Kỳ cuối: Cần chủ động ngay từ công tác phòng cháy

Thời gian qua, cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng xảy ra rất nhiều vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là việc làm được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết và cuộc chiến này chỉ thực sự hiệu quả khi mỗi người dân, mỗi hộ kinh doanh, mỗi doanh nghiệp tự nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

Bắt đầu từ ý thức người dân

Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin về các vụ cháy lớn trên khắp cả nước. Điều này đang gióng lên hồi chuông báo động về công tác PCCC. Qua phân tích thực tế về các vụ cháy của các cơ quan chức năng cho thấy, ngoài những yếu tố khách quan thì nguyên nhân đầu tiên phải nói tới là do ý thức của con người. Đa phần người dân, các hộ kinh doanh vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đúng mức tới việc phòng, chống cháy nổ trong mỗi gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh của mình, thiếu kiến thức PCCC. Điều đó, đã dẫn đến những vụ hỏa hoạn đáng tiếc.

Bên cạnh đó, ở một số địa phương, phong trào toàn dân PCCC theo phương châm “4 tại chỗ” nhiều nơi còn mang tính hình thức. Nhiều cơ quan, đơn vị, hộ kinh doanh, hộ gia đình còn xem nhẹ công tác PCCC; chưa quan tâm đầu tư mua sắm trang bị, xây dựng PCCC tại cơ sở theo quy định. Trong một số cơ sở kinh doanh còn có thói quen tự ý lắp đặt thêm những thiết bị điện có công suất lớn, sử dụng điện bừa bãi mà không chú ý đến việc đảm bảo an toàn dẫn đến các vụ chập, cháy điện...

Lực lượng cảnh sát PCCC kiểm tra, tập huấn về an toàn cháy nổ tại một số nhà hàng.

Người xưa có câu “nhất thủy, nhì hỏa” để nói về sức tàn phá khủng khiếp của lũ lụt, hỏa hoạn. Khi xảy ra hỏa hoạn, rất khó có thể cứu vãn được tài sản, tính mạng của con người. Do đó, công tác phòng chống cháy nổ càng bức thiết hơn bao giờ hết. Để nâng cao trách nhiệm của cá nhân và chủ hộ gia đình trong công tác PCCC, ngày 29/06/2001, Quốc hội đã ban hành Luật số 27/2001/QH10 về PCCC để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động PCCC; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội. Ngày 15/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên, quan trọng, giao lực lượng Cảnh sát PCCC làm nòng cốt cứu nạn cứu hộ đối với các vụ cháy, nổ và các vụ tai nạn, sự cố.

Công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC được tăng cường; việc nội luật hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế về PCCC từng bước được quan tâm.Ngày 22/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật số 40/2013/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014.

Theo đó, có những điểm mới như sau: Một là, trách nhiệm PCCC của chủ hộ gia đình: đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về PCCC; thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ; phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.

Hai là, trách nhiệm PCCC của cá nhân: chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về PCCC của người hoặc cơ quan có thẩm quyền; tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về PCCC; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện PCCC thông dụng; bảo đảm an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy; ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC; thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật PCCC.

Tuyên truyền thiết thực, sâu rộng

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định – Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, nhận định, trong bối cảnh hiện nay, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ gia tăng cháy nổ là nguy cơ nhãn tiền mà Hà Nội phải đối mặt, đòi hỏi công tác này phải được hết sức quan tâm.

Trung tá Phạm Trung Hiếu – chỉ huy Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 TP Hà Nội chia sẻ, địa bàn Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 quản lý gồm hai quận là Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Đây cũng là hai quận trung tâm của Thành phố, có trụ sở của nhiều khối cơ quan Trung ương và Thành phố. Đặc biệt còn là nơi tham quan du lịch của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Trong những ngày cuối tuần, lượng khách đổ về các quận trung tâm tương đối lớn dẫn đến nhu cầu về lưu trú, ăn uống sinh hoạt tăng lên nhanh chóng.

Từ đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ đối với các nhà hàng đã và đang hoạt động trên địa bàn. Có một đặc điểm chung là hầu hết các nhà hàng ăn uống đều được thuê lại từ các nhà ở. Diện tích dùng để kinh doanh tương đối hẹp, do vậy các chủ kinh doanh thường tận dụng tối đa các diện tích có thể sử dụng được, thậm chí cả vỉa hè, gác xép, chỗ nào ngồi được là ngồi. Rất nhiều cơ sở chưa đảm bảo lối thoát nạn thứ hai. Điều này gây khó khăn cho hoạt động chữa cháy nếu có cháy xảy ra.

Trước thực trạng đó, để tránh xảy ra cháy nổ, Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 đã tiến hành kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp phòng cháy ngay từ ban đầu. Đồng thời, tham mưu cho UBND các quận, phường yêu cầu các nhà hàng kinh doanh trên địa bàn phải chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn khắc phục những tồn tại về PCCC, nếu không sẽ tạm đình chỉ hoạt động để chờ khắc phục. “Khi chúng tôi kiểm tra các cơ sơ kinh doanh ăn uống nếu thấy vẫn không đảm bảo an toàn, chúng tôi sẽ yêu cầu phường phải có trách nhiệm xử lý. Kể cả rút giấy phép kinh doanh. Bởi, ngoài tiêu chí về môi trường, thực phẩm… thì tiêu chí về an toàn cháy nổ cũng phải được đặt lên hàng đầu” – Trung tá Phạm Trung Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo Trung tá Phạm Trung Hiếu, mặc dù nhận thức của một số chủ nhà hàng đã có chuyển biến, nhưng thời gian tới lực lượng phòng cháy vẫn sẽ tiếp tục tuyên truyền cho các chủ nhà hàng biết là nếu để xảy ra cháy nổ thì trách nhiệm của người đứng đầu sẽ bị truy cứu ra sao. Như vậy để họ hiểu được tầm quan trọng của việc phòng cháy và hậu quả nếu có cháy nổ xảy ra.“Có một thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh là các bạn trẻ, sinh viên tạo một nhóm rồi đi thuê địa điểm để kinh doanh.

Các bạn này cũng không để ý đến trách nhiệm của mình về công tác phòng cháy chữa cháy như thế nào, chỉ biết thuê địa điểm bao nhiêu tiền thì trả, thuế bao nhiêu thì đóng và các chi phí khác nếu cần thiết phải chi thì chi. Còn việc một chủ quán kinh doanh nếu không may để xảy ra cháy nổ mà gây tử vong cho người khác thì việc truy cứu trách nhiệm nặng nề như thế nào lại không hề biết” – Trung tá Hiếu cho biết.

Chính vì vậy, khâu tuyên truyền ban đầu là hết sức quan trọng, những người đứng đầu UBND các phường cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc này. Bởi lẽ, khi người ta thiếu sự hiểu biết, chưa nắm được các quy định của nhà nước, người ta chắc chắn sẽ không thực hiện. Do vậy, khâu tuyên truyền rất quan trọng vì người ta biết mà không làm là một nhẽ, chứ có nhiều người không biết để mà làm cho đúng, để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Công tác phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm không của riêng ai. Để tránh hỏa hoạn, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, điều quan trọng là phải bắt đầu từ ý thức, hành vi của mỗi người dân, trong đó phải coi trọng việc phòng cháy hơn chữa cháy.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-can-chu-dong-ngay-tu-cong-tac-phong-chay-77999.html