Kỳ cuối: Phát triển sinh kế ổn định- giải pháp ngăn chặn nạn buôn bán người

Phụ nữ và trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số thuộc nhóm dễ bị tổn thương, trở thành mục tiêu nhắm đến của tội phạm buôn bán người do hiểu biết hạn chế, công việc thiếu ổn định. Chính vì thế, giúp phụ nữ phát triển kinh tế tại địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để họ phòng, chống và tránh được nạn buôn bán người.

Hiện nay, nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, miền núi, vùng biên giới sang nước ngoài làm thuê bất hợp pháp và hệ lụy của vấn đề này là người phụ nữ phải sống tha phương, cảnh vợ xa chồng, mẹ một nơi, con một chốn. Nhiều phụ nữ bị lừa gạt trở thành nạn nhân trong các vụ mua bán người, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Cũng có khi họ bị cơ quan chức năng nước bạn bắt, giam giữ, phạt tiền và lao động công ích.

Đồng chí Thượng tá Bùi Thế Lương, Chính trị viên Đồn biên phòng Bản Máy, tỉnh Hà Giang chia sẻ: Xã Bản Máy còn rất nghèo, nhiều người dân còn phải đi làm thuê nơi xa, đi qua biên giới làm thuê cũng có. Không ít bà con được hứa hẹn là qua biên giới lương sẽ cao hơn và họ không mảy may nghi ngờ về những rủi ro có thể đến với bản thân mình.

 Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Lào Cai hỗ trợ phụ nữ vùng biên phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp họ không bị tội phạm buôn bán người rình rập. Ảnh: P.T

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Lào Cai hỗ trợ phụ nữ vùng biên phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp họ không bị tội phạm buôn bán người rình rập. Ảnh: P.T

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng tại Hà Giang có nhiều hướng tuyên truyền: Một là cử cán bộ trong đơn vị phối hợp với các trường trên địa bàn, tổ chức sinh hoạt đầu tuần cho các em học sinh. Hai là đồn có phối hợp với hội phụ nữ địa phương, tham gia các buổi sinh hoạt thôn xóm, đến phổ biến các nội dung liên quan đến đề án “Tăng cường TTPBGDPL cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2017-2021”. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng lưu ý bà con là không chỉ nhận thức riêng cho mình, còn phải nói lại cho bạn bè, họ hàng ở vùng khác nếu có đến chơi, để tránh tình trạng không hiểu biết bị lừa đưa qua biên giới.

Tại Đồn biên phòng Bản Máy, cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng như tuyên truyền miệng, phát tài liệu tuyên truyền, kết hợp trình chiếu và các hình ảnh minh họa đã giúp cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn dễ nhớ, dễ hiểu. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, nhất là những quy định mới khi hoạt động, lao động, sản xuất, qua lại ở khu vực biên giới; tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại đến đường biên, cột mốc quốc giới, tránh xa các tệ nạn xã hội, phòng chống buôn bán người…

Còn tại Đồn biên phòng Nghĩa Thuận (tỉnh Hà Giang), Đồn A Mú Sung (tỉnh Lào Cai) khi thực hiện các hoạt động tuần tra song phương, cán bộ, BĐBP và CA biên phòng nước bạn đã cùng phối hợp rải những tờ rơi, cho nhân dân vùng giáp biên hai nước đọc, hiểu để tăng cường an ninh vùng giáp biên.

Song song với TTPBGDPL chính là phát triển sinh kế. Nghĩa là tạo công ăn việc làm, giúp phụ nữ và nhân dân địa phương phát triển kinh tế. Có đảm bảo nhu cầu cuộc sống thì bà con mới yên tâm bám bản, duy trì công việc ổn định, không trở thành đối tượng rình rập của tội phạm buôn bán người. Đại úy Phạm Đức Hậu, Chính trị viên phó tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết: Từ năm 2018, đồn có kế hoạch thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Theo đó, đồn phối hợp với hội phụ nữ của các xã để giúp đỡ gia đình 5 chị em có hoàn cảnh khó khăn nhất xóa đói, giảm nghèo. Đồn giúp đỡ các chị em giống dứa, vật nuôi, cùng hướng dẫn thêm một số kỹ thuật nuôi trồng, số tiền hỗ trợ là 5 triệu đồng/hộ. Cho đến nay, sự hỗ trợ này đã tạo thêm công ăn việc làm cho các hộ, giúp họ giữ đất phát triển kinh tế, không bỏ vườn tược đi làm thuê nơi xa nữa. Đáng nói nhất là ở chỗ, nguồn kinh phí để thực hiện được huy động từ sự đóng góp tự nguyện của cán bộ chiến sĩ trong đồn, nguồn hảo tâm kết hợp với nguồn ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách địa phương… Đồn cũng huy động ngày công lao động của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo.

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, giai đoạn 2018-2020 do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP với sự hỗ trợ 90 xã biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được xem là thắp thêm cơ hội tiếp cận tri thức, việc làm, được tham gia các hoạt động xã hội, đem lại sự bình đẳng cho phụ nữ biên cương, giúp họ ổn định kinh tế, nâng cao nhận thức pháp luật – một hoạt động hiệu quả vào công tác phòng chống buôn bán người vùng giáp biên.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-cuoi-phat-trien-sinh-ke-on-dinh-giai-phap-ngan-chan-nan-buon-ban-nguoi-153308.html