Kỳ cuối: Định hướng để chấn chỉnh hay để mặc?

Không chỉ làm thơ tung lên mạng, mà thời gian qua rất nhiều 'nhà thơ' cũng in thành tuyển tập. Trong đó, có không ít 'nhà thơ' đều đặn một năm lại cho ra đời một tuyển tập. Xuất bản xong, đi biếu, hoặc 'ép mua'. Làm thơ thật dễ, xuất bản thơ cũng thế, vì vậy mới có tình trạng 'loạn thơ'. Vấn đề cần bàn, chúng ta nên 'chấp nhận' chấn chỉnh để thơ ca trở lại nghệ thuật đích thực hay cứ 'khoanh tay' ngồi nhìn?

Thực trạng “lạm phát thơ”

Trong thời đại công nghệ số, việc thơ xuất hiện ngày càng nhiều, đến mức người ta dùng đến khái niệm “lạm phát thơ” để gọi tên thực trạng này. Nhiều người có ý mỉa mai hay dè bỉu thơ, cho rằng nó vô ích, vô nghĩa. Không ai đọc thơ, nhà thơ bị coi rẻ, tác phẩm thơ không bán được, chủ yếu là biếu tặng, dường như đã nói lên đời sống vô nghĩa, dư thừa của thơ trong xã hội ngày nay.

Cần chấn chỉnh từ công tác xuất bản. Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Cần chấn chỉnh từ công tác xuất bản. Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Phần lớn, như chúng ta thấy, thơ vẫn ra đời trong trạng thái xúc cảm bột phát nhân sự kiện, hoàn cảnh nào đó để tạo ra hình thái ngâm vịnh, biểu tả, biến thơ trở thành một môi trường của sự tản mạn, vụn vặt, rời rạc hay nông cạn. Nhiều người không biết rằng mình không thể làm thơ nên đã cho ra những áng thơ, tập thơ rời rạc, không có bố cục, cấu trúc, không có tư tưởng chủ đạo với câu từ hời hợt, khó hiểu.

Tác phẩm thơ không phải là một sự ki cóp góp nhặt sau một thời gian sáng tác mà đó là một công trình mà nhà thơ là người thiết kế, kiến tạo. Ý tưởng của tập thơ phải được kết tinh, xâu chuỗi từ mỗi bài. Mỗi bài thơ có vị trí riêng của nó trong tập, hướng đến hay làm hiện lên tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Nghĩa là, nhà thơ phải luôn ý thức được giá trị thẩm mĩ, tư tưởng nghệ thuật, tư tưởng nhân sinh để vận hành cỗ máy sáng tạo của mình. Bởi thế, thơ không phải là sự tùy tiện, sự tùy tiện mà hậu quả của nó đã tạo ra những thứ làng nhàng trong thơ. Thơ đang tự hại mình, đang tự rẻ rúng mình bởi những sự làng nhàng như vậy.

Chưa kể những bài thơ lan tràn trên mạng, chỉ nói riêng việc in ra giấy cũng thấy hình ảnh “lạm phát thơ” rất rõ. Thơ được in dưới bất cứ dạng thức nào như liên kết nhà xuất bản; các hội, nhóm tự phát hùn tiền in chung hoặc in cho nhau; cá nhân bỏ tiền tự in không cần giấy phép;…. và vì vậy, chất lượng thơ xuất bản kiểu này là rất đáng báo động, thiên về văn vần, vè và đậm chất dung tục hóa. Bên cạnh đó, thơ ra định kỳ được gọi là các tuyển tập thơ của các nhóm thơ, câu lạc bộ từ Bắc chí Nam mà người được góp mặt phải đóng một khoản tiền không nhỏ thì chất lượng có thể nói là rất đáng báo động. Không phải là không có một số bài thơ đọc được, song nhìn chung, tác phẩm trong những cái gọi là tuyển tập thơ này hầu hết chưa phải là thơ hoặc là những bài thơ dở.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc nhà xuất bản Văn học cho biết, không ít những ấn phẩm thuộc hàng “phế phẩm” thậm chí là những sản phẩm văn hóa độc hại vẫn xuất hiện ngạo nghễ bên cạnh những tác phẩm văn học đích thực trên kệ sách. Sự dễ dãi trong khâu biên tập, đọc duyệt bản thảo đã cho ra đời rất nhiều những tác phẩm kém chất lượng ở mảng liên kết sách tác giả. Tình trạng “lạm phát thơ” trong nhiều năm qua cũng ảnh hưởng, phương hại đến sự phát triển của văn học trong nước.

Cần chấn chỉnh từ các nhà xuất bản

Nhà thơ Nga Joseph Brodsky (giải Nobel Văn học 1987) nói rằng hầu hết các bài thơ, ông phải sửa tới 100 lần. Trong khi đó, ở Việt Nam không thiếu những người mỗi ngày cho ra một “bài thơ”, khi đọc lên không thể phân biệt được nó có khác gì với những sáng tác trước đó của tác giả. Những ngôn ngữ ngày nay được nhiều người dùng như “lãng đãng”, “mênh mông”, “da diết”, “đăm đắm”, “thăm thẳm”…. dù tả người hay tả cảnh. Một số người còn chuyên dùng những từ ngữ khó hiểu hoặc vô nghĩa bằng cách ghép từ hoặc thêm từ Hán Việt một cách vô lối. Sự nghèo nàn và cẩu thả về ý tưởng và ngôn từ khiến cho những cái được gọi là “thơ” ngày càng khiến cho người đọc bị ức chế, bội thực.

Nhà thơ Thai Sắc: “Tại “ngôi đền thơ” là Hội nhà văn Việt Nam, việc công nhận một nhà thơ bằng thủ tục kết nạp họ vào tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp này là vô cùng khó khăn. Hàng mấy trăm hồ sơ xếp hàng rất lâu để được xem xét, công nhận, chứng tỏ ở đây, những người hoạt động một cách chân chính, đích thực, chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn chương nói chung, thơ nói riêng, bao giờ cũng coi thơ là báu vật thiêng liêng. Thơ xuất hiện và được đóng dấu ở đây hầu hết là thơ “đứng được”, là thơ góp phần nâng cao xúc cảm thẩm mỹ và thị hiếu cho công chúng”.

Còn nhớ nhà thơ Đặng Cương Lăng vốn dĩ rất yêu thơ, ông nổi tiếng là một nhà thơ có lối viết dung dị, gần gũi với cuộc sống, mỗi năm ông cho ra mắt một tập thơ nhưng vẫn bị nhà thơ Bằng Việt “nhắc nhở” rằng như vậy là quá nhiều. Đó là câu chuyện của những nhà thơ được coi là những người lao động ngôn ngữ đích thực. Vậy mà ở đâu đó, những tập thơ mà không hẳn là thơ vẫn cứ ùn ùn xuất bản tạo ra một cơ số “rác văn học” nhan nhản khắp nơi.

Nhà thơ Ánh Tuyết cho rằng, người sáng tác cũng như người làm công tác văn học nghệ thuật cần được đào tạo bài bản về chuyên ngành. Và họ cũng cần được bồi dưỡng về bản lĩnh lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, luôn chú trọng đến công chúng để có sự lựa chọn đối tượng phục vụ hiệu quả.

Dù trong hoàn cảnh nào, thì tiêu chí văn học nghệ thuật vẫn là để phục vụ con người, phục vụ cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Văn học nghệ thuật là nhân học chứ không thể khuyến khích thứ nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật quay lưng với cuộc sống; không khuyến khích thứ nghệ thuật lai căng, bắt chước, nghệ thuật mô phỏng cuộc sống một cách thô thiển ít sự tham gia sáng tạo của những tài năng đích thực; không khuyến khích xu hướng sáng tạo bế tắc, lập dị.

Còn theo nhà thơ Thai Sắc, trong tầm tay mình, các nhà quản lý văn hóa có thể làm cho thơ từng bước bớt nhảm nhí, hỗn tạp bằng cách cần phải nghiêm túc chấn chỉnh những nhà xuất bản đã buông lỏng khâu biên tập, để lọt lưới nhiều cuốn sách được gọi là tập thơ, nhưng phẩm chất thi ca gần như bằng không. Để từng bước thay đổi hiện trạng này, những cơ quan chức năng về văn học – nghệ thuật những nhà thơ đích thực và chân chính cần thấy rõ vị trí, vai trò tiên phong và mẫu mực của mình, tích cực tham gia nhằm xoay chuyển cán cân, từng bước đẩy lùi cái gọi là thơ ra khỏi khí quyển trong lành của văn chương và văn hóa Việt.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-dinh-huong-de-chan-chinh-hay-de-mac-103609.html