Kỳ cuối: Bận tối mắt vì 'ông già Noel'

Cho dù có thật hay không thì mọi người vẫn cần 'ông già Noel' trong cuộc sống và khi dân chúng cần thì cảnh sát phải phục vụ trong chức trách của mình. Ở những nơi mà lễ Giáng sinh và 'ông già Noel' hiện tại mang tính chất sinh hoạt văn hóa đại chúng, trách nhiệm của những người thực thi pháp luật càng trở nên nặng nề hơn trong dịp Giáng sinh - Năm mới.

Diễu hành, đón rước và... truy tìm "ông già Noel"

Hàng năm, trước lễ Giáng sinh, cảnh sát phải lo bảo vệ và tham gia các đoàn diễu hành đón "ông già Noel", thậm chí lập thời gian biểu đoàn diễu hành qua từng con phố. Cuộc diễu hành liên quan có lịch sử lâu đời nhất diễn ra vào năm 1887 tại TP. Peoria, bang Illinois, Mỹ và tục lệ đó vẫn kéo dài cho đến nay.

Bắt đầu từ năm 1905, chuỗi cửa hàng bán lẻ Eaton của Canada đã bảo trợ cho các cuộc diễu hành đón "ông già Noel" ở Toronto với 24 xe mô hình, 17 ban nhạc và 1.700 người tham gia. Từ đó, các cuộc diễu hành tương tự lan rộng với quy mô ngày càng lớn. Ngày nay, đoàn diễu hành ấy kéo dài tới... 6,3km, với cả cảnh sát tham gia!

Thú vị là lực lượng này cũng nhiệt tình dự cuộc truy tìm "ông già Noel" thực - ông Noel sống ở tận Bắc Cực ngồi xe tuần lộc kéo ngang trời. Theo truyền thống từ lâu, nhiều người phương Tây, đặc biệt là trẻ em, hăm hở tham gia cuộc truy tìm này. Ngày 25/12/2023, Sở Cảnh sát TP.Benton, bang Kentucky, Mỹ đăng lên FB của mình hình ảnh do một cảnh sát chụp vào đêm 24 rạng sáng 25/12 và ghi rõ rằng chiếc xe tuần tra của anh ta suýt nữa đâm phải xe kéo chở "ông già Noel"! Trong số gần 400 bình luận bên dưới, một phụ nữ tên Joyce Arcilla Dowdy viết rằng chỉ sau khi nhìn thấy tấm ảnh, con chị mới chịu đi ngủ vì tin rằng "ông già Noel" đã đến (cảnh sát đã nói thì luôn đúng).

Nhiều thế hệ người dân TP.Toledo, bang Ohio, Mỹ vẫn còn nhớ mãi giọng nói của sĩ quan cảnh sát Jimmy Ogle - làm việc tại tổng đài nội bộ của cảnh sát thành phố - dù ông đã mất hơn 10 năm. Ngoài công việc chính, cứ vào dịp Giáng sinh, lúc nào sóng liên lạc rảnh, ông lại nhắc nhở các xe tuần tra và người dân chú ý xem có thấy "ông già Noel - niềm tin vào một tương lai tốt đẹp" ở đâu không.

Chiếc xe tuần lộc chở "ông già Noel" cắt ngang đường ngay trước mũi xe cảnh sát (ảnh từ FB của Sở Cảnh sát TP.Benton, bang Kentucky, Mỹ)

Ông già Noel thật từng bị bắt là ai?

Có rất nhiều "ông già Noel" đã bị cảnh sát bắt vì vi phạm luật, trong đó một số phải ngồi tù, nhưng mọi người đều hiểu chỉ là người nào đó với tên họ không phải Santa Claus, nơi sinh cũng chẳng phải North Pole (Bắc Cực), ngày tháng năm sinh cũng không phải 25/12 năm 383 như tất cả mọi người đều biết về lý lịch của ông già Noel chính hiệu.

Mặc dù vậy, vào dịp Giáng sinh 2001 có một ông già Noel thật bị bắt vì gây tai nạn giao thông, từ đây hé lộ nhiều chuyện vui đồng thời bộc lộ kẽ hở của pháp luật. Tối 23/12/2001, tại TP.Warren, bang Ohio, Mỹ xảy ra một vụ tai nạn giao thông. Khi tới nơi, cảnh sát thấy thủ phạm là một quý ông tròn trịa với bộ râu trắng và cặp kính gọng kim loại trông rất giống "ông già Noel" (chỉ thiếu bộ đồ màu đỏ) lái chiếc Volkswagen đời 1965. Xem qua căn cước của "quý ông" nọ, viên cảnh sát suýt bật cười: Trên đó (có hình chụp) thời hạn 3 năm do bang Ohio cấp năm 2000 có tên của "quý ông" là Santa Claus, địa chỉ: số 1 Noel Drive, North Pole, USA! Ông Santa Claus đã nhận lỗi và lập tức đền tiền cho nạn nhân.

Cuộc điều tra cho thấy chiếc xe Volkswagen thuộc về Warren Hayes và giấy phép lái xe của ông này có nhận dạng trùng hoàn toàn với ông Santa Claus, trong khi Warren Hayes lại không có căn cước của bang Ohio. Theo luật của bang này vào thời điểm đó, một người chỉ có thể sở hữu 1 trong 2 loại giấy tờ tùy thân: căn cước hoặc giấy phép lái xe. Do đó, nếu quý ông gây tai nạn giao thông là Warren Hayes thì căn cước công dân mang ảnh của ông với cái tên Santa Claus là giả, vì vậy cảnh sát quyết định cáo buộc Warren Hayes tội dùng căn cước giả và chuyển hồ sơ qua tòa án.

Tại tòa, Warren Hayes giải thích căn cước mang tên Santa Claus của ông đã có từ lâu, do ông đổi tên từ Warren Hayes sang Santa Claus vào năm 1982. Ông trình cả giấy khai sinh có nội dung Santa Claus sinh ở North Pole ngày 25 tháng 12 năm 383 sau Công nguyên, con trai của ông Claus và bà Holly Noel, bác sĩ Snowflake chứng kiến và đỡ đẻ. Sau đó, ông đã gửi cho tòa án bản sao của một số Thẻ căn cước Ohio (được cấp và có hiệu lực vào các năm 1982-1986, 1985-1990, 1988-1992, 1996, 1997) kèm theo ảnh tương ứng do chính quyền bang Ohio cấp cho Santa Claus, ghi rõ nơi ở của ông tại số 1 Noel Drive, Bắc Cực, Ohio 44481 hoặc Mỹ. Vậy là suốt 20 năm kể từ 182, ông sống với căn cước ghi tên Santa Claus (ông già Noel), nhưng giấy phép lái xe vẫn ghi tên Warren Hayes (vì theo luật, ông Santa Claus đã có căn cước thì không thể có giấy phép lái xe mang tên Santa Claus).

NGA NGUYỄN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-cuoi-ban-toi-mat-vi-ong-gia-noel_157276.html