Kỳ 3: Việc cho thuê vỉa hè đã được các nước trên thế giới áp dụng

Nhu cầu cần thuê vỉa hè của người dân là có thực. Và việc cho thuê vỉa hè cũng là câu chuyện không mới, bởi nếu nhìn rộng ra thế giới, ngay cả các nước tiên tiến nhất, việc cho thuê vỉa hè cũng đã được áp dụng khá phổ biến.

Cho thuê vỉa hè – Tại sao không?

Một quán cafe trên vỉa hè ở Paris

Một quán cafe trên vỉa hè ở Paris

Cho thuê vỉa hè, kinh nghiệm từ các nước

Cụ thể, tại một số nước châu Âu, việc mở nhà hàng, quán cà phê trên lề đường được quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan. Hoạt động kinh doanh đồ ăn phải đăng ký với cơ quan y tế và môi trường. Một trong những địa điểm nổi tiếng với cà phê vỉa hè là thủ đô Paris của Pháp…

Theo một bài báo trên Latribune, 25% diện tích vỉa hè Paris được chính quyền cho các hộ kinh doanh thuê. Giá thuê tại khu phố ít người qua lại là 16 EUR/m2. Tại những địa điểm sầm uất như đại lộ Champs-Élyseés, nơi nổi tiếng với các nhà hàng, rạp chiếu phim và cửa hàng xa xỉ phẩm, giá thuê có thể lên tới 88 EUR/m2.

Tại Cannes, Pháp các hàng quán ở được kê các dãy bàn ghế san sát nhau, khách có thể ngồi ăn sáng trò chuyện với bạn bè, hút thuốc lá ở ngoài trời hoặc ngồi đọc báo một mình. Và tất nhiên, vỉa hè luôn chừa lại diện tích nhất định dành cho người đi bộ. Các cửa hàng kinh doanh ăn uống được kê bàn ghế ngoài trời nhưng phải nằm gọn trong mái hiên từ 3 - 6m. Khi có công trình thi công trên vỉa hè thì một hàng rào phân chia ranh giới được dựng lên đảm bảo an toàn cho các phương tiện. Khi đó người đi bộ tuy dạo bước dưới lề đường nhưng không phải chen lấn cùng ô tô, xe máy.

Theo đó, tại Anh, để mở gian hàng trên vỉa hè, người bán cũng phải xin giấy phép. Muốn đặt bàn ghế hay các thiết bị khác như chậu cây, máy sưởi trên vỉa hè, họ cần xin thêm một giấy phép khác.

Tại Ba Lan, các nhà hàng, quán cà phê đều có thể chọn khu vực bày bàn ghế ở phía ngoài hoặc ở vị trí sát mép tường, miễn sao vỉa hè vẫn còn khoảng trống rộng.

Ở châu Á, tại Trung Quốc, sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, nhiều TP ở nước đông dân nhất thế giới đã cho phép bán hàng rong trở lại, tạo cơ hội việc làm và mang lại sinh khí sau thời gian dài cách ly xã hội.

Đầu tháng 6/2022, Thủ tướng nước này kêu gọi người thất nghiệp bán hàng rong để đưa nền kinh tế quay về quỹ đạo cũ. Kinh tế vỉa hè được bật đèn xanh ở nước này sau bao nhiêu năm bị cấm đoán.

Để hài hòa lợi ích, chính quyền các TP quy hoạch hẳn những địa điểm bán là những con phố đi bộ hay những cụm bán hàng tại một khu vực chung của nhiều chung cư, nghĩa là về cơ bản bán có nơi có chỗ. Và ai muốn kinh doanh tại những khu vực này đều được quản lý, đăng ký cụ thể.

Trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn, chính quyền nhiều TP cho phép những hộ kinh doanh mặt tiền những khu vực chung cư được phép kê thêm một số bàn ghế trước cửa hàng của mình để cải thiện thu nhập.

Giống như ở một số quốc gia khác, Hàn Quốc quy hoạch bài bản giúp người bán hàng rong kiếm sống mà không ảnh hưởng đến trật tự đô thị. Các khu vực kinh doanh của dân lao động được quy hoạch ở những địa điểm khác nhau trên mặt đất và dưới lòng đất. Chính quyền nước này đã chọn cách làm “vì dân” khi đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh. Họ khẳng định chỉ có hoàn chỉnh hạ tầng đô thị, nạn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè mới được giải quyết tận gốc.

TP Hà Nội đang nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh

Hà Nội lên phương án sắp xếp lại vỉa hè

10 năm qua, Hà Nội đã 5 lần ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Thực tế cho thấy, 4 lần ra quân trước đều đã “thất thủ”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, nhưng không thể phủ nhận một thực tế rằng người dân đô thị cũng cần nơi buôn bán, làm ăn. Rất nhiều người dân Hà Nội nhà ở mặt phố đã “sống được” nhờ vào vỉa hè, con số đó là không hề nhỏ.

Mới đây, để giải quyết câu chuyện này, Hà Nội lại có chủ trương nghiên cứu phương án cho thuê vỉa hè theo giờ. Theo dự kiến, một số tuyến phố trên 5 mét, sau khi chừa lại 1,5 mét cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê. TP Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình các nước để đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, kể cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ.

Còn tại Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã do Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 31/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo các sở, ngành rà soát, đánh giá tình hình trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn, nhất là khu vực các quận nội thành để thống nhất danh mục các tuyến phố cấm đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố; nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể về việc cho phép đỗ, để phương tiện dưới lòng đường, trên hè phố.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ có quy định cụ thể về quản lý phương tiện ô tô dừng, đỗ trên hè phố, sửa đổi Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 3/5/2018, trong đó bổ sung quy định hè phố chỉ được phép sử dụng một phần để sắp xếp xe đạp, xe máy, không sắp xếp ô tô, không sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện xe ô tô.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, cần nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố, các điểm trông giữ phương tiện, các chợ tự phát, chợ cóc (sau khi giải tỏa) để vừa đảm bảo trật tự đô thị, vừa đảm bảo cho cuộc sống của người dân.

Ngoài ra, nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bãi đỗ xe ngầm, nổi trên địa bàn để đảm bảo công tác trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.

(Còn nữa)

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-viec-cho-thue-via-he-da-duoc-cac-nuoc-tren-the-gioi-ap-dung-334046.html