Kỳ cuối: Kỳ vọng và tin tưởng

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bắt đầu trong một hoàn cảnh đặc biệt, đầy thách thức, khó khăn của đại dịch. Và, Quốc hội đã cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, đưa ra những chính sách chưa có tiền lệ nhằm đáp ứng những yêu cầu được thực tiễn đặt ra. Với sự đồng hành của Quốc hội, các chính sách pháp luật đã thật sự mang hơi thở cuộc sống, góp phần tăng thêm niềm tin của người dân và doanh nghiệp.

Dấu ấn trong xây dựng chính sách

Xác định những ý kiến đóng góp xác đáng của mỗi đại biểu Quốc hội có tác động rất lớn trong hoạch địch chính sách, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội chia sẻ, mỗi đại biểu phải luôn nâng cao trình độ, tri thức để tạo được dấu ấn trong xây dựng chính sách.

Tuy nhiên, trong nhiều chính sách, sẽ có xung đột lợi ích giữa các nhóm đối tượng. Ví dụ như chính sách tiền lương. Nếu quy định về tiền lương cao thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khó khăn, ngược lại, tiền lương thấp thì đời sống người lao động lại khó khăn. Vì vậy, phải làm thế nào để cân đối giữa việc đảm bảo ổn định cho doanh nghiệp phát triển, vừa cải thiện nâng cao đời sống của người dân. Điều này đòi hỏi các đại biểu phải nghiên cứu, lựa chọn chính sách hài hòa, cũng như lựa chọn thời điểm ban hành chính sách thật sự phù hợp để phát huy hiệu quả.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đời sống việc làm của người lao động hiện nay, nhất là lao động trẻ và lao động trong các khu kinh tế tập trung, khu công nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, chẳng hạn như nhà ở. Nhà ở cho công nhân không đơn thuần chỉ là nhà ở, mà còn cần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội kèm theo như công ăn việc làm, giáo dục, y tế...

Để ban hành được các chính sách phù hợp, rất cần lắng nghe ý kiến của người lao động. Ví dụ về phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, hiện chúng ta đang chạy theo xu hướng phát triển nhà ở xã hội để bán. Điều này đáp ứng nhu cầu chính đáng cho người dân là có nhà ở ổn định. Nhưng, người công nhân không chỉ cần có nhu cầu nơi ở, mà còn phải đảm bảo được các nhu cầu khác, trong khi thu nhập thấp, mà lại dồn vào mua nhà, thì sẽ không còn kinh phí chi cho các nhu cầu về nâng cao trình độ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chính sách phải định hướng, hỗ trợ nhu cầu phát triển toàn diện của người lao động. Ví dụ như cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tối đa cho người thuê nhà, để họ còn nguồn thu nhập dành cho chăm sóc sức khỏe, đầu tư cho giáo dục, từ đó đảm bảo phát triển bền vững...

Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5. Ảnh: Nguyễn Hợp

Kết chặt mối quan hệ giữa chính quyền với Nhân dân

Xác định công nhân lao động là lực lượng chính tạo ra của cải cho xã hội, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho hay, trong cả vai trò đại biểu Quốc hội và Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, ông đều luôn xem trọng việc tiếp xúc với cử tri là công nhân viên chức lao động.

"Đại biểu Quốc hội phải tham gia xây dựng luật pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để làm được điều đó, chúng tôi phải có mối quan hệ mật thiết với cử tri, xác định mỗi đại biểu Quốc hội chính là cầu nối, kết chặt mối quan hệ giữa chính quyền nhà nước với Nhân dân. Từ đó, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri nói chung và đoàn viên, người lao động nói riêng”, ông Sơn nói.

Cũng theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, để tham gia xây dựng, quyết định các chính sách pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của đoàn viên, người lao động như bảo hiểm xã hội, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sửa đổi Luật Công đoàn, Luật Đất đai sửa đổi... là hết sức cần thiết.

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội - ông Nguyễn Văn Hà cũng cho rằng, cần tăng thời gian trong việc xin ý kiến đóng góp, tổ chức các hội nghị với thành phần tham gia là những lực lượng xã hội, những người làm công tác thực tiễn, mang tính phản biện và những đối tượng chịu tác động trực tiếp… để họ có những đóng góp, góp ý thực chất, thiết thực thì chắc chắn chất lượng và “tuổi thọ” của văn bản pháp luật sẽ đi vào cuộc sống, phản ánh đúng nhu cầu của người dân.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết Tổng Liên đoàn sẽ tổ chức tiếp xúc giữa các đại biểu Quốc hội với công nhân lao động.

Mang lại quyền lợi tốt nhất cho người lao động

Ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, trong Tháng Công nhân năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức diễn đàn để lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn, khát vọng cống hiến phát triển đất nước của công nhân lao động. Trong đó, trọng tâm là tiếp xúc giữa các đại biểu Quốc hội với công nhân lao động.

Chương trình tiếp xúc cử tri tập trung vào 3 nội dung chính: Vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của đoàn viên, người lao động; vấn đề rút bảo hiểm xã hội 1 lần và tình trạng "tín dụng đen" trong công nhân…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri là công nhân, viên chức, lao động; tham mưu để nhiều đại biểu Quốc hội thăm nơi ăn ở, sinh hoạt, nắm bắt đời sống người lao động. Đồng thời, khuyến khích các Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc có đại biểu Quốc hội của ngành, đơn vị, tổ chức tiếp xúc cử tri giữa đại biểu với đoàn viên, người lao động trong ngành, đơn vị…

Qua đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn các đại biểu Quốc hội trực tiếp lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động về chính sách liên quan trực tiếp đên người lao động như Luật Nhà ở, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội...

Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), là đạo luật có tác động rất lớn đối với tổ chức Công đoàn. Việc lắng nghe trực tiếp ý kiến của người lao động cũng là một kênh thông tin quan trọng, cần thiết, góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết sách, phương án đúng đắn, có tính khả thi cao, mang lại quyền lợi tốt nhất cho người lao động.

Mong Đại biểu Quốc hội tiếp xúc chuyên đề với công nhân lao động

Anh Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Công đoàn Công ty Toyota Thanh Xuân (Hà Nội) cũng bày tỏ mong muốn: “Người lao động chúng tôi cần Quốc hội lắng nghe ý kiến, sâu sát thực trạng đời sống của công nhân lao động theo các chuyên đề: Việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội và nhà ở chính sách”.

Anh Nguyễn Văn Thức mong muốn đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến, sâu sát thực trạng đời sống của công nhân lao động.

Còn anh Đinh Minh Quyền - Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, chuyên viên Pháp chế Công ty CP Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín cho hay, qua thực tế tại Công ty, anh nhận thấy có một số quy định, chính sách được ban hành chưa thực sự sát với thực tiễn, cũng như nguyên vọng của người lao động, hay có thể nói là người lao động chưa hiểu rõ được các chính sách. Do vậy, rất cần có những cuộc đối thoại trực tiếp giữa Quốc hội và người lao động, cụ thể là thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri.

“Đơn cử như dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tôi và người lao động tại Công ty đang rất quan tâm. Nhiều đoàn viên lao động bày tỏ quan điểm trái chiều với các quy định mới được các dự thảo nêu ra. Chúng tôi rất mong có sự tương tác, đối thoại, tiếp xúc giữa những người đại diện cho cử tri để biểu quyết thông qua các chính sách, quy định của pháp luật và đối tượng chịu tác động trực tiếp của các chính sách, quy định đó”, anh Quyền nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật Tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH

Cũng theo anh Quyền, thực tế cũng cho thấy việc tương tác, tiếp xúc, đối thoại với đại biểu Quốc hội theo hình thức truyền thống có nhiều hạn chế như công tác tổ chức phức tạp, hao tốn thời gian, chi phí, mức độ phổ quát cũng bị hạn chế, thêm vào đó là hiện nay tâm lý của nhiểu người dân nói chung và công nhân lao động nói riêng vẫn có sự e ngại trong việc bày tỏ ý kiến trực tiếp với các cơ quan Nhà nước, dẫn đến hiệu quả tiếp xúc, đối thoại không cao.

Vì vậy, anh Quyền mong muốn nên có thêm các hình thức khác trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, internet, thông qua các nền tảng mạng xã hội hiện nay để công nhân lao động có thể thông qua đó gửi đến Quốc hội có kiến nghị, nguyện vọng của mình…

“Đặt người dân ở vị trí trung tâm” là thông điệp được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới nhiều lần tại các Kỳ họp, và các hoạt động của Quốc hội đã và đang khẳng định rõ điều đó. Sự quyết liệt đổi mới, chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đang tạo niềm tin về cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu của dân sẽ tạo nên nhiều đột phá, góp phần giải quyết kịp thời những thách thức, khó khăn, tạo hành lang pháp lý ổn định, thuận tiện cho xây dựng và phát triển đất nước.

Hải Lý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-cuoi-ky-vong-va-tin-tuong-154977.html