Kỳ công nghề vẽ tranh tường

Với niềm đam mê và yêu thích hội họa, những năm qua, anh Đào Thân Thiết ở khu phố 3, phường Tân Thiện, thị xã La Gi đã 'thay áo mới' cho hàng trăm bức tường trở nên sống động, đặc sắc và 'có hồn' bởi những nét vẽ kỳ công, độc đáo.

Anh Đào Thân Thiết - Khu phố 3, phường Tân Thiện, thị xã La Gi.

Cùng với sự phát triển của xã hội, yêu cầu về nghệ thuật, nhất là hội họa đang cần có sự đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Ngày nay, không khó để chúng ta có thể bắt gặp những bức tranh tường tại các quán ăn, quán cà phê, trường học, phòng khách hay phòng ngủ của các gia đình. Với các hình vẽ về con vật, phong cảnh, đời sống sinh hoạt, người họa sĩ đã “múa cọ” thành những “tác phẩm” phù hợp với từng không gian, từng địa điểm, mang lại cảm giác chân thật, gần gũi, sống động... cho người chiêm ngưỡng. Chính vì thế, những năm gần đây, nghề vẽ tranh tường ngày càng phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều bạn trẻ có năng khiếu, sở trường về hội họa.

Anh Thiết bên những tác phẩm tranh tường của mình.

Sinh năm 1992, anh Thiết đã có kinh nghiệm hơn 8 năm trong nghề vẽ tranh tường. Trải qua các khóa đào tạo chuyên sâu về hội họa, cộng với những kiến thức, kỹ năng được tích lũy trong những năm làm việc tại các công ty chuyên về lĩnh vực thiết kế, hội họa ở thành phố Hồ Chí Minh mà giờ đây, anh Thiết đã cho ra đời hàng trăm “tác phẩm” tranh tường ấn tượng.

Anh Thiết bộc bạch: “Khó khăn nhất của nghề vẽ tranh tường là người thợ phải làm việc trong môi trường không thoải mái, đôi khi phải đối mặt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa, gió... hoặc phải làm việc ở những vị trí khó tiếp cận như trên cao các tầng nhà. Ngoài ra, việc phải vẽ trên bề mặt lớn và không bằng phẳng cũng có thể gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tạo ra một tác phẩm. Bên cạnh đó, người họa sĩ phải có tính khoa học, vừa đam mê, vừa am hiểu nhất định không gian sinh hoạt, văn hóa chung của nơi thực hiện đề tài. Có như thế mới thể hiện hết “tay nghề” cũng như sự sáng tạo của tác giả”.

Một số tác phẩm tranh tường “ra đời” qua đôi bàn tay khéo léo của anh Thiết

Đã trở thành xu thế trong trang trí nhà cửa, quán xá... Nghề vẽ tranh tường hiện đang mang lại thu nhập ổn định cho người làm. Giá vẽ tranh tường được tính theo m2, tùy thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm kích thước của bức tranh, độ phức tạp của thiết kế mà giá vẽ cũng khác nhau. Theo đó, giá m2 tùy thể loại tầm 300.000 đồng/m2 trở lên. Để hoàn thiện một bức vẽ, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn khác nhau. Việc đầu tiên, người vẽ tranh phải sơn lót trắng từ 1 đến 2 lần, sau đó phác hình, chia bố cục bức tranh và lên màu. Giai đoạn lên màu được chia thành 2 bước: Lên màu nền và lên màu chi tiết. Sau khi vẽ xong, họa sĩ thường phủ thêm một lớp dầu bóng để giữ màu và tăng độ bền cho tranh, đồng thời giúp tranh có chiều sâu hơn. Với những bức vẽ ngoài trời, tranh phải chịu tác động của thời tiết, màu dễ bạc nên người thợ sẽ sử dụng các loại sơn chất lượng để giữ cho tranh bền màu.

Một số tranh đắp nổi phù điêu do anh Thiết thực hiện.

Hiện anh Thiết được khách hàng tin tưởng giao vẽ đa dạng các thể loại tranh như thể loại: 2D, 3D, đắp nổi phù điêu, vẽ tranh phong cảnh, tranh dát vàng… Theo anh Thiết, trong những loại tranh kể trên thì tranh đắp nổi phù điêu là thực hiện lâu và kỳ công nhất, vì trước khi sơn màu, người thợ phải đắp xi măng lên trước”.

Ngoài vẽ tranh tường, anh Thiết còn vẽ tranh trên kính và vẽ lên một số đồ vật khác khi khách hàng có yêu cầu

Anh Thiết chia sẻ thêm: “Trước khi nhận một công trình, tôi thường gợi ý những kiểu dáng, màu sắc phù hợp với khung cảnh để khách hàng lựa chọn. Đối với tôi, vẽ tranh tường là đam mê, là “mảnh đất” để tôi thoải mái sáng tạo ra những tác phẩm ấn tượng, thu hút sự chiêm ngưỡng của người ngắm, người nhìn”.

Khi đời sống tinh thần của người dân ngày càng nâng cao cao, nhu cầu về sự chiêm ngưỡng “cái đẹp” cũng ngày được nâng lên. Do đó, với xu thế phát triển của thời đại thì chắc chắn trong tương lai, nghề vẽ tranh tường sẽ còn thịnh hành và phát triển hơn nữa. Và những bạn trẻ như anh Đào Thân Thiết có thể “thỏa sức” sống trong niềm đam mê với nghề.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ky-cong-nghe-ve-tranh-tuong-117076.html