Kỳ 5: Những nhiệm vụ quan trọng nhất trong lịch sử NASA

Xe thăm dò Curiosity

Được phóng lên trên một tên lửa Atlas V vào cuối năm 2011, xe thăm dò tự hành Curiosity Martian mang theo một số dụng cụ và hệ thống khoa học tiên tiến nhất và đắt đỏ nhất từng được chế tạo.

Đó là một chiếc xe tự hành có kích thước tương đương một xe ô tô cỡ nhỏ, được thiết kế để khám phá miệng núi lửa Gale trên sao Hỏa, như một phần của sứ mệnh Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa của NASA (MSL). Xe tự hành Curiosity được phóng từ Cape Canaveral vào ngày 26/11/2011, trên tàu vũ trụ MSL và đáp xuống Aeolis Palus ở Gale Crater trên sao Hỏa vào ngày 6/8/2012.

Xe tự hành đã hạ cánh thành công vào tháng 8/2012 với sự giúp đỡ của một hệ thống hạ cánh tiên tiến, hiện đại. Ngay trước khi chạm xuống bề mặt sao Hỏa, dù đã được bung ra và chiếc xe tự hành hạ cánh một cách an toàn. Sau cuộc hành trình dài dằng dặc trong không gian, với khoảng cách 560 triệu km (350 triệu dặm), Curiosity đã hạ cánh chỉ cách điểm đỗ Bradbury Landing chưa đầy 2,4 km (1,5 dặm).

Curiosity có nhiệm vụ theo dõi các nhiệm vụ của tàu Viking; thực hiện điều tra về khí hậu và địa chất sao Hỏa; đánh giá xem liệu các khu vực được lựa chọn lĩnh vực bên trong miệng núi lửa Gale đã bao giờ cung cấp điều kiện môi trường thuận lợi cho cuộc sống của vi sinh vật hay không, bao gồm cả điều tra về vai trò của nước và các nghiên cứu về khả năng sinh sống của hành tinh để chuẩn bị cho việc thăm dò của con người.

Xe tự hành Curiosity đã tìm thấy một số bằng chứng cho thấy, sao Hỏa có thể đã từng nuôi dưỡng cuộc sống vi mô, nhưng các thí nghiệm vẫn đang tiếp tục và chưa có kết quả cuối cùng.

Tàu Apollo 8 và Apollo 11

Cuối những năm 1960, mục tiêu của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy về việc đưa người lên Mặt trăng vẫn chưa đạt được. Chỉ còn hơn một năm nữa là hết thập kỷ, NASA đã thúc đẩy các hoạt động của mình ở mức độ cao nhất. Apollo 8 trở thành phi thuyền có người lái đầu tiên rời khỏi quỹ đạo Trái đất và đi đến Mặt trăng. Nếu họ không tiếp cận được Mặt trăng, họ sẽ tiếp tục trôi nổi trong không gian mãi mãi. Nếu họ đến quá gần, họ sẽ lao vào Mặt trăng với tốc độ vài km/ giây.

Con tàu đã được phóng vào ngày 21/12/1968, trên chiếc tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo - Saturn V. Apollo 8 đã bay thành công vào quỹ đạo Mặt trăng vào đêm Giáng sinh 1968. Phi hành đoàn đã tổ chức một chương trình truyền hình ngày lễ trên quỹ đạo Mặt trăng. Chương trình này được truyền trực tiếp đến tất cả các lục địa trên Trái đất. Apollo 8 đã trở về và hạ cánh thành công tại Thái Bình Dương vào ngày 27/12 cùng năm.

Chưa đầy 1 năm sau, NASA lại lập kỳ tích vĩ đại nhất của công nghệ trong lịch sử thế giới với sự kiện tàu Apollo 11 hạ cánh trên Mặt trăng ngày 16/7/1969. Phi hành đoàn gồm Mike Collins, Buzz Aldrin và Neil Armstrong. Với hơn 500 triệu người trên trái đất đang theo dõi sự kiện huyền thoại này trên TV, Armstrong đã bước những bước đầu tiên trên bề mặt Mặt trăng. Phi hành đoàn đã trở lại Trái đất vài ngày sau đó, đặt nền móng cho những nhiệm vụ Mặt trăng khác trong tương lai gần.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/ky-5-nhung-nhiem-vu-quan-trong-nhat-trong-lich-su-nasa-3955977-b.html