Kỳ 3: Lưu giữ, làm sống lại nét văn hóa đặc sắc của mỗi làng quê

Cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, Hà Nội luôn quan tâm gìn giữ, khôi phục những văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền. Giờ đây, không chỉ là Hà Nội với nét đẹp của văn hóa Thăng Long mà còn là sự hòa quyện vẻ đẹp dung dị, đậm nét của xứ Đoài, xứ Mường… Một Hà Nội năng động, hiện đại và đa sắc màu văn hóa.

Khôi phục vẻ đẹp của văn hóa Mường

Nối tiếp dòng cảm xúc vui mừng sau 10 năm trở thành công dân Hà Nội, cô gái dân tộc Mường, Đinh Thị Xuân ở xóm Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất chia sẻ với chúng tôi: Ngoài việc có cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm khang trang, kiên cố thì từ khi về Hà Nội văn hóa Mường của chúng em đã được khôi phục, gìn giữ tốt hơn.

“Thế hệ em còn trẻ nên chuyện đánh cồng chiêng, tập múa hát hầu như không biết mà chỉ được xem các cụ già biểu diễn mỗi dịp lễ hội. Thế mà khi về với Hà Nội, thôn em được mua 3 bộ cồng chiêng, chúng em được đi học đánh cồng chiêng, giao lưu với các xã khác. Nếu không có sự hỗ trợ, hướng dẫn này có lẽ văn hóa Mường đến thời chúng em sẽ dần mai một và không còn nữa”, cô gái Mường nói đầy cảm kích.

Nói về ý tưởng khôi phục bản sắc văn hóa Mường trên địa bàn xã, ông Nguyễn Giáp Dần, Chủ tịch UBND xã Yên Bình bày tỏ: Trước kia khi còn ở Hòa Bình thì con gái Mường không biết đánh cồng chiêng, không mặc váy truyền thống, nhưng về với Hà Nội lại duy trì được nét văn hóa này. Xã đã được huyện đầu tư mua sắm cho 10 thôn 13 bộ cồng chiêng. Các thôn của xã đều có cồng chiêng, thường xuyên luyện tập và tổ chức giao lưu với nhau cũng như giao lưu với các xã trong và ngoài huyện.

“Xã có trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn là nơi hàng năm tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hiện nay 100% các thôn trên địa bàn xã đã được hòa mạng Internet. Hàng năm chúng tôi tổ chức các hội thi văn hóa, văn nghệ, các môn thể thao dân tộc, tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh, bổ ích cho nhân dân, giảm bớt tệ nạn xã hội, nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa phi vật thể trong đồng bào dân tộc miền núi”, ông Nguyễn Giáp Dần phấn khởi.

Không chỉ xã Yên Bình mà các xã có đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn huyện Thạch Thất như Yên Trung, Tiến Xuân đều được quan tâm khôi phục, gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng. Ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư huyện ủy Thạch Thất nhấn mạnh: Thực hiện Đề án 04 tiếp tục tạo mọi nguồn lực bảo tồn bản sắc dân tộc văn hóa của huyện-múa rối nước, văn hóa làng nghề cổ được duy trì và phát triển. Đặc biệt trên địa bàn có 11 dân tộc thiểu số nhưng người Mường chiếm phần lớn, lại không có chữ viết nên huyện quan tâm bảo tồn văn hóa dân tộc Mường. Để bảo tồn văn hóa riêng của người Mường, huyện xác định Mường xuất phát từ Hòa Bình là văn hóa cồng chiêng nên Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định mua 3 bộ cồng chiêng tặng 3 xã ngay sau khi hợp nhất; sau 4 tháng tạo ngày hội các dân tộc ở 3 xã này được người dân đánh giá cao.

“Chúng tôi xác định khôi phục văn hóa bản sắc người Mường, trên cơ sở đó hòa nhập người Kinh. Người Mường đã bỏ hủ tục văn hóa mê tín dị đoan, đặc biệt cưới, tang, mừng thọ. 3 xã này thực hiện có tỷ lệ hỏa táng cao (nhất là xã Yên Bình hơn 80%). Đặc biệt nhất là nhận thức của người dân đã thay đổi, năm 2014 có 17 hộ tự xin rút khỏi hộ nghèo. Đó là nét đặc sắc trong bảo tồn văn hóa”, ông Nguyễn Doãn Hoàn chia sẻ.

Đối với huyện Mê Linh, khó khăn để tạo sự hòa nhập cho người dân khi sáp nhập với Thủ đô cũng không ít. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, người dân Vĩnh Phúc trước kia có văn hóa khác nhiều văn hóa Thủ đô. văn hóa xuất phát từ cán bộ công nhân viên chức và văn hóa của người dân Thủ đô cũng cao hơn so với các tỉnh khác nên khi sáp nhập về Hà Nội, huyện xác định cán bộ làm sao phải vào cuộc được trước. Tiếp cận, hòa nhập với cán bộ các/sở/ban ngành của các quận huyện Thủ đô là việc quan trọng sau đó mới chuyển được tới người dân.

Trong 10 năm qua, các chương trình về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động xây dựng làng, xã, cơ quan, đơn vị văn hóa huyện luôn quan tâm bằng việc xây dựng các mô hình cụ thể trong tất cả các lĩnh vực: Thể hiện ở khu dân cư, thôn bản, tổ chức hội để lưu giữ được truyền thống như trong lễ hội vẫn giữ được văn hóa truyền thống nhưng phải thổi hồn được cái mới. Đặc biệt, Hà Nội có quy trình xem xét đầu tư trùng tu tôn tạo bất kỳ dự án nào về di tích lịch sử cũng rất chặt chẽ trong phạm vi văn hóa-tôn giáo để giữ giá trị gốc, huyện rất quan tâm điều này và được TP đánh giá tốt.

Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy là điểm du lịch tâm linh độc đáo ở huyện Quốc Oai. Ảnh:T.A

Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy là điểm du lịch tâm linh độc đáo ở huyện Quốc Oai. Ảnh:T.A

Phát triển du lịch đa dạng dựa trên lợi thế về văn hóa

Cùng với việc tỷ lệ thôn, xóm, gia đình đạt chuẩn văn hóa thì biểu hiện rõ chính là công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của mỗi địa phương. Hà Nội có quần thể di sản văn hóa vật thể và phi vật thểđa dạng, phong phú với bề dày lịch sử lâu đời. Tại huyện Mê Linh, công tác bảo tồn được quan tâm, từ năm 2008 đến năm 2016 có 8 di tích được công nhận, trong đó năm 2013 có 1 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng được công nhận.

Để quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, huyện Mê Linh đã chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch với nhiều hình thức phong phú thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ưu tiên phát triển du lịch văn hóa tâm linh bằng cách tuyên truyền, quảng bá Di tích Quốc gia đặc biệt tới nhân dân cả nước và du khách nước ngoài. Hàng năm thu hút khoảng 15 vạn du khách thập phương đến hành hương và vãn cảnh tại các khu di tích nổi tiếng của huyện Mê Linh là Đền thờ Hai Bà Trưng, khu Đồi 79 Mùa xuân và nhà máy in Tiến Bộ.

Khu du lịch sinh thái biển nhân tạo là điểm nhấn trong du lịch sinh thái ở huyện Quốc Oai. Ảnh: T.A

Đối với huyện Quốc Oai-một huyện đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, câu hỏi đặt ra đối với lãnh đạo huyện là làm sao để phát triển được từ bề dày văn hóa sẵn có. Ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Điều kiện tự nhiên và văn hóa của huyện khá thuận lợi cho việc phát triển du lịch, là địa bàn giao thoa giữa khu vực đồi núi với khu vực đồng bằng nên có cảnh quan đa dạng, với quần thể thắng cảnh núi Thầy, động Hoàng Xá, núi đá ở Phượng Cách, tạo ra cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Đặc biệt, chùa Thầy là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội và của Quốc gia. Khu vực đồi núi phía tây QL 21A (xã Phú Mãn, Đông Xuân), cảnh quan đầm hồ ở xã Đông Yên, Hòa Thạch, Phú Cát (phía đông QL 21A), cảnh quan vùng bãi khu vực ven sông Đáy, cảnh quan nội đồng… đây là những khu vực có tiềm năng lớn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện đã định hướng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh, tín ngưỡng. Ưu tiên phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị tiêu biểu, độc đáo của Chùa Thầy; UBND huyện đã tổ chức chương trình hành trình di sản tại chùa Thầy, xã Sài Sơn nhằm quảng bá hình ảnh Quốc Oai, tạo cầu nối du lịch, tăng cường liên kết và là một kênh thông tin, giới thiệu cho du lịch Quốc Oai đến với du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, huyện phát triển du lịch sinh thái với sản phẩm tiểu thủ công nghiệp-làng nghề bằng cách khôi phục và phát triển một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Xây dựng các mô hình tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch… Với những biện pháp tổng thể này, tổng lượng khách du lịch đến với Quốc Oai trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt trên 120.000 lượt người, tổng thu ngân sách đạt 1,1 tỷ đồng-ông Nguyễn Đức Phương thông tin.

Khi đời sống vật chất ổn định thì mỗi người mới dành sự quan tâm cho đời sống văn hóa, tinh thần. Điều dễ nhận thấy ở những vùng nông thôn của Hà Nội là đời sống tinh thần của người dân đã được nâng lên, chất lượng giáo dục tốt hơn, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng dần được cải thiện. Để có được những thành tựu về kinh tế-xã hội đó, bên cạnh những cơ chế chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp chuyên canh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì chìa khóa then chốt là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống hành chính công, hướng tới tiêu chuẩn của một đô thị thông minh, an toàn, hiệu quả…

(Còn nữa)

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ky-3-luu-giu-lam-song-lai-net-van-hoa-dac-sac-cua-moi-lang-que-119427.html