Kỳ cuối: Nâng cao quy hoạch để phát triển xứng tầm

Trong xây dựng phát triển đô thị, quy hoạch bao giờ cũng là lĩnh vực đi trước và định hướng phát triển cho các lĩnh vực tiếp theo và với quy hoạch đô thị thông minh, vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm hơn nữa. Điều này yêu cầu tầm nhìn quy hoạch của Thủ đô phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, tranh thủ các cơ hội 'đi tắt đón đầu', đột phá và tận dụng được các thời cơ chiến lược.

Nền tàng vững chắc, tạo đà phát triển

Sau 5 năm triển khai Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 – 2020” công tác quy hoạch của Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng..

Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt 57/68 đồ án (31/33 quy hoạch chung, 26/35 quy hoạch phân khu). Tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch được đẩy nhanh; tỷ lệ phủ kín quy hoạch được nâng cao. Đặc biệt, công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch ngày càng được siết chặt, hiệu quả.

Minh chứng cho thấy, Hà Nội đã thu hút hiệu quả đầu tư xây dựng nhiều khu đô thị, khu nhà ở mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đem lại diện mạo đô thị đổi mới, văn minh, hiện đại. Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, với một số dự án đang triển khai, như: Công viên Kim Quy, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, Khu đô thị thành phố thông minh.

Trong xây dựng phát triển đô thị, quy hoạch bao giờ cũng là lĩnh vực đi trước và định hướng phát triển cho các lĩnh vực tiếp theo và với quy hoạch đô thị thông minh, vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm hơn nữa. (ảnh: Minh Phương)

Theo ông Lã Hồng Sơn Phó trưởng Phòng Quy hoạch – Kiến trúc 2, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, kết quả thực hiện Chương trình 06, về công tác quy hoạch xây dựng khu vực đô thị tỷ lệ hoàn thành quy hoạch chung đến 9/2020 đạt khoảng 85 - 86%; khu vực nông thôn đạt 93 - 96%.

Thành phố cũng đã ban hành bốn quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc quan trọng đã được phê duyệt gồm: Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố Hà Nội, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ, Quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng khu vực nội đô.

Ngoài ra, thành phố cũng tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt 5 quy hoạch chi tiết khu nhà ở xã hội tập trung, tổng diện tích khoảng 270 ha, khi hoàn thành dự kiến cung cấp thêm 1,2 triệu mét vuông sàn nhà ở, phê duyệt khoảng 216 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khác.

“Sở Quy hoạch Kiến trúc đã xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể, như xác định, xây dựng lộ trình có thứ tự ưu tiên và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng quý, từng năm của giai đoạn 2016 – 2020; phân công cụ thể cho từng lãnh đạo phụ trách, từng phòng chuyên môn chủ trì và từng cán bộ, công chức thực hiện. Vì vậy, tỷ lệ độ phủ kín quy hoạch được nâng cao, quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch ngày càng được siết chặt, hiệu quả” – ông Lã Hồng Sơn cho hay.

Tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn

Nói một cách tự hào, diện mạo Thủ đô hơn 30 năm đổi mới đã có những đổi thay nhanh chóng, phát triển toàn diện theo hướng bền vững. Đặc biệt, sau hơn 1 thập kỷ mở rộng (2008) và sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vị thế của Thủ đô lại càng được nâng cao hơn nữa.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy công tác quy hoạch vẫn luôn được Đảng, Nhà nước, thành phố quan tâm và xác định là công tác thường xuyên, quan trọng, cần đi trước một bước (ảnh: Minh Phương).

Đánh giá về quá trình phát triển đô thị Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hàng loạt đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng, phát triển, tạo bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã hoàn thành gần 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, hơn 8 triệu m2 sàn nhà ở thương mại và hơn 300 nghìn m2 sàn nhà ở tái định cư. Diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26 m2/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố lên 91,2%... Những khu đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật như The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, Royal City, Times City… đang ngày ngày tô điểm cho sức sống tươi trẻ của Thủ đô nghìn năm tuổi.

Cũng cần phải nói thêm rằng bên cạnh những mặt tích cực những tác động của quá trình đô thị hóa thể hiện rất rõ ở khắp các lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân. Hầu hết các khu vực đều không theo kịp tốc độ đô thị hóa, cơ sở hạ tầng xã hội không đáp ứng được nhu cầu và điều kiện cần có của một đô thị, dẫn đến những tồn tại hết sức tai hại về môi trường sống. Đặc biệt, những khoảng cách chênh lệch giữa vùng đô thị và các huyện ngoại thành vẫn chưa thể lấp đầy trong thời gian ngắn.

Tuy vậy, nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy công tác quy hoạch vẫn luôn được Đảng, Nhà nước, thành phố quan tâm và xác định là công tác thường xuyên, quan trọng, cần đi trước một bước. Với những định hướng đã xác định trong hệ thống quy hoạch hiện hành, cơ chế đặc thù được xác định trong Luật Thủ đô, định hướng trong phát triển được xác định tại Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII sẽ diễn ra sắp tới, tin rằng Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm, khẳng định vị thế.

Hiện nay thành phố Hà Nội cũng đang tập trung triển khai các bước chuẩn bị cho công tác lập quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch. Thành phố đang chuẩn bị các bước: lập, trình thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch để lựa chọn đơn vị tư vấn trước khi triển khai các bước tiếp theo.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-cuoi-nang-cao-quy-hoach-de-phat-trien-xung-tam-114142.html