản với hơn 40 hộ dân và hơn 130 nhân khẩu, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy hải sản.

Để lên được trạm rada 615 trên đảo Hòn Chuối chỉ có một con đường duy nhất là "cuốc bộ"

Tuy nhiên, hiện điều kiện sinh hoạt, đi lại của quân và dân trên đảo còn rất nhiều khó khăn… do thiếu các cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm bởi trên đảo (hiện trên đảo có một lớp học tình thương do cán bộ biên phòng quản lý). Không chỉ thiếu thốn về vấn đề liên quan đến hạ tầng, vật chất mà theo chia sẻ của người dân và các chiến sĩ trên đảo Hòn Chuối, hàng năm họ còn phải đối diện với sự khắc nghiệt của thiên nhiên khi oằn mình chống chọi với hai mùa gió chướng.

Ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ tự quản đảo Hòn Chuối cho biết, ở đây, mỗi năm người dân phải chuyển nhà đến 2 lần để tránh gió chướng (gió mùa Đông Bắc và Tây Nam). Do đớ, từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, người dân về tập chung sinh sống ở gành Nam để tránh gió chướng và từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, chúng tôi lại về gành Chướng (gành Đông) để tránh gió mùa tây nam. Vì tránh sóng và gió biển nên buộc người dân trên đảo phải di cư liên tục, vì thế, nhà ở cũng được dựng tạm bợ, chắp vá theo.

“Mỗi lần chúng tôi chuyển nhà tránh gió chướng, các cán bộ, chiến sĩ hải quân, đồn biên phòng trên đảo đều căng mình giúp dân di chuyển nhà cửa, đồ đạc tránh bão. Từ gành chướng sang gành Nam, rồi lại từ gành Nam sang gành chướng là biết bao sự nguy khó, mọi công tác vận chuyển của quân, dân trên đảo đều bằng đôi chân và đôi vai. Khi bão đi qua, cán bộ, chiến sĩ lại giúp dân lợp và sửa sang nhà cửa, công việc đó dường như đã trở thành quen thuộc đối với quân và dân trên đảo. Khó khăn có, nhưng chúng tôi ở đây luôn quyết tâm sát cánh cùng với lực lượng hải quân, biên phòng kiên cường bám biển, gìn giữ và bảo vệ vùng biển đảo Tổ quốc”, ông Phương cho hay.

Vươn lên giữa trùng khơi

Đại úy Trần Bình Phục luôn hạnh phúc khi được đứng trên lớp học để truyền tri thức lại cho các con em của bà con nhân dân trên đảo

Ðến đảo Hòn Chuối, chúng tôi không chỉ được nghe về những khó khăn của người dân khi oằn mình chống chọi hai mùa gió chướng, những câu chuyện về các anh bộ đội biên phòng, bộ đội hải quân giúp dân di dời nhà mỗi năm hai lần từ mạn nam, qua mạn bắc và ngược lại để giúp dân vững vàng bám trụ lại hòn đảo trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên giữa biển khơi… mà còn là những câu chuyện cảm động về những cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn thường xuyên vượt qua sóng to, gió lớn giữa biển khơi kịp thời cứu giúp người dân gặp trên biển.

Chuyện về các chiến sĩ - y sĩ trên đảo Hòn Chuối đã bao lần kịp thời cứu chữa cho cư dân sinh sống trên đảo và cả những ngư phủ đi theo tàu đánh cá trên biển khi gặp nạn. Hay những câu chuyện cảm động về việc cán bộ, chiến sĩ trên đảo chia sẻ khó khăn với dân, giúp dân từ giọt nước ngọt đến gạo, muối, khi họ thiếu, những người lính trên đảo sẵn lòng sẻ chia với bà con và ngược lại khi đơn vị có việc lớn, thì bà con tập trung lên trạm, lên đồn phụ giúp.

Chị Kim Tuyến, một cư dân gắn bó nhiều năm trên đảo, bộc bạch, bà con nơi đây xem các cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo như là nhà của chính mình; cán bộ chiến sĩ là anh em thân thiết, nên mỗi khi trên đảo có khách đến thăm là bà con mỗi người một tay cùng nhau góp sức với chiến sĩ. Ngược lại, khi bà con trên đảo có gặp khó khăn hoạn nạn gì trong cuộc sống, các anh sẵn lòng giúp đỡ hết mình, cùng nhau vượt qua khó khăn. Thậm chí, những năm vừa qua, những người lính ở đây đã thay phiên nhau tổ chức một số lớp học tình thương cho con em bà con trên đảo. Nhờ đó mà chúng tôi yên tâm đi biển, yên tâm làm ăn sinh sống và cũng nuôi hi vọng con em mình nhờ được học hành sẽ có tương lai tươi sáng hơn.

Buổi chào cơ của chiến sĩ trạm rada 615 trên đảo Hòn Chuối

Trong những câu chuyện về những người chiến sĩ đặc biệt trên đảo, có lẽ, Đại úy Trần Bình Phục, hiện là giáo viên lớp học tình thương, phụ trách 22 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 trên đảo Hòn Chuối là câu chuyện khiến chúng tôi cảm động nhất. Trong câu chuyện về “thầy” Phục, điều đọng lại với chúng tôi không chỉ là việc 6 lần viết thư tình nguyện xin ra đảo công tác, mà chính là tình cảm đặc biệt của Đại úy Trần Bình Phục với lớp học, với các con em của người dân trên đảo. “Con người khổ không phải là thiếu ăn hay thiếu mặc mà đó chính là thiếu tri thức. Vì thế, tôi chỉ muốn giúp bọn trẻ ở đây biết chữ, biết học cách làm người, chỉ có con chữ mới giúp chúng thay đổi tương lai của mình và vươn lên giữa biển khơi”, Đại úy Phục tâm sự.

Có thế thấy, vì cuộc mưu sinh đã đưa người dân dạt đến với đảo Hòn Chuối đầy cam go, thiếu thốn mọi mặt. Bởi vậy, việc quan tâm của chính quyền, của các tổ chức xã hội là việc cần làm thường xuyên. Chính điều này đã giúp các đơn vị bộ đội và bà con nơi đây càng gắn bó sâu nặng, nồng thắm nghĩa tình quân dân... vượt lên bao khó khăn, thử thách; giúp những người lính càng chắc tay súng bảo vệ sự yên bình vùng biển, nơi đầu sóng ngọn gió.

(còn nữa...)

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-3-hon-chuoi-vung-vang-giua-hai-mua-gio-chuong-87656.html