Kỳ 6: Lộ nghi vấn giả hồ sơ năng lực để trúng thầu

Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng làm thủ tục để tạm ứng trên 43 tỷ đồng cho Doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều mà dư luận không ngờ chính là hồ sơ chứng minh năng lực được doanh nghiệp này đưa vào hồ sơ dự thầu...

Theo xác minh của PV báo BVPL, ngày 5/9/2018, Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh Điện Biên đã công bố đơn vị trúng thầu Gói thầu số 3 thi công xây lắp và đảm bảo giao thông từ (Km34+00-Km48+00) thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường Na Sang là Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6- Công ty Cổ phần xây dựng Tiến Triển với giá trúng thầu hơn 130 tỷ đồng.

Tiếpsau đó, Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng làm thủ tục để tạm ứng trên 43 tỷ đồng cho Doanh nghiệp này. Tuy nhiên, điều mà dư luận không ngờ chính là hồ sơ chứng minh năng lực được Liên danh này đưa vào hồ sơ dự thầu. Từ quá trình xác minh của phóng viên với các cơ quan chức năng thì: mức doanh thu của Công ty cổ phần xây dựng Tiến Triển đã "nhảy" lên cả chục lần so với thực tế... với các phương thức như dùng đơn vị kiểm toán độc lập rồi xác nhận qua Văn phòng công chứng. Và điều lạ là thủ đoạn này lại có thể qua mặt được Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh Điện Biên cũng như các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Điện Biên.

"Làm đẹp" báo cáo tài chính để tham gia đấu thầu

Theo thông tin công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Công ty cổ phần xây dựng Tiến Triển, mã số thuế: 0600296609, có vốn điều lệ trên 102 tỷ đồng, nhân viên là 638 người, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là hàng hóa- xây lắp, có địa chỉ tại Số 110, khu Nguyễn Tảo, thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần xây dựng Tiến Triển đã được kiểm toán trong 3 năm 2014, 2015, 2016 (Bản sao được công chứng) nộp để tham gia đấu thầu và trúng thầu gói thầu số 03 thì tổng doanh thu của đơn vị này năm 2014 đạt 418.614.540.198 đồng, năm 2015 đạt 311.691.118.417 đồng, năm 2016 đạt 267.580.975.000 đồng.

Báo cáo tài chính với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm được Công ty CP xây dựng Tiến Triển "làm đẹp" để đấu thầu. Ảnh: H.L

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, phóng viên báo BVPL đã phát hiện doanh thu của đơn vị này đã được nâng khống lên hàng chục lần, cụ thể là năm 2014 chỉ đạt 89.816.726.000 đồng, năm 2015 đạt 25.226.903.000 đồng, năm 2016 đạt 44.932.906.000 đồng.

Điều đó lý giải được, vì sao một công ty kê khai vốn điều lệ khủng hơn 100 tỷ đồng, nhân viên khá đông nhưng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì đơn vị này chỉ công khai trúng thầu duy nhất một gói thầu là gói thầu xây dựng doanh trại Ban chỉ huy quân sự huyện Hải Hậu, với giá trúng thầu là 14.535.118.000 đồng (giá gói thầu là 14.661.123.795 đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm chưa được 1,5% thông qua đấu thầu rộng rãi) do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hậu là bên mời thầu. Ngay cả Hợp đồng tương tự trong Hồ sơ dự thầu của đơn vị này cũng là Hợp đồng từ năm 2012, đó là Hợp đồng số 03/2012/HĐ-XD ngày 6/4/2012 về thi công xây dựng công trình cải tạo nâng cấp đường Trung Hòa, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có tổng trị giá là 27.943.128.000 đồng.

Trong các kỳ trước, báo BVPL cũng đã chỉ ra việc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng số 6 là đơn vị đứng đầu Liên danh trúng gói thầu số 03 đang bị “tố” nợ đọng tiền thuế nhiều tỷ đồng đến mức Cục thuế tỉnh Điện Biên phải ra văn bản cưỡng chế nợ thuế mà vẫn trúng thầu. Cụ thể là, Cục thuế tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản số 1421/TB-CT ngày 13/8/2018 thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 với tổng số tiền chưa nộp vào ngân sách Nhà nước tính đến ngày 31/7/2018 là 3.491.655.739 đồng. Trong đó, số tiền thuế, tiền phạt là 2.765.150.796 đồng; số tiền chậm nộp đến ngày 31/5/2018 là: 704.327.205 đồng; số tiền chậm nộp từ ngày 1/6/2018 đến ngày 30/6/2018 là: 22.177.738 đồng. Ngoài ra, số tiền nộp quá hạn phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế là: 1.859.731.385 đồng.

Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 lên tới gần 4 tỷ đồng. Ảnh: H.L

Vậy mà, trong hồ sơ dự thầu của Công ty TNHH Thương mại và xây dựng số 6 nộp để đấu thầu và trúng thầu gói thầu số 03 lại có văn bản xác nhận ngày 8/3/2018 của Cục thuế tỉnh Điện Biên do bà Trưởng phòng kê khai và kiểm tra thuế Nguyễn Thị Xuân Hương ký xác nhận đến ngày 8/3/2018 Công ty TNHH Thương mại và xây dựng số 6 không còn nợ đọng thuế (?!!).

Như vậy, chỉ riêng một gói thầu trong ba gói thầu của Dự án này đã phát hiện nhiều dấu hiệu làm giả hồ sơ năng lực, gian lận nhằm tạo lợi thế để trúng thầu. Có hay không việc xác nhận của Cơ quan thuế về việc doanh nghiệp không nợ đọng thuế khi vài tháng ngay sau đó Cơ quan thuế ban hành văn bản cưỡng chế thuế? Trách nhiệm của đơn vị kiểm toán, Văn phòng công chứng trong việc xây dựng, xác thực báo cáo tài chính có doanh số gian lận hàng chục lần so với thực tế?

Gian lận trong đấu thầu có thể bị xử phạt tù

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Na Sang nối từ trung tâm xã Huổi Mí – Nậm Mức đến thị trấn Tủa Chùa – Huổi Lóng, tỉnh Điện Biên gồm 3 gói thầu với tổng mức đầu tư 690 tỷ đồng do UBND tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.

Ngay khi phát hành hồ sơ mời thầu của 03 gói thầu này, nhiều nhà thầu đã có đơn "tố" Ban quản lý dự án các công trình giao thông (QLDA GT) Điện Biên cài cắm “điều kiện" riêng nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực trong hồ sơ mời thầu, có hiện tượng đe dọa cản trở nhà thầu mua hồ sơ. Sau khi có ý kiến của các nhà thầu, Ban QLDA GT Điện Biên buộc phải thừa nhận sai sót và sửa đổi nhiều tiêu chí theo ý kiến của các nhà thầu.

Ngày 6/3/2018, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản giao Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với Ban QLDA các công trình giao thông Điện Biên và các cơ quan, đơn vị có liên quan xác minh, làm rõ nội dung kiến nghị, tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả công khai trả lời dư luận về việc xác minh cũng như hình thức xử lý kỷ luật đối với sai phạm của Ban quản lý dự án. Từ đó dẫn đến việc các nhà thầu làm giả hồ sơ năng lực để trúng thầu, nợ đọng thuế nhiều tỷ đồng đến mức phải cưỡng chế thuế vẫn được Ban QLDAGT tỉnh Điện Biên “ưu ái” xác định là “có tình hình tài chính lành mạnh” để tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Ngoài ra, Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Điện Biên lại “thần tốc” tạm ứng gần 150 tỷ đồng cho các nhà thầu bất chấp việc Dự án được phê duyệt chạy qua đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng như chưa có mặt bằng thi công. Dư luận địa phương lại “dấy” lên nhiều thông tin rằng đơn vị trúng thầu là “sân sau” của lãnh đạo tỉnh? Đâu mới là sự thực và ai phải chịu trách nhiệm khi những sai phạm xảy ra trong quá trình đấu thầu dự án quan trọng này?

Theo Điều 222 Bộ luật Hình sự, người nào thực hiện một trong những hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 222, trong đó có hành vi gian lận trong đấu thầu, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Thậm chí, có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.

Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu 2013 quy định gian lận là hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó một trong những hành vi gian lận là: “Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, HSDT, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”. Theo khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hành vi vi phạm nêu tại khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.

Chiếu theo quy định này, việc Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6- Công ty Cổ phần xây dựng Tiến Triển cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu là hành vi gian lận, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu.

Việc cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ là hành vi gian lận trong đấu thầu, nếu dẫn đến việc phải đấu thầu lại, hoặc nhà thầu được lựa chọn không đủ năng lực, kinh nghiệm có thể làm kéo dài thời gian thực hiện gói thầu, ảnh hưởng chất lượng công trình và gây thiệt không nhỏ về kinh tế - xã hội.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Điện Biên, Thanh tra Chính phủ cần sớm vào cuộc, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ, nhất là khi số tiền gần 150 tỷ đồng đã được tạm ứng cho các nhà thầu khi chưa đủ điều kiện khởi công.

Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Hoàng Long

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/ky-6-lo-nghi-van-gia-ho-so-nang-luc-de-trung-thau-60889.html