Kỳ cuối: Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Dẫu mô hình trồng rau sạch trên địa bàn Thành phố đã phát huy hiệu quả và đặc biệt không ít mô hình trồng rau sạch của các đơn vị, hợp tác xã đã tạo ra chuỗi giá trị (trồng, cung ứng và tiêu thụ). Tuy nhiên, đây vẫn là những con số đếm trên đầu ngón tay, vì thế mô hình trồng rau sạch vẫn đang rất khó khăn từ chuỗi giá trị liên kết. Đây chính là rào cản cần tháo gỡ.

Khoảng trống hỗ trợ về công nghệ, thị trường

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trên nhiều diện tích canh tác tại các huyện ngoại thành sẽ góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, trong đó có rau sạch. Bởi, chính việc ứng dụng công nghệ, thiết bị vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản sẽ cho năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao. Đồng thời, việc sử dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, tưới tự động, thủy canh, công nghệ sinh học, công nghệ nhân giống đã tạo ra các giống cây sạch bệnh, có tính ổn định về năng suất, chất lượng.Thế nhưng, thực tế vấn đề này hiện chưa được đầu tư đúng mức.

Tại một hội thảo về nông nghiệp công nghệ cao được tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS-TS. Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả nhìn nhận: Thành phố Hà Nội là địa phương tiên phong đặt vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, nhưng đến nay, Hà Nội chưa hình thành được vùng nông nghiệp công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao. Diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đang triển khai còn nhỏ bé so với tiềm năng của Hà Nội.

Các mặt hàng nông sản sạch ngày càng thu hút khách hàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội có hơn 40 cơ sở sơ chế rau an toàn cũng là các chuỗi tiêu thụ rau an toàn theo liên kết dọc; 100% số chuỗi được từ 2 đến 4 đơn vị thực hiện; có 9/48 chuỗi tự tổ chức sản xuất rau, tiêu thụ, không thu gom, 23/48 chuỗi vừa sản xuất, vừa thu gom và 16/48 chuỗi chỉ thu gom, không sản xuất rau.

Tuy nhiên, lượng rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, mới chỉ được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm, chiếm 5% sản lượng rau an toàn và 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, rau an toàn chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng 370.000 tấn/năm chiếm 92,5% sản lượng rau an toàn và 61,67% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng.

Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, đến năm 2020, Hà Nội duy trì 5.100 ha rau an toàn, hiệu quả kinh tế đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/ năm. Đồng thời, phát triển 3.000-4.000 ha rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt giá trị 500 triệu đồng/ha/ năm; bảo đảm 100% sản phẩm rau được truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm... Để thực hiện được việc này, theo ông Hồng, thành phố Hà Nội cần tiếp tục có cơ chế, chính sách về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; ban hành quy trình kỹ thuật về sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ; phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc xuất xứ đến từng hộ sản xuất gắn với hệ thống bảo đảm, có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, tính đến nay, toàn thành phố đã có khoảng 16 dự án xây dựng vùng rau an toàn tập trung với diện tích 2.000ha. Toàn thành phố cũng đã xây dựng 8 cơ sở chế biến gắn với vùng sản xuất tập trung với công suất 3-7 tấn/ngày và 64 cơ sở chế biến nhỏ của hợp tác xã và doanh nghiệp với công suất 200-1.000 kg/ngày.

Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn vẫn còn khó khăn bởi đa số các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng rau an toàn tập trung chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư, quản lý sản xuất khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán…

Liên quan tới vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, để rau an toàn phát triển ổn định, bền vững, các bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau khi lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ rau an toàn cũng như tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến từng hộ. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng rau an toàn, cần tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm nghiệm an toàn - thực phẩm và xử lý vi phạm.

Chú trọng khâu kiểm định

Theo số liệu khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không thể phân biệt được rau “bẩn” và rau an toàn. Tỷ lệ này ở người mua lên tới 95%. Do lợi nhuận nên một bộ phận người trồng rau đã dùng chất kích thích để rau phát triển mạnh, rút ngắn thời gian thu hoạch, bỏ qua thời gian cách ly bắt buộc đối với rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích. Các chất độc có trong rau, củ quả là một trong những tác nhân gây nên các bệnh ung thư gan, thận, thực quản, dạ dày…

Qua thực tế khảo sát tại nhiều mô hình trồng rau an toàn cũng như phương thức tiêu thụ rau an toàn hiện nay, thấy rằng hiện tại chưa có đủ chính sách hợp lý nhằm đảm bảo được lợi ích của người trồng rau an toàn. Cụ thể, người trồng rau mới chỉ được hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn nhưng hai khâu trọng yếu là đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... và đầu ra chính là khâu tiêu thụ thì chưa được xem trọng. Người trồng chủ yếu phải tự lo và phần lớn không ổn định, gặp nhiều rủi ro.

Với rau an toàn, người nông dân, chủ các cơ sở sản xuất rau an toàn phải đầu tư cơ sở vật chất lớn hơn nhưng giá rau an toàn lại như các loại rau thông thường ở chợ dẫn đến không đảm bảo lợi ích về kinh tế nên ở một số địa phương, người trồng rau cũng không mặn mà gì với rau an toàn. Trong khi đó, người tiêu dùng không có cơ sở để tin tưởng rằng rau mình mua để tiêu dùng hàng ngày là rau an toàn nhưng giá bán lại bằng hoặc cao hơn rau bình thường, vì người tiêu dùng không phân biệt được rau an toàn với các loại rau thông thường khác.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là chuộng các loại nông sản hữu cơ, đây là cơ hội cho những doanh nghiệp bán lẻ nhân rộng mạng lưới phân phối để đưa sản phẩm sạch ra thị trường.Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, có đến 85% nông sản tiêu thụ qua các kênh truyền thống là ngoài chợ, cửa hàng nhỏ lẻ hay là gánh hàng ven đường và chỉ có 15% còn lại là qua kênh hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Hệ thống bán lẻ nông sản sạch, nông sản hữu cơ vẫn chưa nhiều, nếu có chỉ tập trung ở các khu vực trung tâm thành phố nên nhiều người tiêu dùng vẫn chưa tiếp cận sản phẩm này dù nhu cầu cao.

Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho rằng: “Nếu làm tốt và có sự kết hợp theo chuỗi thì sẽ có sự minh bạch ở đây. Khi đã kết hợp thành hệ thống chuỗi rồi, từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng thì sự phối hợp giám sát cũng như hệ thống rau an toàn mà chúng tôi đang vận hành, sẽ là công cụ chứng minh sự minh bạch cũng như truy suất nguồn gốc xuất xứ đến tay người tiêu dùng. Đây là công cụ chứng minh minh bạch nhất về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Rau an toàn nhưng chưa thực sự an toàn là vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý phải vào cuộc gắt gao hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng, quy trình sản xuất. Mặt khác, cần có chế tài xử lý nghiêm với những hộ sản xuất, kinh doanh rau không an toàn. Đồng thời, từng bước quản lý rau của các địa phương tiêu thụ tại Hà Nội để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Hà Phong – Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-nhieu-rao-can-can-thao-go-82235.html