Kỳ 4: Phong trào bị dập tắt nhưng giá trị khai sáng vẫn còn mãi

Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ là một trường học mà thực chất là cả một phong trào cách mạng yêu nước nhằm mục đích giải phóng xã hội và dân tộc khỏi ách phong kiến thực dân.

Tạp chí Khám phá trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành, viết về những tư tưởng canh tân đột phá của những chí sĩ yêu nước ủng hộ việc xây dựng một nền giáo dục mới, tiếp thu văn minh nhân loại, góp phần chấn hưng dân tộc. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục được coi là một cuộc “duy tân” trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị tại Việt Nam những năm đầu Thế kỷ 20.

Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) đề xướng học không vì bằng cấp, “chỉ cốt học để làm người dân, chứ không học lối từ chương khoa cử, là cái di độc ngày xưa còn lại, lúc bấy giờ chúng tôi ghét lắm.” (lời giám học Nguyễn Quyền). Sử gia Chương Thâu nhận xét: Lần đầu tiên trong lịch sử, ĐKNT đã thành công tách rời thi cử ra khỏi giáo dục.

ĐKNT hô hào: “Thiếu niên chúng ta phải ra sức học cái hữu dụng, chớ để cái học khoa cử phá hỏng chí hướng của mình.” Nếu cứ học theo lối cũ “thì nước ta sẽ không đời nào hưng thịnh được”.

Các sĩ phu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

ĐKNT dạy cho dân biết các kiến thức hiện đại, tiên tiến về chính trị, kinh tế, xã hội mà người Việt Nam chưa từng nghe nói. Chỉ cần điểm qua tên một ít bài trong số 79 bài trong sách “Quốc dân độc bản” (Sách dùng để quốc dân đọc) là đủ thấy điều đó: Quan hệ giữa nước với dân; Nỗi bi thảm của quốc gia không được độc lập; Lòng yêu nước; Độc lập; Cạnh tranh; Chính thể; Bàn về cái hại của khoa cử; Thuế khóa; Pháp luật; Nước ta nên chấn hưng thực nghiệp; Máy móc; Ích lợi của đại công nghiệp; Tiền công; Tư bản; Nhà đại tư bản cũng có ích cho người nghèo; Thương mại; Tiền tệ; Trái phiếu, hối phiếu; Séc; Công ty; các bài viết về nước Nhật (chính thể, giáo dục…).

Sách “Luân lý giáo khoa” có các chương nói về nghĩa vụ của quốc dân với tổ quốc, gia đình, bản thân, xã hội, với nhân loại. Từ “quốc dân” ở đây chính là từ “công dân” ta dùng bây giờ, là người dân có các quyền lợi và nghĩa vụ nhất định đối với quốc gia của mình, khác với “thần dân” là người dân chịu sự cai trị của triều đình phong kiến, phải tuyệt đối phục tùng chính quyền, không có quyền lợi gì hết (trong chữ Hán “thần” nghĩa là nô lệ).

Khác hẳn nền cựu học chỉ dạy học sinh thuộc lòng thứ văn chương cao sang khó hiểu viết từ mấy nghìn năm trước, các tài liệu giảng dạy của ĐKNT thường viết dưới dạng thơ ca dễ hiểu dễ học dễ nhớ. Sách “Quốc văn tập đọc” có 19 bài ca như: khuyên học chữ Quốc ngữ, khuyên yêu nước, khuyên họp đàn, mẹ khuyên con, răn người uống rượu, răn người đánh bạc.

“Bài vợ khuyên chồng” viết:

Anh làm sao cho ích nước lợi nhà

Mọi nghề tân học ắt là phải thông

Anh làm sao cho nổi tiếng Lạc Hồng

Có khôn mới đứng được trong cõi đời.

Điểm qua vài nét kể trên, có thể thấy ĐKNT đã thực sự làm một cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên, với quy mô lớn và tính chất tiên tiến chưa từng thấy trong lịch sử nước ta. Xét tổng thể, ĐKNT không chỉ là một trường học mà thực chất là cả một phong trào cách mạng yêu nước nhằm mục đích giải phóng xã hội và dân tộc khỏi ách phong kiến thực dân.

Phố Hàng Đào thời Đông Kinh Nghĩa Thục.

Thực dân Pháp đã thấy ngay các hoạt động của ĐKNT đe dọa lật đổ ách thống trị của chúng. Vì thế, ĐKNT chỉ hoạt động được 9 tháng đã bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa và tàn bạo đàn áp. Chúng bắt giam nhiều yếu nhân ĐKNT, kết án họ từ 5 năm tù đến chung thân, tử hình và đày ra Côn Đảo nhằm cách ly với đồng bào. Các tài liệu của ĐKNT đều bị tiêu hủy, ai tàng trữ sẽ bị tù; vì thế cho nên hiện còn rất ít tài liệu để tham khảo. Tuy vậy, ảnh hưởng của ĐKNT vẫn tiếp tục lan ra khắp nơi, khơi gợi lòng yêu nước trong toàn dân, chuẩn bị lực lượng cho các phong trào đấu tranh chống Pháp về sau.

Cao trào yêu nước ĐKNT chứng tỏ Việt Nam là nước châu Á đầu tiên đi theo con đường Duy tân của Nhật, tiếp thu văn minh phương Tây, dùng biện pháp giáo dục quốc dân để nâng cao dân trí, cải cách xã hội, tiến tới thực hiện dân giàu nước mạnh. Cuộc cách mạng giáo dục do ĐKNT tiến hành đã viết nên một trang sáng ngời trong lịch sử giáo dục nước ta.

Phong trào yêu nước ĐKNT vẻ vang như thế lẽ ra phải được tôn vinh, ca ngợi xứng tầm để có thể làm dân tộc này kiêu hãnh ngẩng cao đầu, nhưng không rõ vì sao lâu nay dường như đang bị dư luận chính thống ở ta quên lãng dần. Đây thật là điều vô cùng đáng tiếc. Mong sao các thế hệ sau sẽ sửa được sai lầm này!

Khám Phá

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-quoc-te/ky-4-phong-trao-bi-dap-tat-nhung-gia-tri-khai-sang-van-con-mai-c5a558932.html