Kỳ cuối: Cùng chung tay hành động

Chưa bao giờ bạo hành y tế xảy ra với mật độ dày đặc và tính chất manh động như hiện nay. Sự bùng nổ của tình trạng này đã trở thành vấn nạn nhức nhối đối với ngành y tế. Vậy, làm thế nào để chấm dứt được vấn nạn bạo hành ở các BV?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành y tế ngày càng gia tăng. Trong số đó có thể kể đến những nguyên nhân chủ yếu như cơ sở pháp luật chưa đủ mạnh, chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc. Nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh chưa đầy đủ. Chưa có quy định cụ thể các chế tài mà lực lượng bảo vệ được áp dụng, giải quyết các xung đột xảy ra và mức độ xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật của đương sự chưa đủ sức răn đe,…

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Môi trường làm việc của đội ngũ y bác sĩ hiện nay không còn an toàn. Để giải quyết mâu thuẫn giữa người nhà bệnh nhân với y bác sĩ cần phải nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là ở các khoa cấp cứu. Ngoài ra cần phải có sự kết nối giữa nhân viên y tế đối với người nhà bệnh nhân trong quá trình chăm sóc điều trị để tránh các hiểu lầm, xung đột đáng tiếc.

Luật sư Trương Anh Tú: “Cần có phòng cách ly để tạo môi trường không bạo lực trong quá trình khám, chữa bệnh, đặc biệt là các phòng khám cấp cứu”. Ảnh: NVCC

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng: “Theo tôi, để phòng, chống nạn bạo hành thì ngoài việc hoàn thiện các hành lang pháp lý nhằm bảo vệ những người hành nghề y, các BV cần chủ động những biện pháp kịp thời như: Có phòng cách ly để tạo môi trường không bạo lực trong quá trình khám, chữa bệnh, đặc biệt là các phòng khám cấp cứu. Cần có chính sách ưu đãi đối với các bác sĩ xứng đáng với sức lực, chất xám họ bỏ ra để các bác sĩ gắn bó làm việc ở BV”.

Hiện nay, các BV ngoài công lập thường chỉ khám chứ không cấp cứu, dẫn đến mọi ca cấp cứu đều dồn ứ cho BV công, quá tải là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp bệnh nhân bị tai biến y khoa do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan từ phía bác sĩ, lại không hề có một tổ chức trung gian nào đứng ra hòa giải hoặc thương lượng để bảo đảm quyền lợi cho bác sĩ và bệnh nhân, dẫn tới phía bệnh nhân thiệt thòi khi có tai biến và phía bác sĩ bị bạo hành sau tai biến y khoa. Do đó, Bộ Y tế cần phải khẩn trương giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo cho bác sĩ đối với việc xử lý tình huống ngăn chặn và tự bảo vệ khi có bạo hành, khi có nguy cơ bạo hành hoặc bạo hành xảy ra, họ không thể tự thoát hiểm và bảo vệ mình trước khi có các biện pháp bảo vệ khác.

Chia sẻ những lo lắng trước sự bùng nổ của vấn nạn bạo hành y tế, ThS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã đề xuất một số kiến nghị để giải quyết vấn nạn nhức nhối này: “Chúng tôi rất lo lắng rằng nếu chúng ta không có giải pháp manh mẽ hơn thì câu chuyện này sẽ đi đến đâu. Ai sẽ bảo vệ đội ngũ cán bộ, y bác sĩ ? Chúng tôi kiến nghị rằng, nếu cán bộ y tế vi phạm kỷ luật, có hành vi sai trái, người đứng đầu cơ cở y tế sẽ xử lý nghiêm, nhưng đồng thời nếu những đối tượng là người nhà bệnh nhân có những hành vi hành hung, lăng mạ cán bộ y tế, thì các cơ quan chức năng liên quan cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Theo ông Thái, từ năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 13-12-2011 về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám chữa bệnh. Gần đây, Bộ Y tế có chỉ thị 03 về tăng cường đảm bảo an ninh trật tự BV. Và hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội (C64) để xây dựng kế hoạch hợp tác với Bộ Công an. Có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, các sở y tế… tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trong BV.

"Với các cơ sở khám chữa bệnh cần phải tiếp tục quán triệt phổ biến những chỉ đạo của ngành. Và có những kế hoạch cụ thể, để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý trường hợp bạo hành nhân viên y tế. Chúng tôi hiện đang xây dựng hướng dẫn cho nhân viên y tế trong việc phòng và xử trí các nguy cơ bị bạo hành, xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự trong BV. Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị các BV lắp đặt hệ thống camera an ninh báo động khẩn cấp. Đối với lực lượng bảo vệ BV, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an trang bị công cụ hỗ trợ" ông Thái nói.

Trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này, nếu chỉ có ngành y tế vào cuộc, thay đổi một chiều hành vi của cán bộ y tế, chắc chắn việc ngăn chặn bạo hành y tế sẽ không thành công. Ngay cả những quốc gia có hệ thống pháp lý đầy đủ để phòng chống bạo hành y tế, điều này cũng vẫn xảy ra. Vậy cho nên rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn xã hội để cùng ngành y tế đẩy lùi vấn nạn bạo hành y tế, trả lại môi trường lành mạnh, an toàn cho cả các y, bác sĩ và người bệnh.

Khánh Phong – Nhật Minh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ky-cuoi-cung-chung-tay-hanh-dong-115973.html