Kỳ cuối: Lời giới thiệu của hai cựu binh Mỹ về Nguyễn Ái Quốc và điều 'lạ' của ngài Giám đốc

Đại sứ Hà Huy Thông hồi tưởng sự tôn trọng đặc biệt của những người Mỹ với Nguyễn Ái Quốc, bí danh của Bác Hồ, khi Người còn hoạt động trên đất Mỹ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói chuyện với các đầu bếp gốc Việt tại khách sạn Omni Parker nơi Bác Hồ từng làm việc, ngày 5/9/2015. (Nguồn: TTXVN)

“Người làm bánh vĩ đại”

Lần thứ hai tôi may mắn được lắng nghe góc nhìn của người Mỹ về Bác Hồ là ngày 5/9/2015.

Khi đó, từ ngày 31/8-2/9/2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội toàn thế giới lần thứ 4, chuẩn bị cho nguyên thủ quốc gia các nước thành viên Liên hợp quốc dự Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70, đồng thời kiểm điểm 15 năm (2000-2015) thực hiện 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và thông qua chương trình Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cho 15 năm (2015-2030) tới. Đây là chuyến thăm ngay sau khi Quốc hội Việt Nam mới chủ trì Đại hội đồng Tổ chức liên nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 (25/3-1/4/2015) tại Hà Nội, thông qua Tuyên bố Hà Nội, đón Tổng thư ký Liên hợp quốc tham dự.

Ngay sau đó, ngày 3-8/9/2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm chính thức song phương đầu tiên của một Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Mỹ, tiếp sau chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên của Tống Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ (tháng 7/2015) nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ (12/9/1995-2015).

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Chủ tịch Thượng viện thường trực Mỹ Patrick Leahy, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện John McCain, Ngoại trưởng John Kerry, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện bang Massachusetts…

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm khách sạn Omni Parker House mà Nguyễn Ái Quốc, bí danh của Bác Hồ, từng sống và làm việc tại Mỹ những năm 1912-1913.

Khu vực khách sạn Omni Parker House bắt đầu hình thành từ năm 1630 đến 1673, rồi mở rộng dần. Đến năm 1968-1983, gia đình Dunfey thiết lập lại thành Omni Parker House. Năm 1996, tập đoàn TRT mua lại toàn bộ khu này. Đến nay, Omni Parker House vẫn được coi là “khách sạn vẫn đang hoạt động lâu dài nhất ở Mỹ”.

Nhân dịp đến Boston, Chủ tịch Quốc hội đã gặp và nói chuyện với nhiều sinh viên Việt Nam đang học tại các trường Đại học danh giá hàng đầu nước Mỹ như Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)…. và bà con người Việt ở Boston.

Ông David Thomas giới thiệu các bức vẽ về Bác Hồ cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đoàn ngày 5/9/2015. (Ảnh: NVCC)

Khi báo cáo với đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Giáo sư Kevin Bowen (thuộc Đại học Massachusetts, Boston, từng là cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam năm 1968-1969) đã giới thiệu về thành phố Boston (bang Massachusetts). được coi là một trong nhưng nôi cách mạng Mỹ từ thế kỷ XVIII.

Theo Giáo sư, một số tư liệu cho biết Nguyễn Ái Quốc đi tàu đến New York năm 1911, lên Boston năm 1912-1913, làm việc trong khách sạn Omni Parker House. Tại đây, Người đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân lao động bang Massachusetts đòi nhân quyền như quyền sống, quyền lao động, quyền bình đẳng, quyền dân chủ, quyền mưu cầu hạnh phúc… Nhiều chính khách, Thị trưởng, Thống đốc, nghị sĩ của bang đã tham gia quá trình thành lập nước Mỹ ngày 4/7/1776, soạn thảo Hiến pháp năm 1787, tranh cử và trúng cử Tổng thống Mỹ.

Cùng với thực tế kinh nghiệm trải qua ở các nước khác, chính bối cảnh và kinh nghiệm thực tế sống và làm việc ở Boston này đã góp phần hình thành tư tưởng hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái, hạnh phúc… của Người.

Ngay tại khách sạn Omni Parker House này vẫn luôn giữ hình ảnh Nguyễn Ái Quốc kèm theo chú thích hàng chục năm nay mà nhiều nhân viên trong khách sạn vẫn tự hào gọi “Người làm bánh hay đồng nghiệp đặc biệt, vĩ đại…”.

Nhân dịp này, một cựu binh Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, nay là họa sĩ, ông Davis Thomas đã tự vẽ nhiều tranh Nguyễn Ái Quốc và mang đến trưng bày tại khách sạn Omni Parker House dịp đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến thăm. Là cựu binh và nạn nhân của dioxin, họa sĩ cũng viết một cuốn sách về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn các báo cáo viên về bản trình bày và trưng bày tranh Nguyễn Ái Quốc. Khi Chủ tịch Quốc hội tặng quà lưu niệm (Mô hình nhà Quốc hội Việt Nam), hai cựu binh đều không hẹn mà nói: “Nguyễn Ái Quốc là ‘vĩ nhân’ có cùng tư duy như các vĩ nhân khác trên thế giới (Great Men think alike)”.

“Bất ngờ” của ngài Giám đốc

Thú vị thay, chỉ một ngày sau đó, tôi một lần nữa được nghe nhận định tương tự từ một người Mỹ khác.

Ngày 6/9/2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thăm nhà riêng, nay là khu tưởng niệm Tổng thống đầu tiên của Mỹ là George Washington (1789-1797), sáng lập ra nước Mỹ (ngày 4/7/1776) ở Mount Vernon, bang Virginia. Đó cũng là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đến khu tưởng niệm này. Chủ tịch Quốc hội ta đã ký sổ lưu niệm.

Giám đốc khu tưởng niệm đã giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội ý nghĩa lịch sử khu tưởng niệm Mount Vernon và một số giai thoại về Tổng thống Mỹ đầu tiên. Khu đất Mount Vernon nằm bên bờ sông Potomac giữa bang Virginia và Maryland, do gia đình ông mua từ năm 1674, rồi bắt đầu được xây dựng nhà từ những năm 1750s. Đây là nơi ông ở cho đến khi mất ngày 14/12/1799 và hài cốt được lưu giữ đến sau này. Năm 1860, khu này được mở cho công chúng thăm quan. Năm 1960, khu tưởng niệm này được coi là Điểm cao di sản lịch sử quốc gia.

Sau khi nghe Chủ tịch Quốc hội nói về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, ông Giám đốc khu tưởng niệm tỏ ra bất ngờ: “Lạ nhỉ? Tại sao Tổng thống George Washington, người sáng lập nước Mỹ (từ 4/7/1776) và Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945) cách nhau 1-2 vạn dặm về địa lý và gần 200 năm về thời gian, lại có tư duy giống nhau nhỉ?”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn SInh Hùng tham quan quê hương của cố Tổng thống Hoa Kỳ George Washington. (Nguồn: TTXVN)

Sau đó, ông tự nhận xét: “Hai vị Tổng thống Mỹ và Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên đều xuất phát từ thực tế và lợi ích dân tộc mình, chống ngoại xâm, giành độc lập và tự do cho đất nước (ở Mỹ năm 1776 và ở Việt Nam năm 1945, rồi sớm dựng nước dựa trên thực trạng quốc gia sau khi làm cách mạng chống ách đô hộ từ bên ngoài) sớm lập hiến (năm 1787 ở Mỹ và năm 1946 ở Việt Nam). Các hành động này phù hợp với lợi ích quốc gia, nguyện vọng của nhân dân, cũng như những giá trị phổ quát của nhân loại và xu thế của thời đại, nhất là về hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, tiến bộ xã hội, văn minh và hạnh phúc”.

Sau khi tặng Chủ tịch Quốc hội bức tranh George Washington để kỷ niệm và nhận quà mô hình Trụ sở Nhà Quốc hội Việt Nam từ Chủ tịch Quốc hội, ông Giám đốc tự trả lời tiếp, nhưng súc tích hơn rằng: “Vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ là George Washington và Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam Hồ Chí Minh, đều tư duy giống nhau vì họ đều là “Vĩ nhân”, mà “Vĩ nhân thì tư duy giống nhau (Great Men think alike)”.

Nhận định ấy khiến tôi cảm thấy xúc động, tự hào bởi dù đã tiếp xúc hay chưa từng tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người bạn Mỹ đều cảm nhận và tôn trọng tầm vóc, trí tuệ của Bác Hồ, vị Cha già của dân tộc Việt Nam và vĩ nhân của thế giới.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-cuoi-loi-gioi-thieu-cua-hai-cuu-binh-my-ve-nguyen-ai-quoc-va-dieu-la-cua-ngai-giam-doc-243778.html