Kỳ 3: Nét kiêu kỳ trong lớp trầm tích thời gian

Năm năm, mười năm và nhiều năm sau nữa, mỗi lần có dịp kể cho ai nghe về London tuyệt mỹ, tôi lại kể về đêm đầu tiên cùng với người bạn quý đi khắp cùng trên lối mòn bằng đá, ven các tòa nhà ngàn năm lịch sử, giữa ánh điện đường huyền ảo, bên mấy chậu dạ yến thảo đêm khuya vẫn khoe sắc thắm, và khẳng định tình yêu dành cho London nhiều vô cùng vô tận, một lần rời đi là quay quắt nhớ thương.

Bài viết được trích trong tập du ký Đi rong trên những múi giờ sẽ được phát hành vào tháng 12-2018.

Đường phố London.

Sau một lúc chờ đợi, bữa sáng được mang lên cho chúng tôi. Hai đĩa fish (cá) và chips (khoai tây) thiệt bự đặt trước mặt. Mùi cá thơm lừng kèm mớ khoai tây chiên giòn có miếng chanh và nước sốt trắng nhìn tôi thách thức. Nghe đồn có tới 10 ngàn cửa hàng như thế trên khắp nước Anh. Ở đây gọi khoai tây chiên là chips chứ không phải french fries. Chắc do mối thù “bất cộng đái thiên” (kiên quyết không đội trời chung) giữa người Pháp và người Anh nên phải né. Mỗi năm, số lượng cá tuyết bị giết để lọc xương đem chiên chắc lên đến vài trăm triệu con. Và số khoai tây được thu hoạch cỡ hàng tỉ tấn. Tôi cắn miếng cá. Da giòn, thịt ngọt kinh hồn. Chỉ có điều ăn tới miếng thứ ba thôi đã ngán vì dầu mỡ quá nhiều. Do tôi không thích khoai tây chiên, nên chắc chỉ ăn một lần cho biết.

No căng bụng. Hai đứa lại lên tàu qua Soho (khu phố cổ trước đây chỉ dành cho giới thượng lưu) gần Chinatown (khu phố người Tàu) để uống trà. Nếu như ẩm thực của người Anh vào loại chán nhất thế giới, thì ngược lại, họ lại rộng rãi và bao dung vô cùng với các thể loại trà. Trà sáng, trà trưa, trà chiều, trà tối. Hết trà xanh tới trà đen, trà chanh, trà lài, trà đậm, trà nhạt vào tất cả mọi ngày trong tuần mà không biết chán.

"Đi chơi với anh, độc giả còn thấm thía cả chuyện đời, cả phận người. Du ký của anh không chỉ tả mà còn kể, không chỉ có cảnh mà còn có chuyện. Những câu chuyện dài hơn con đường thinh không trên bầu trời, con đường gập ghềnh trên mặt đất, quyến rũ người nghe đến bất tận."

Chuyện cũ kể rằng, người Anh thường ăn ngày hai bữa, sáng và tối. Khoảng thời gian chính giữa cách nhau cả nửa ngày, cho nên khoảng 4 giờ là bụng bắt đầu đói rũ. Thế là nữ công tước Anna Maria xứ Bedford đã nghĩ ra món trà chiều kèm bánh ngọt để chống đói. Việc này lúc đầu được giới quý tộc Anh ưa chuộng. Sau đó lan rộng ra tầng lớp bình dân, trở thành một thói quen chẳng những không bỏ được mà còn trở thành đặc trưng của cả vương quốc Anh. Chẳng biết người Mỹ có ảnh hưởng bữa trà chiều của người Anh không, mà có thêm bữa ăn phụ khá nhẹ vào đầu giờ chiều gọi là brunch, mặc dù họ không quên bữa sáng, trưa và sau đó là tối. Có lẽ do ăn nhiều bữa quá, mà Mỹ là một trong những đất nước có số lượng người béo phì đứng đầu thế giới.

Lúc này đã là giờ tan tầm nên phố xá bắt đầu đông. Ai cũng ăn mặc lịch sự, cao ráo, xinh đẹp, đứng đầy các pub (quán rượu) ven vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường vô tư cười nói. Họ bỏ lại sau lưng mọi áp lực của một ngày lao động tại thành phố đắt đỏ nhất nhì thế giới, trung tâm tài chính toàn cầu, để mọi căng thẳng được giãn ra, không cần uống say, chỉ ngà ngà thôi đủ để tỉnh táo về nhà ngủ vùi, mai lại bắt đầu một ngày rất khác.

Đường phố London vào buổi chiều tan tầm.

Tôi và Hoàng bỏ ly trà xuống ra phố ngắm nhìn. Những chậu hoa trong ánh nắng chiều lả lơi mời gọi. Nghe đồn ở Soho nổi tiếng về câu chuyện bảy chiếc mũi bằng thạch cao có kích thước khác nhau, được ẩn giấu trên nhiều con phố. Đây là tác phẩm nhà điêu khắc Rick Buckley thực hiện vào năm 1997. Lúc đầu ông tạo 35 chiếc đủ kiểu hợp với màu tường rồi đem dán khắp nơi để chụp hình lưu giữ. Qua hôm nó bị dẹp đi nhưng sau đó được gắn lại. Nhiều người tin rằng nếu tìm thấy tất cả bảy chiếc mũi này, họ sẽ có một cuộc đời giàu sang, ấm no và hạnh phúc. Tôi bảo Hoàng, hay mình đi loanh quanh, biết đâu tìm thấy rồi mặc sức đổi đời, không phải đi làm nữa.

Hai anh em đi về phía khu phố Tàu rực rỡ cao cao lồng đèn. Mùi dầu mỡ, thức ăn quen thuộc xộc thẳng vào mũi. Đang no cành hông, chứ không chúng tôi cũng vô đó làm một tô mì hoành thánh kèm há cảo cho đã đời. Sau này đi đến nhiều phố Tàu nổi tiếng ở New York, Los Angeles, San Francisco, Paris, Bangkok, Sofia, Chợ Lớn ở Sài Gòn hoặc ngay tại quê hương Ninh Hòa, tôi nghĩ, không đâu sạch và ít mùi như Chinatown ở London kỷ niệm.

Một góc Chinatown ở London.

Không khó để nhận ra tấm bảng “City of Westminster” (thành phố Westminster) hay “City of London” (thành phố London) nằm ở nhiều góc đường như định phân ranh giới. London mà chúng ta biết là vùng Đại (Greater) London rộng lớn với gần 10 triệu người. Thành phố Westminster vốn là khu tự quản của London, chiếm phần lớn diện tích trung tâm thủ đô và khu West End.

Hầu như các danh thắng nổi tiếng như Cung điện Buckingham, Cung điện Westminster, tòa nhà số 10 đường Downing (nơi cư ngụ của các thủ tướng Anh) đều nằm ở thành phố Westminster này hết. Thành phố London là một khu vực rất nhỏ trong vùng Đại London ấy, là khu lõi chính lịch sử của London thuộc đế chế La Mã thời Trung cổ. Người ta vẫn hay gọi đó là khu Dặm Vuông (Square Mile) vì diện tích chỉ 1,12 dặm vuông bé nhỏ. Nhưng ở đây lại có thị trưởng và hội đồng thành phố riêng. Và nghe đâu ngày xưa, mỗi lần các vị vua hay nữ hoàng từ City of Westminster muốn vào City of London, đều phải xin phép.

Một số tác phẩm của Nguyễn Hữu Tài đã xuất bản tại Việt Nam:

- Nỗi buồn rực rỡ (2012)

- Những chuyến thiên di (2012)

- Cô đơn thẳng đứng (2013)

- Chồm hỗm giữa chợ quê (2013)

- Nước Mỹ có gì vui (2014)

- Sài Gòn yêu em đi (2015)

- Còn lại gì cho nhau (2015)

- Nước Mỹ những ngày xê dịch (2016)

Soho luôn là góc phố năng động và tươi trẻ nhất của London bởi các pub, bar, cà phê, tiệm bánh ngọt dọc khắp ngả đường. Gần đó, còn một khu phố dành cho dân đồng tính. Phải công nhận giới trẻ London đẹp quá. Đúng kiểu thị thành hiện đại cosmopolitan. Cái chất của áo quần, giày dép, đồng hồ, kiểu tóc, nước hoa lẫn từng bộ ria được chăm chút, săm soi cẩn thận.

Đêm tối lành lạnh. Tự nhiên thích chơi trò ú tim. Hai đứa đi về phía Đông để mua tour khám phá về tên sát nhân Jack the Ripper, một phần bí mật không lời giải, từng là cơn ác mộng gieo rắc kinh hoàng khắp cả London. Tour bắt đầu ngay tại Durwald Street (xưa mang tên Bucks Row). Vào ngày 31-8-1888, London bàng hoàng phát hiện ra cơ thể bầm tím của nạn nhân Mary Ann Nicholls với hai vết cứa sâu trên cổ làm cho đầu gần như rời ra và bụng bị rạch toang, các cơ quan bên trong bị lôi hết ra ngoài. Chưa dừng lại đó, liên tiếp mấy ngày sau, các thi thể các nạn nhân khác lần lượt được nhận dạng. Từ Annie Chapman, đến Elizabeth Stride, Catherine Eddowes rồi nạn nhân thứ năm Mary Jeanette Kelly được phát hiện. Những người phát hiện ra xác chết than rằng sẽ bị ám ảnh đến cuối đời, không thể nào quên. Tất cả các nạn nhân đều có điểm chung là làm nghề gái điếm.

Cả London hoảng loạn. Khu phố nghèo Whitechapel phút chốc thành hang ổ của tên đồ tể giết người. Ai nấy đều ở hết trong nhà không dám ra đường nửa bước. Bức thư của Jack, tên sát nhân, được gửi đến hãng thông tấn Trung ương Anh như thách thức cả lực lượng cảnh sát. Ngoài năm phụ nữ bị giết có chung một kịch bản, sáu người khác bị sát hại ở nhiều nơi theo cách thức khác nhau. Trước dư luận giận dữ và sự hoảng sợ của đám đông, Giám đốc sở cảnh sát London là Charles Warren phải từ chức. Mọi sự tìm kiếm tên sát nhân đều đi vào ngõ cụt. Dấu vết quan trọng hắn ta để lại không được phân tích một cách rõ ràng. Những người bị nghi ngờ như Kosminski, Montague Druitt, Micheael Ostrog, hay Francis Tumblety hoặc tự tử chết, hoặc bỏ trốn ra nước ngoài đều không có chứng cứ phạm tội rõ ràng. Tên sát nhân tâm thần, bệnh hoạn vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vụ án 11 phụ nữ bị giết một cách tàn nhẫn tới giờ vẫn mãi mãi chìm sâu vào bức màn bí mật, không lời giải đáp cho họ yên lòng nơi suối vàng.

Chúng tôi đi qua từng con đường, góc phố hơn trăm năm trước xác của từng nạn nhân lõa lồ được phát hiện. Khu ổ chuột khổ nghèo ở phía đông East End ngày nào giờ được xây cất, thay đổi khá nhiều nhưng dễ dàng nhận ra vết tích u buồn và thê lương còn sót lại. Cả nhóm người không ai khuyên bảo, tự nhiên đứng sát lại gần. Có người sợ hãi run run. Vài cô gái đưa tay bụm miệng, mắt đỏ hoe khi chuyền tay nhau hình ảnh và bài báo về các nạn nhân tội nghiệp. Trong ánh đèn leo lét, Whitechapel ảo mờ, gió se se lạnh. Vấn vương đâu đây trên từng viên gạch, mái ngói, bức tường, hàng cây, cọng cỏ, hồn ma của 11 nạn nhân năm cũ vẫn ngày đêm than khóc, đòi mạng kẻ sát nhân.

Nhà văn bên những chùm hoa dạ yến thảo.

Nguyễn Hữu Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279945/ky-3-net-kieu-ky-trong-lop-tram-tich-thoi-gian.html