Kỳ cuối: Tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì 'cho đi là còn mãi'

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về nghĩa cử cao đẹp đăng ký hiến mô, tạng tại lễ phát động phong trào 'Hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi' diễn ra tại Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức vào sáng 19/5. Cá nhân Thủ tướng cùng gia đình đã đăng ký hiến mô, tạng để góp phần tạo phong trào, xu thế đăng ký hiến tạng trên cả nước.

Hồi sinh nhiều cuộc đời từ những “trái tim bất tử”

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng Ảnh: Nhật Bắc

Món quà quý giá có thể trao tặng cho người khác

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.

Thủ tướng đánh giá hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng Việt Nam đạt được sự tiến bộ vượt bậc. Mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều. Đây là minh chứng rõ nét của tình thương, lòng nhân ái.

Thủ tướng khẳng định, để có những thành tựu đó chính là nhờ 3 nhân tố chủ yếu: chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân.

Phát huy truyền thống "tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc ta; với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, vùng miền, tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần mở lòng nhân ái, lan tỏa yêu thương, thắp sáng niềm tin, tiếp nối hi vọng, gieo mầm sự sống. Đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì “cho đi là còn mãi”, một người có thể cứu nhiều người.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng phát động toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Y tham gia đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời để cùng chung tay hồi sinh những mảnh đời đang mòn mỏi từng ngày chờ được ghép mô, tạng, đồng thời góp phần lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của việc đăng ký hiến mô, tạng tới mọi người trong cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, mọi nỗ lực, lòng nhân ái và tâm huyết của mỗi cán bộ y tế là một phần quan trọng góp phần xây dựng nền y học Việt Nam và tô đậm thêm truyền thống "tương thân, tương ái" của dân tộc.

Ca lấy đa tạng được thực hiện tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vào tháng 4/2024. Ảnh: Nguyễn Trang

Ca lấy đa tạng được thực hiện tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vào tháng 4/2024. Ảnh: Nguyễn Trang

Chính sách cần ưu tiên

Bên cạnh những thành tựu đáng trân trọng của ngành ghép tạng Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ những lo toan, băn khoăn, trăn trở khi số lượng ca ghép tạng chưa đáp ứng nhu cầu được ghép tạng của Nhân dân. Ở Việt Nam, hơn 94% tạng ghép là từ nguồn hiến sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe người hiến. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến tạng từ nguồn hiến sống chỉ từ 10-50%; tỷ lệ này ở một số nước có nền văn hóa tương đồng như Việt Nam như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc là từ 20-60%, thấp hơn nhiều so với nước ta.

Thủ tướng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn tạng hiến “chưa được nhiều”; việc huy động nguồn nhân lực và cơ chế chính sách liên quan người cho và người nhận tạng còn những hạn chế, bất cập cần điều chỉnh bởi “đây là chính sách cần phải ưu tiên”,…

Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần tiếp tục phát triển ngành ghép tạng, mở rộng nguồn mô tạng hiến từ người chết, chết não. Nghiên cứu chính sách ưu tiên, cơ chế đặc thù, khuyến khích cho lĩnh vực hiến, ghép mô tạng.

Bên cạnh đó cần lưu ý một số việc như mọi hành vi thương mại hóa và mua bán mô bộ phận cơ thể người mua đều bị nghiêm cấm. Việc hiến tặng là hoàn toàn tự nguyện mang tính nhân đạo không nhằm mục đích thương mại. Trung tâm điều phối và các bạn tham gia điều phối tạng đúng luật pháp minh bạch công bằng và bác ái. Các cơ quan chức năng tổ chức liên quan cần thực hiện đúng các quy định không được để trục lợi, làm sai, làm méo mó chủ trương của Nhà nước và vận động hiến mô tạng.

Thủ tướng cũng đề xuất, cần có một ngày để tôn vinh, vận động đăng ký hiến mô tạng. Thủ tướng đề nghị có thể lấy ngày 19/5, Ngày sinh Bác Hồ, làm ngày Hiến tặng mô, tạng Việt Nam. Tại chương trình, Thủ tướng cho biết, cá nhân ông cùng gia đình đăng ký hiến mô tạng để góp phần tạo phong trào, xu thế đăng ký hiến mô, tạng trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong những năm qua, ngành Y tế đã có những nỗ lực để tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não. Trước năm 2023, chỉ có 5 BV thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 BV, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại một số BV tuyến tỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới BV hiến mô, tạng trên toàn quốc với 68 BV. Nhờ đó, tỷ lệ người chết não hiến mô, tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.

“Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8 -10 người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa giá trị, tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-cuoi-tinh-yeu-nghia-cu-cao-dep-nhat-vi-cho-di-la-con-mai-381442.html