Kỳ cuối: để xứng đáng là 'mặt tiền' quốc gia

Ngày 29/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26. Và chỉ mấy ngày sau, Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; 86/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được thẩm định; trong đó có 16 quy hoạch ngành quốc gia và 5/14 quy hoạch tỉnh thuộc vùng miền Trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Gần 1 năm trước, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW 3/11/2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, nhấn mạnh miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc, là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn... có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây; có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, với các nước bạn Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar,...

Khu công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam) có tổng diện tích hơn 197ha, tỷ lệ lấp đầy lên đến 73%, có 12.200 lao động. Ảnh: Ngọc Thi

Mạnh dạn nhìn nhận hạn chế, tồn tại

Ngay sau khi Hội nghị kể trên, ngày 29/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26. Và chỉ mấy ngày sau, Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; 86/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được thẩm định; trong đó có 16 quy hoạch ngành quốc gia và 5/14 quy hoạch tỉnh thuộc vùng miền Trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Đến nay, các địa phương tại miền Trung đều đã ban hành những kế hoạch, chương trình hành động nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chủ trương quan trọng mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, các Quy hoạch của Quốc hội,… đã chỉ ra. Để tạo sự chuyển biến rõ nét, tinh thần mới đã được xác định, đó là "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", các cấp, ngành và miền Trung đang hoàn thiện Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển KT-XH bền vững.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá được xác định nhằm phát huy thế mạnh là nhanh chóng đổi mới cơ cấu kinh tế, trong đó lĩnh vực trọng tâm là công nghiệp, bao gồm phát triển công nghiệp, đặc biệt là các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) vốn được xem là hạt nhân tăng trưởng kinh tế và tạo điểm nhấn trong phát triển, để tương xứng tiềm năng đúng theo định hướng của Trung ương, các địa phương đã mạnh dạn kiến nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư cho các tỉnh, các KKT trọng điểm có khả năng dẫn dắt, hỗ trợ, cung ứng chuỗi sản phẩm cho các địa phương khác trong vùng; cho phép tăng nguồn vốn đầu tư công để đầu tư hạ tầng chiến lược, hạ tầng KKT ven biển, các tuyến giao thông kết nối nội vùng và liên vùng; xem xét, xây dựng cơ chế điều phối, quản trị vùng; nghiên cứu hình thành không gian phát triển các "cụm vùng", "tiểu vùng", mô hình quản lý các KKT; nghiên cứu các chính sách cạnh tranh quốc tế cho KKT ven biển, KKT biên giới Việt-Lào, trung tâm logistics để tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư…

Điều đáng trân trọng, các địa phương đã nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, tồn tại của mình, đi kèm theo đó có những nhiệm vụ, giải pháp điều chỉnh, khắc phục phù hợp, nhằm thu hút đầu tư. Chẳng hạn như Thừa Thiên Huế, lãnh đạo tỉnh nhìn nhận, bên cạnh khó khăn mang tính khách quan (trong đó có một số bất cập do vướng Luật Đầu tư, Đất đai, Môi trường, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện), các KCN vẫn chưa được kết nối với các cụm liên kết trong sản xuất công nghiệp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn. Định hướng phát triển ngành nghề của các KCN được xác định tương đối giống nhau (chế biến thủy sản, dệt, sợi, may mặc, cơ khí, điện tử...), khi thu hút đầu tư chưa quan tâm đúng mức tới việc tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết… nên khi các DN đi vào sản xuất, sẽ có những sản phẩm giống nhau, dẫn đến sự cạnh tranh không cần thiết, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh,… Địa phương được xem như là "anh cả" trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là Đà Nẵng cũng nhìn nhận có khá nhiều hạn chế xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Đó là công tác quy hoạch, quản lý đầu tư và quản lý các KCN còn nhiều hạn chế, bất cập, không nhất quán, chưa nghiêm. Đó là vị trí nhiều KCN chưa hợp lý, chưa xác định phân khu cụ thể trong tổng thể quy hoạch chung; khoảng cách, điều kiện cách ly vệ sinh giữa KCN và khu dân cư lân cận không đảm bảo; quy mô phát triển KCN chưa phù hợp, còn phân tán, nhiều khu có diện tích rất nhỏ (như KCN Đà Nẵng 50,1ha; KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng 50,6ha); vị trí hiện nay không còn phù hợp do nằm đan xen với khu vực phát triển du lịch, dịch vụ...

Công nhân làm việc tại một băng chuyền trong Khu phức hợp ôtô Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam). Ảnh: Ngọc Thi

Đó là việc quản lý bố trí cho thuê đất tại từng KCN chưa tốt; công tác quản lý việc cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất tại một số KCN còn lỏng lẻo; một số DN lợi dụng chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế để giành phần, chuyển nhượng, cho thuê lại kiếm lợi; hiện quỹ đất còn trống tại các KCN để sẵn sàng cho thuê không nhiều, lại bị chia cắt, phân tán manh mún nên đã dẫn đến nhiều hạn chế trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các dự án có yêu cầu sử dụng diện tích đất lớn…

Khát vọng "cất cánh" để cùng cả nước, vì cả nước

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, thực trạng yếu kém, tồn tại bao quát phổ biến dễ nhận thấy tại các tỉnh miền Trung, đó là việc phát triển các KKT ven biển, cảng biển khu vực miền Trung thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thể hiện được đột phá trong thu hút các dự án động lực, dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Hiệu quả hoạt động các KKT, KCN chưa cao, tỷ lệ lấp đầy còn thấp, tính liên kết, bổ trợ giữa các khu còn chưa chặt chẽ.

Để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, một trong những giải pháp đáng lưu ý cho các địa phương miền Trung là tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp thông qua các hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, các đường quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng. Rà soát, điều chỉnh, phân chia chức năng các KKT ven biển, KCN, KKT cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không trong vùng để tăng cường liên kết, hạn chế cạnh tranh trong phân bổ, thu hút các nguồn lực...

Để đạt được mục tiêu và và thực hiện thành công các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chiến lược đã được vạch ra, chỉ riêng với câu chuyện phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, có rất nhiều việc phải tập trung thực hiện. Tận dụng trên những thành tựu, kết quả đã đạt được, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh gắn với vị trí chiến lược quan trọng, miền Trung đang tranh thủ "làn gió mới" bằng quyết tâm chính trị lớn nhất để đột phá. Tại tiểu vùng Bắc Trung Bộ, các địa phương đã vào cuộc thực hiện Chương trình hành động với khí thế và quyết tâm cao độ. Tiếp tục quán triệt phương châm: "Doanh nghiệp thành công, Thanh Hóa phát triển", thực hiện "2 đồng hành, 3 cam kết" với các nhà đầu tư, điểm sáng của tiểu vùng này đang tập trung tháo gỡ "nút thắt" thiếu quỹ đất "sạch" tại KKT Nghi Sơn bằng việc khởi động Đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các KCN trong KKT này (gồm KCN số 6, 20 và 21) với kinh phí hơn 11.300 tỷ đồng; nỗ lực huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng KKT Nghi Sơn và các KCN; đôn đốc thi công hoàn thành các dự án kết nối với cảng biển Nghi Sơn, cùng nhiều dự án giao thông quan trọng khác…

Các khu kinh tế Nghi Sơn tại Thanh Hóa trở thành "đòn bẩy" phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh này. Ảnh: Đức Thắng

Tỉnh nghèo Quảng Bình hiện cũng đang tập trung điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Hòn La; tiếp tục thực hiện rà soát Quy hoạch chung KKT Cửa khẩu quốc tế Cha Lo; Quy hoạch phân khu mở rộng KCN Bang;.. Riêng đối với Nghệ An, một trong 3 tỉnh của miền Trung, được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về xây dựng, phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho rằng, đây là thời điểm "thiên thời, địa lợi và nhân hòa", thời điểm "vàng" để phát triển nhanh, mạnh, đột phá, bền vững hơn. Thực tế đã có thêm tín hiệu đáng mừng trong thu hút dòng vốn FDI vào các KCN tập trung.

Cách nay 1 tháng, UBND tỉnh Nghệ An đã trao chứng nhận đầu tư trị giá 150 triệu USD cho Tập đoàn Sunny với dự án đầu tư cơ sở mới Sunny Automotive quang học Vina. Trước đó, tỉnh đã đón một "đại bàng" với dự án 165 triệu USD tại KCN, Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An, thuộc KKT Đông Nam. Đây là dự án FDI có thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư nhanh nhất từ trước đến nay (chỉ 2 tháng). Với những dự án vừa kể, Nghệ An đã lọt vào tốp 6 các tỉnh, thành có chỉ số thu hút FDI cao nhất cả nước tính từ đầu năm 2023, tăng 2 bậc và lần đầu tiên cán mốc 1,272 tỷ USD chỉ sau 9 tháng. Là một trong những điểm sáng của tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam đang định hướng xin chủ trương nâng diện tích đất quy hoạch công nghiệp lên 10.700ha.

"Xác định hoạt động thu hút đầu tư trong thời gian tới được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp - thiết thực - hiệu quả, Quảng Nam tiếp tục tập trung thu hút, xúc tiến đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm của địa phương và của vùng; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh; hoàn chỉnh quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng nhằm kêu gọi đầu tư,... tạo nền tảng quan trọng nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết.

Một động thái rất cần thiết nhất là trong giai đoạn này mà các tỉnh miền Trung đang quan tâm thực hiện, đó là khẩn trương rà soát khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp nhất là tại các KCN trên địa bàn, trên cơ sở đó kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ.

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng BQL các KCNC và các KCN Đà Nẵng cho biết những khó khăn không chỉ ở hoạt động sản xuất kinh doanh nội tại của doanh nghiệp, mà còn nằm ở các vướng mắc về thủ tục hành chính - pháp lý kéo dài qua nhiều năm. "Chúng tôi cho rằng, đây thực sự là khó khăn kép, cần có sự thấu hiểu, đồng hành, cùng chung tay tháo gỡ", ông Hùng chia sẻ.

Nhóm PV miền Trung

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/ky-cuoi-de-xung-dang-la-mat-tien-quoc-gia-i711956/