Kỳ cuối: Loại bỏ 'tín dụng đen' phải có biện pháp tài chính căn cơ

Để ngăn chặn 'tín dụng đen' hoành hành, giăng bẫy người vay cần sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm giúp những người có nhu cầu vay vốn nhận biết rõ bản chất và hệ lụy khi sập bẫy 'tín dụng đen'. Đồng thời, giúp người vay tiếp cận được với những nguồn vay tài chính từ hệ thống ngân hàng hoặc các tổ chức chính trị xã hội.

Quyết liệt đấu tranh xóa bỏ hoạt động “tín dụng đen”

Từ giữa năm 2016, trước diễn biến phức tạp của tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm “tín dụng đen”, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 231/KH-CAHN-PV11để chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, đề ra biện pháp giải pháp cụ thể để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính.

Quá trình tổ chức thực hiện bước đầu đã làm chuyển biến tình hình, nhiều ổ nhóm tội phạm đã được rà, dựng, phát hiện, bóc gỡ. Kết quả bước đầu khẳng định việc ban hành Kế hoạch 231 là đúng đắn, kịp thời thể hiện tính chủ động, sáng tạo, kiên quyết đấu tranh, đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm của Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.

Cần ngăn chặn triệt để các hoạt động “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” phức tạp trở lại. Nhiều vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng có xuất phát từ nguyên nhân vay nợ. Xác định hoạt động “tín dụng đen” là nguyên nhân nảy sinh các vấn đề phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy và tệ nạn xã hội; để nâng cao hiệu quả công tác của công an các cấp trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, tạo thế chủ động phòng ngừa, chủ động đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội lợi dụng hình thức kinh doanh dịch vụ này để hoạt động vi phạm pháp luật, Công an thành phố Hà Nội đã có văn bản số 3200/CAHN-PV11, gửi thủ trưởng các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã, về việc chấn chỉnh và thực hiện nghiêm Kế hoạch 231/KH-CAHN-PV11.

Theo đó, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng Công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, rà soát lại toàn bộ các cửa hàng cầm đồ, cửa hàng tư vấn tài chính, ổ nhóm, cá nhân kinh doanh tài chính có phép hoặc không phép hiện đang hoạt động trên địa bàn; rà soát, thống kê toàn bộ số điện thoại quảng cáo, rao vặt về cho vay không thể chấp, cho vay tài chính... Trên cơ sở đó, từ ngày 1/8 đến hết ngày 30/11/2018, các đơn vị tập trung lực lượng, tổ chức đấu tranh xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở hoạt động không phép.

Đối với các cơ sở hoạt động có phép, lực lượng chức năng yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết; định kỳ hàng tháng tổ chức kiểm tra; nắm bắt chặt chẽ nhân thân các chủ cơ sở, nhân viên. Đồng thời, Trưởng công an các quận, huyện, thị xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể tổ chức đồng loạt ra quân xóa quảng cáo rao vặt, thông báo số điện thoại cho vay tài chính. Thông báo công khai các cơ sở kinh doanh hoạt động không phép đến toàn người dân trên địa bàn để hỗ trợ giám sát, phòng ngừa, thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan công an thông qua đường dây nóng.

Đơn vị nào để xảy ra các vụ việc liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay tài chính nhưng không nằm trong danh sách quản lý; để tồn tại các ổ nhóm, đối tượng hình sự hoạt động kéo dài nhưng không có kế hoạch hoặc xây dựng kế hoạch nhưng không triển khai thực hiện, không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời thì Thủ trưởng đơn vị, cán bộ được giao theo dõi, quản lý địa bàn đó phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công an Thành phố.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Để “tín dụng đen” không còn đất sống, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, cần tăng cường công tác tuyên truyền để những người có nhu cầu vay vốn hiểu rõ bản chất và hệ lụy khi sập bẫy “tín dụng đen”, đồng thời, giúp người vay vốn tiếp cận được với những nguồn tài chính chính thống.

Theo ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách pháp luật Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, sở dĩ người lao động đang có nhu cầu vay vốn sập bẫy các tổ chức “tín dụng đen”là do công tác tuyên truyền để người lao động hiểu về bản chất và hệ lụy khi sập bẫy “tín dụng đen” chưa được triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, người lao động còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính chính thống như các ngân hàng thương mại hay ngân hàng chính sách xã hội.

Ngoài ra, một số người lao động có nguồn thu nhập còn eo hẹp lại chưa có kế hoạch chi tiêu hợp lý, trong khi việc tiếp cận các tổ chức “tín dụng đen” lại rất dễ dàng. Vì vậy, khi có nhu cầu về tài chính, người lao động thường tìm đến các tổ chức “tín dụng đen”, để rồi sau đó phải chịu hậu quả vô cùng lớn. Với mức lãi suất “cắt cổ”, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ tăng nhanh chóng mặt, người vay không đủ khả năng chi trả, khi đến hạn sẽ bị “khủng bố”, gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và công việc.

Trước thực trạng đó, theo ông Tạ Văn Dưỡng, các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp nơi người lao động đang trực tiếp làm việc cần tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động hiểu về bản chất và hệ lụy khi sập bẫy “tín dụng đen”và giới thiệu cho người lao động những nguồn tài chính chính thống, thông qua các buổi giao lưu, tọa đàm về chính sách pháp luật cho người lao động, qua hoạt động của các cấp công đoàn và bằng nhiều hình thức thiết thực khác.

Cạnh đó, người lao động cũng cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý, khi có nhu cầu về tài chính cần tiếp cận với những nguồn tài chính chính thống như các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội hoặc Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình thuộc LĐLĐ Thành phố Hà Nội ((gọi tắt là Quỹ trợ vốn LĐLĐ Thành phố Hà Nội).

Giải pháp tài chính cho người vay vốn

Theo các chuyên gia tài chính, khi có nhu cầu về tài chính, người lao động tuyệt đối không nên tìm đến các tổ chức “tín dụng đen”, thay vào đó nên đến các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội hoặc các công ty tài chính được Nhà nước cấp phép. Ở kênh này, người lao động đến vay có thể yên tâm hơn vì hoạt động của các công ty tài chính đều phải tuân thủ theo đúng pháp luật.

Đặc biệt, người lao động có thể tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi thông qua Quỹ trợ vốn LĐLĐ Thành phố Hà Nội. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Quỹ trợ vốn LĐLĐ thành phố Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, Quỹ đã và đang triển khai hỗ trợ cho người lao động là đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để sản xuất kinh doanh cải thiện thu nhập; cải thiện phương tiện sinh hoạt; cải thiện nhà ở và vay vốn để học nghề, với lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng theo mức dư nợ giảm dần, thủ tục vay vốn đơn giản.

Ngoài ra, Quỹ trợ vốn LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng còn có các sản phẩm hỗ trợ cho người lao động như gói tiết kiệm bắt buộc; mỗi năm Quỹ sẽ có hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc những sản phẩm phù hợp với sinh hoạt của gia đình cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang tham gia vay vốn của Quỹ, đối với con em người lao động đang vay vốn của Quỹ có sự vươn lên và đạt thành tích cao trong học tập đều được Quỹ hỗ trợ bằng các suất học bổng…

Quỹ trợ vốn LĐLĐ thành phố Hà Nội thường xuyên phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để tuyên truyền tới đông đảo đoàn viên, người lao động nắm bắt các nội dung hoạt động của tổ chức công đoàn trong đó có nội dung hoạt động của Quỹ Trợ vốn. Người lao động khi có nhu cầu vay vốn có thể thông qua công đoàn cơ sở đề xuất với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Quỹ trợ vốn để nắm bắt và hỗ trợ - ông Nguyễn Mạnh Cường đưa ra lời khuyên.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-loai-bo-tin-dung-den-phai-co-bien-phap-tai-chinh-can-co-80504.html