Kỳ án gói ma túy dưới gốc cây Tràm Bông: 'Họp án' trước khi xét xử là phạm luật!

11 năm tù là mức án TAND huyện Cư Jút (Đắk Nông) dành cho bị cáo Hoàng Văn Phương về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Vấn đề đặt ra là trước khi có bản án này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tổ chức 'họp án'. Vậy việc 'họp án' trước khi đưa vụ án ra xét xử có đúng quy định của pháp luật?

Vụ án “xây dựng” trên lời khai của bị cáo

TAND huyện Cư Jút (Đắk Nông) vừa tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Phương (SN 1971, ở xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, Đắk Nông) 11 năm tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.

Bị cáo Hoàng Văn Phương tại tòa

Trước đó, chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Hoàng Văn Phương, cơ quan tố tụng huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã “xây dựng” ra vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy. Cụ thể, khoảng 14h ngày 29/3/2015, anh Hoàng Văn Phương đang tránh nắng và ngồi ăn kem trên xe máy, cách gốc cây Tràm Bông khoảng 2,5m trên tuyến đường sinh thái dọc sông SêrêPốc (thuộc thôn 1, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) thì bị lực lượng chức năng kiểm tra hành chính, người và phương tiện nhưng không phát hiện được gì. Tuy vậy, quá trình tìm kiếm liền sau đó, Công an huyện Cư Jút phát hiện 1 gói heroin (36,360g, hàm lượng heroin là 64,8%) giấu ở gốc cây Tràm Bông, cách chỗ anh Phương dựng xe máy 2,5m. Sau một hồi đấu tranh, cuối cùng, anh Phương buộc phải ký vào biên bản phạm tội quả tang.

Từ lời khai của Phương, VKSND huyện Cư Jút “chế” thành cáo trạng. Theo đó, ngày 27/3/2015, một người đàn ông tự xưng là Cường (không rõ nhân thân, lai lịch) đến nhà Phương để thuê Phương vận chuyển ma túy. Phương đồng ý. Đến khoảng 10h ngày 29/3/2015, theo sự chỉ dẫn của Cường, anh Phương điều khiển xe máy Air Blade BKS 93T-8037 đi đến cây xăng Trung Tuấn, xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk gặp một người đàn ông bịt khẩu trang đi xe máy tới hỏi có phải là Phương không? Khi anh Phương trả lời là phải, người này đưa cho Phương một gói ma túy bọc trong bao nilon, bên ngoài quấn băng keo màu vàng và dặn mang ma túy đặt tại gốc cây Tràm Bông như đã nói ở trên.

Tiếp đó, khi có người da đen, tóc xoăn đến nhận ma túy thì Phương bỏ đi nơi khác. Khi nào người đó nhận xong ma túy thì Phương quay lại nơi đặt ma túy tại gốc cây Tràm Bông nhận tiền công 4 triệu đồng. Trong lúc chờ người da đen đến nhận “hàng”, Phương bị lực lượng chức năng Công an huyện Cư Jút kiểm tra, bắt giữ.

Kết thúc vụ án này là mức án 11 năm tù mà TAND huyện Cư Jút tuyên phạt đối với Phương. Song, Phương liên tục kêu oan cho rằng mình bị ép cung, đánh đập bắt phải ký vào biên bản nhận tội. Phiên tòa phúc thẩm nhanh chóng được mở để xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo.

Nhìn nhận, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, công tâm, HĐXX TAND tỉnh Đắk Nông nhận định: “Cấp sơ thẩm chỉ dùng lời nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội mà không có chứng cứ nào khác chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo là không đúng theo quy định của pháp luật về chứng cứ và chứng minh”.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm số 49/2015 của TAND huyện Cư Jút để điều tra lại. Đến ngày 16/3/2017, cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Jút ra quyết định số 01 đình chỉ điều tra, trả tự do cho bị can Hoàng Văn Phương.

Thế nhưng, khi còn chưa “hoàn hồn” sau khi được trả tự do, một lần nữa, Hoàng Văn Phương lại rơi vào vòng xoáy tố tụng với một tội danh mới là Tàng trữ trái phép chất ma túy. Song, hồ sơ truy tố Phương không có gì khác so với hồ sơ truy tố về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy trước đó.

“Họp án” trước khi mở tòa, được hay không?

Trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án Tàng trữ trái phép chất ma túy, bị cáo Phương liên tục kêu oan. Khi được HĐXX hỏi lý do vì sao ký vào biên bản phạm tội quả tang, bị cáo Phương nói: “Lúc đó, tôi bị đánh đập, đè xuống đường giữa trưa nắng. Vì quá căng thẳng và không còn đủ sức khỏe, tôi buộc phải ký. Nhưng tôi ký với với lý do xác nhận cục ma túy cách tôi 1m, chứ không phải ký với lý do cục ma túy đó là của tôi”.

Tuy nhiên, HĐXX vẫn căn cứ vào biên bản phạm tội quả tang và tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Phương 11 năm tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.

Hé lộ tình tiết bất ngờ, trên cơ sở tài liệu luật sư cung cấp, tại bút lục từ 475 đến bút lục 479 thể hiện quan điểm của 3 cơ quan liên ngành huyện Cư Jút đã họp bàn, chỉ đạo về phương hướng, đường lối xử lý vụ án.

Văn bản nêu rõ: “Tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Jút cho tiến hành nhiều biện pháp điều tra, do vụ án xảy ra lâu ngày nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn, bị can Hoàng Văn Phương phủ nhận toàn bộ lời khai, kết quả chưa thu thập được chứng cứ trực tiếp nào thêm.

Ngày 28/2/2017, tại Công an huyện Cư Jút đã tiến hành họp liên ngành gồm cơ quan CSĐT, VKSND và TAND huyện Cư Jút để đánh giá chứng cứ của vụ án. Nội dung cuộc họp thể hiện ngoài những chứng cứ, tài liệu thu thập được có trong hồ sơ thì lời khai của những cán bộ tham gia bắt giữ Phương phù hợp lời khai gốc ban đầu các ngày 29, 30/3/2015; 1/3/2015; 2/4/2015 và 12/5/2015 của Hoàng Văn Phương. Không có việc Phương bị đánh đập hay bị ép buộc gì từ khi bị bắt giữ cho đến thời gian bị giam giữ tại nhà tạm giữ Công an huyện Cư Jút.

Vì vậy, cơ quan CSĐT, VKSND và TAND huyện Cư Jút nhận thấy đủ cơ sở định tội Hoàng Văn Phương; Để đảm bảo hướng thống nhất xử lý vụ án, kết luận cuộc họp liên ngành huyện Cư Jút xin ý kiến liên ngành tỉnh (cơ quan CSĐT, VKSND và TAND tỉnh Đắk Nông) cho ý kiến chỉ đạo về nội dung trên”.

Cuối văn bản họp liên ngành trên có chữ ký, đóng dấu của đại diện 3 cơ quan huyện Cư Jút.

Câu hỏi đặt ra là việc 3 cơ quan tố tụng “họp án” trước khi đưa vụ án ra xét xử có phạm luật?

Về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình - văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (đoàn Luật sư TP.HCM) chỉ rõ, nguyên tắc tòa án xét xử độc lập đã được Hiến pháp năm 1992 quy định: "Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Sau này, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn: "Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm".

Như vậy, thẩm phán, hội thẩm độc lập xét xử là độc lập trong mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc phiên tòa xét xử, chứ không chỉ giới hạn bởi "khi xét xử". “Do đó, việc các lãnh đạo đại diện cho 3 cơ quan tố tụng ký vào bút lục 479 là vi hiến, xâm phạm nguyên tắc tòa độc lập xét xử”, luật sư Bình nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của luật sư Bình, ông Lương Quang Tuấn - nguyên Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao chỉ ra, cụm từ "nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm" được quy định trong Hiến pháp năm 2013 cũng là bảo đảm cho nguyên tắc độc lập trong xét xử phải được thực thi trong thực tiễn xét xử.

“Điều tra, truy tố, xét xử là 3 giai đoạn độc lập và tự chịu trách nhiệm tương ứng với người tiến hành tố tụng là điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán. Như vậy, việc 3 cơ quan tố tụng họp liên ngành trước khi đưa vụ án ra xét xử là vi phạm pháp luật”, ông Lương Quang Tuấn nói.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/ma-tuy-o-dak-nong-hop-an-truoc-khi-xet-xu-la-pham-luat--a376789.html