Kỳ 5: Người lao động hiểu để thực hiện đúng luật

Một trong những điểm đáng chú ý của Bộ Luật hình sự (BLHS) 2015 sửa đổi là những quy định liên quan đến quyền lợi của người lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Theo luật sư Trịnh Nam Ninh (Đoàn luật sư TP Hà Nội): BLHS 1999 đã có quy định xử lý đối hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật. Hình phạt cao nhất với tội danh này là 1 năm tù. Tuy nhiên, trong BLHS 2015 sửa đổi, mức phạt cao nhất áp dụng với hành vi trên đã tăng lên 3 năm tù.

Ngoài ra, BLHS mới cũng quy định các hành vi vi phạm chi tiết và rõ hàng hơn, qua đó tạo thuận lợi cho các cơ quan tố tụng trong quá trình đánh giá, xác định tội phạm.

“BLHS 2015 sửa đổi quy định “Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật” như sau:

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; Sa thải trái pháp luật đối với người lao động; Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.

Người thực hiện hành vi tội phạm với 2 người trở lên hoặc thuộc các trường hợp như đối với người có thai; người đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát thì bị phạt tiền từ 100 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-3 năm.

Người lao động cần hiểu luật để không vi phạm pháp luật (ảnh minh họa: Congluan.vn)

Như vậy, nếu chủ một doanh nghiệp vì vụ lợi không muốn trả thưởng Tết cho nhân viên hoặc động cơ cá nhân mà tìm cách sa thải nhân viên trái pháp luật thì có thể bị phạt tù.

Còn theo luật sư Lưu Đức Dũng, nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động đã được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 và được hướng dẫn tại điều 30, Nghị định 05 năm 2015 của Chính phủ.Bên cạnh đó, việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong các trường hợp có căn cứ quy định tại Bộ luật Lao động 2012.

Trong trường hợp việc sa thải người lao động không được thực hiện đúng quy định về nguyên tắc, trình tự thủ tục cũng như không được áp dụng đúng các căn cứ được phép sa thải người lao động theo quy định thì hành vi sa thải người lao động là trái pháp luật. Người lao động bị sa thải trái quy định có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngoài quy định xử lý với các hành vi sa thải trái phép người lao động, Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có tội danh mới đáng chú ý đó là “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” (điều 219) .

Về vấn đề này, tại buổi Giao lưu - Tọa đàm trực tuyến "Những điểm mới của Bộ luật Hình sự liên quan đến người lao động" do báo Lao động Thủ đô tổ chức mới đây, theo luật sư Nguyễn Văn Hà: Điều 215 BLHS năm 2015 quy định, tội gian lận BHYT, tùy theo mức độ (số tiền gian lận) vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Trường hợp lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc xét thấy vi phạm có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt... tùy mức độ sẽ bị xử phạt hành chính phạt và phạt tù từ 1-5 năm. Riêng trường hợp chiếm đoạt tiền BHYT 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên, sẽ bị xem xét phạt tù từ 5-10 năm...

Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng hay thảo luận về Luật Đặc khu để kích động người dân nói chung cũng như người lao động nói riêng biểu tình dẫn tới việc gây rối trật tự tại công ty, nhà xưởng... Theo quy định mới của BHS năm 2015, Luật sư Hà cho biết: Nếu người lao động tham gia gây rối trật tự theo sự xúi giục một tổ chức nào đó thì nhà nước sẽ xử lý hình sự đối với từng cá nhân, đối tượng tham gia. Do đó, người lao động cần tỉnh táo, không nghe theo sự xúi giục của các tổ chức, đối tượng xấu.

Theo quy định tại Điều 318 BLHS 2015: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.

Thu Trang (còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-5-nguoi-lao-dong-hieu-de-thuc-hien-dung-luat-76040.html