'Kỳ án' ở Bình Đại, Bến Tre: Đầu thụ lý 'tranh chấp đất', đuôi phán... 'chia thừa kế' (?!)

'Dù là tranh chấp đất hay chia thừa kế, thì Bản án số 38/2022/DS-ST ngày 05-7-2022 (Bản án số 38) của Tòa án nhân dân (TAND) H.Bình Đại, tỉnh Bến Tre, cũng không có giá trị pháp lý. Bởi, nếu đây là vụ 'tranh chấp di sản thừa kế' thì Bản án số 38 trái luật do từ đầu tòa đã ra thông báo thụ lý, xác định rõ đây là vụ 'tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ)'. Còn xác định đây là vụ 'tranh chấp QSDĐ' thì Bản án số 38 cũng sai do các bên chưa hòa giải cơ sở'. Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Minh Tường - Công ty Luật Phan Nguyễn (TPHCM) sau khi theo dõi và nghiên cứu bản án.

Biến tranh chấp đất thành "chia thừa kế"

Bản án số 38 của TAND H.Bình Đại với Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Trần Nguyễn Trọng Hiếu làm chủ tọa, cùng 2 hội thẩm Võ Minh Quang và Bùi Tuấn Khanh, tuyên buộc bà Trần Thị Kiêm (SN 1947, ngụ thị trấn Bình Đại, H.Bình Đại) phải "bồi hoàn giá trị kỷ phần thừa kế" tổng cộng hơn 3,914 tỷ đồng, chia làm 5 phần bằng nhau (mỗi phần 782,95 triệu đồng) cho 3 đồng nguyên đơn và 2 nhóm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Theo khởi kiện của nguyên đơn, vợ chồng cụ Lê Thị Xinh (SN 1923 - mất năm 2010, ngụ thị trấn Bình Đại) và cụ Trần Văn Nguyệt (SN năm 1919, mất năm 1989) có 6 người con gồm các ông, bà Trần Pênh (SN 1944, mất năm 2015), Trần Thị Kiêm (SN 1947), Trần Minh Đức (SN 1952), Trần Thị Thúy Nga (SN 1957), Trần Thị Mỹ Anh (SN 1959) và Trần Quý Trung (SN 1963, mất năm 2013).

Năm 1972, cụ Xinh mua phần đất khoảng 1.120m2 (ngang 32, dài 35m) thuộc thửa 55, tọa lạc ấp Bình Chiến, thị trấn Bình Đại. Năm 1976, bà Kiêm từ Tiền Giang về cất nhà trên khu đất 1.120m2. Năm 1980, vợ chồng cụ Xinh chia cho các con mỗi người 140m2 (5mx28m); bà Kiêm được chia 140m2 tại vị trí cất nhà ở năm 1976.

Sau khi chia, cụ Xinh còn phần đất ao giáp ranh với đất bà Kiêm. Do bà Kiêm tự ý san lấp sử dụng dẫn đến tranh chấp, cụ Xinh yêu cầu chính quyền giải quyết. Ngày 17-5-1999, UBND H.Bình Đại ban hành Quyết định (QĐ) số 193/QĐ-UB, buộc bà Trần Thị Kim giao trả phần đất rộng 5m, dài 28m (140m2) cho cụ Xinh. Ngày 03-11-2000, UBND tỉnh Bến Tre ban hành QĐ số 3961/QĐ-UB, công nhận QĐ số 193/QĐ-UB.

Ngày 25-3-2002, UBND H.Bình Đại ra QĐ số 97/ QĐ-UB, nội dung: "Thu hồi 140m2 đất thổ cư (ngang 5m, dài 28m) do ông Võ Văn Thành là chồng bà Trần Thị Kim đang quản lý sử dụng, giao cho bà Trần Thi Xinh". Ngày 25-4-2002, UBND H.Bình Đại ra thông báo, yêu cầu bà Kiêm di dời toàn bộ tài sản, vật kiến trúc, cây lâu năm để giao đất lại cho cụ Xinh. Sau đó, cụ Xinh nhiều lần yêu cầu trả đất nhưng bà Kiêm - ông Thành không giao. Đến ngày 25-5-2010, cụ Xinh qua đời.

Nay hai bà Trần Thị Thúy Nga và Trần Thị Mỹ Anh cùng ông Trần Minh Đức yêu cầu tòa xác định phần đất tranh chấp đo thực tế 202,9m2 là di sản cụ Xinh để lại, cho thừa kế cho 6 con, mỗi người 33,8m2.

Vợ chồng bà Kiêm, ông Thành trình bày: Phần đất tranh chấp của cụ Xinh. Năm 1975, bà Kiêm đưa cho mẹ 5 cây vàng, cụ Xinh cắm cọc cho bà 10 thước đất (chiều ngang), nhắm chừng không có đo. Ông Thành là người đăng ký kê khai số mục kê thửa đất, đóng thuế. Ngoài phần đất này, cụ Xinh còn cho các con phần đất ở xã Thạnh Trị diện tích khoảng 4,5 mẫu (hécta) nhưng không cho bà Kiêm. Bị đơn đề nghị tòa không công nhận phần đất đang tranh chấp là di sản thừa kế, mà công nhận phần đất này của bà Kiêm - ông Thành.

Ông Võ Văn Thành và bà Trần Thị Kiêm trước phần đất "chia thừa kế"

Ông Võ Văn Thành và bà Trần Thị Kiêm trước phần đất "chia thừa kế"

HĐXX nhận định: Căn cứ tờ "cầm ruộng có mượn bạc" ngày 30-3-1972 lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, có cơ sở xác định phần đất tranh chấp là của cụ Xinh. Căn cứ vào một số biên bản, lúc sinh thời cụ Xinh không cho bà Kiêm phần đất này và giữa hai bên cũng không có giao dịch thỏa thuận hay mua bán gì. Bị đơn trình bày có giao dịch giữa cụ Xinh với ông Thành - bà Kiêm (đưa 5 cây vàng) nhưng không có chứng cứ.

Nhận thấy, từ năm 1996 đến khi mất năm 2010, cụ Xinh có đơn tranh chấp đòi lại phần đất này. Ngày 17-5-1999, UBND H.Bình Đại ban hành QĐ số 193/QĐ-UB buộc bà Kiêm - ông Thành trả đất cho cụ Xinh. Vì vậy, việc ông Thành có kê khai sổ mục kê vào năm 1998 là không phù hợp vì đất có tranh chấp. Bị đơn cho rằng sử dụng ổn định lâu dài là không có cơ sở.

Liên quan đến đóng thuế, Chi cục thuế H.Bình Đại có công văn ngày 07-01-2020, cung cấp thông tin: "Không xác định được số thửa, số tờ đối với đất lập bộ thuế". Do đó, các biên lai thuế nông nghiệp mà ông Thành giao nộp, không đủ cơ sở để khẳng định ông Thành đã đóng thuế cho thửa đất nào.

Từ những nhận định trên, HĐXX xét thấy, đủ cơ sở công nhận 202,9m2 đất là di sản thừa kế của cụ Xinh nên chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của các đồng nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Sử dụng ổn định 47 năm vẫn bị buộc "chia" số tiền "khủng" (?!)

Cầm Bản án số 38, vợ chồng ông Thành kêu trời! Chính HĐXX khẳng định trong Bản án số 38: "Ông Thành, bà Kiêm đã quản lý sử dụng từ năm 1975 cho đến nay, có công sức bồi thổ và giữ gìn đất. Hiện nay, trên đất vẫn có một số nhà kho và các vật dụng khác của ông bà”. Như vậy, phần đất này vợ chồng ông Thành đã quản lý, sử dụng đến nay gần nửa thế kỷ, đã đăng ký vào sổ mục kê, khai nộp thuế đất từ ngày 19-4-1993, được chính quyền địa phương chứng thực ngày 20-5-1993, trước ngày Luật Đất đai năm 1993 ban hành. Theo quy định của pháp luật thì vợ chồng ông Thành được công nhận QSDĐ, nhưng HĐXX lại buộc "chia thừa kế" (?!).

Liên quan đến hàng chục biên lai thu thuế, ông Thành bức xúc: "Các biên lai thuế của vợ chồng tôi đều ghi rõ ràng là "thu thuế nhà đất". Sao cơ quan thuế lại không xác định được các phiếu đóng thuế này để cho tòa lấy cớ bác bỏ chứng cứ xác đáng của vợ chồng tôi? Chưa hết, trước đây, cụ Xinh tranh chấp đất chỉ 140m2 (5mx28m) nhưng HĐXX cho đất biết "đẻ” tăng lên 202,9m2 rồi hô biến thành đất "thừa kế", đem chia đều cho 6 người?".

Ông Thành mếu máo: "Đang yên ổn tuổi già, vợ chồng tôi phải rơi vào cảnh "đáo tụng đình" rồi bị buộc trả 3,914 tỷ đồng. Ở cái tuổi sắp theo "chầu ông bà”, vợ chồng tôi lấy đâu ra số tiền "khủng" như vậy để nộp theo tuyên phán của chủ tọa Trần Nguyễn Trọng Hiếu, gây nỗi oan ngút trời? Gia đình tôi mong HĐXX cấp phúc thẩm "đèn trời soi xét", để giải oan cho vợ chồng tôi có nhắm mắt cũng được yên lòng".

Ngoài quan điểm về giá trị pháp lý của Bản án số 38, luật sư Nguyễn Minh Tường chỉ ra ít nhất 5 điểm cần được cấp phúc thẩm làm rõ:

Trong Bản án số 38 có hai cái tên Lê Thị Xinh và Trần Thị Xinh; Trần Thị Kiêm và Trần Thị Kim nhưng HĐXX không xác định làm rõ vì sao có hai cái tên? hai tên này có phải là một người không?

HĐXX xác định bị đơn có đơn yêu cầu tòa án công nhận QSDĐ, Bản án 38 không thể hiện tòa ra thông báo thụ lý. Nhưng HĐXX lại đình chỉ yêu cầu này của bị đơn. Tương tự, HĐXX cũng xác định nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có đơn yêu cầu độc lập về "chia thừa kế", Bản án 38 cũng không thể hiện tòa ra thông báo thụ lý. Nhưng HĐXX lại tuyên công nhận yêu cầu độc lập và chia QSDĐ cho những người này?

Thứ ba, QĐ số 193/QĐ-UB của UBND H.Bình Đại và QĐ số 3961/QĐ-UB của UBND tỉnh Bến Tre đã bị thu hồi hủy bỏ nhưng HĐXX đã lấy làm căn cứ công nhận QSDĐ cho cụ Xinh; từ đó mang phần đất này chia thừa kế theo đơn khởi kiện của 3 đồng nguyên đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Thứ tư, nhiều tài liệu chứng cứ xác thực chứng minh phần đất tranh chấp đã được ông Thành - bà Kiêm quản lý sử dụng từ năm 1975, đã đăng ký kê khai có xác nhận của cơ quan thẩm quyền. Chính HĐXX cũng đã khẳng định điều này trong Bản án số 38 nhưng lại tước bỏ quyền lợi chính đáng của bị đơn...

Các biên lai đóng thuế là chứng cứ vô cùng xác thực để chứng minh việc sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước của vợ chồng ông Thành. HĐXX bỏ qua chứng cứ này với nhận định thiếu căn cứ, không thuyết phục...

HUY CƯƠNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/dau-thu-ly-tranh-chap-dat-duoi-phan-chia-thua-ke_135469.html