Kỳ 7: Xử lý pháp nhân thương mại phạm tội – Bước tiến trong ngành tư pháp

Bộ luật hình sự năm (BLHS) 2015 sửa đổi lần đầu tiên quy định về 'Pháp nhân thương mại phạm tội' được áp dụng. Theo quy định này, rất nhiều hành vi vi phạm phổ biến trước đây như việc trốn thuế, vi phạm môi trường, sa thải lao động trái pháp luật... doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, các nhà điều hành có thể phải liên đới chịu trách nhiệm về những sai phạm từ doanh nghiệp của mình gây ra.

Theo các chuyên gia pháp lý: Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (PNTM) trong BLHS 2015 là cần thiết trong nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay. Hiện nay có không ít các tổ chức kinh tế - PNTM, vì chạy theo lợi nhuận cục bộ đã có sự thông đồng thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm.

Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế như trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu hoặc vì lợi ích cục bộ đã không thực hiện các biện pháp mà pháp luật đòi hỏi để bảo vệ môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc núp bóng dưới danh nghĩa PNTM để phạm tội ngày càng tăng, tính chất nguy hiểm ngày càng cao.

Các hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất tội phạm do PNTM thực hiện trong thời gian qua diễn ra ngày càng tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, đòi hỏi cần phải có giải pháp mạnh để phòng ngừa và đấu tranh.

Trao đổi với PV, luật sư Trung Kiên (VPLS Quốc Thái) chia sẻ: Theo quy định mới tại BLHS 2015 vừa có hiệu lực, điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của PNTM bao gồm những hành vi sau: Phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM; Phạm tội được thực hiện vì lợi ích của PNTM; Phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM.

Đánh giá về loại tội phạm này, luật sư Trung Kiên cho biết: Trách nhiệm của những người chủ doanh nghiệp ở cấp độ thấp là dân sự, hành chính, quan hệ lao động. Chế tài ở mức cao hơn là trách nhiệm hình sự. Người chủ doanh nghiệp khi vi phạm pháp luật (bất kể cố tình hay vô ý) mà gây thiệt hại lớn, gây tổn thất cho xã hội, đất nước và người khác sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng. Trách nhiệm hình sự đã quy định cho PNTM, đó là bước tiến trong ngành tư pháp về lĩnh vực này, một phần vì các nhà làm luật đánh giá tính nghiêm trọng của loại tội phạm này.

Hành vi xả thải ô nhiễm ra môi trường sẽ bị xử lý hình sự (ảnh min họa)

Thực trạng hiện nay tồn tại nhiều tội phạm mới phát sinh. Chủ yếu là các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thuế, internet… Điều kiện cần là phải nội luật hóa nhiều quy định của nhiều điều ước quốc tế trong môi trường hội nhập quốc tế. Do vậy, BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới. Ví dụ, nhiều tội danh PNTM phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó bổ sung thêm 16 tội danh (chủ yếu tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm)...

Liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự của PNTM, đặt ra vấn đề pháp lý là nếu PNTM mại phạm tội thì người đại diện của pháp nhân có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Theo luật sư Xuân Cường, về cơ sở chịu trách nhiệm hình sự, khoản 1 Điều 2 BLHS quy định rõ: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do đó, việc PNTM không làm phát sinh trách nhiệm hình sự của cá nhân là người đại diện của pháp nhân đó.Trước hết, cần phải hiểu rõ rằng “trách nhiệm hình sự của pháp nhân” là cách nói mang tính tổng quát. Không phải mọi loại pháp nhân đều phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về vấn đề tội danh, theo Điều 76 BLHS, PNTM chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong 33 tội danh được quy định, bao gồm một số tội phạm về kinh tế, tội phạm về môi trường và các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (tội trốn thuế; buôn lậu, đầu cơ; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...).

Đối với các doanh nghiệp, theo khoản 1 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm “thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”. Khoản 2 Điều này cũng quy định “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này”.

Khoản 2 Điều 75 BLHS cũng quy định rõ: “Việc PNTM chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Qua đó có thể thấy rằng việc PNTM phạm tội không loại trừ trách nhiệm của cá nhân. Nếu cá nhân là người đại diện của pháp nhân cùng thực hiện hành vi phạm tội với pháp nhân, là đồng phạm đối với hành vi phạm tội của pháp nhân thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.

Thu Trang (còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-7-xu-ly-phap-nhan-thuong-mai-pham-toi-buoc-tien-trong-nganh-tu-phap-76173.html