Kỳ cuối: Tự hào những người con Thủ đô cắm chốt tiền tiêu

Trong hành trình mang hương Xuân, không khí Tết quê nhà đến với quân dân các đảo tiền tiêu cực Tây Nam của Tổ quốc, tôi có dịp gặp và trò chuyện với những người con của Thủ đô Hà Nội. Cũng như những người lính trên khắp mọi miền quê hương, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ đang từng ngày, từng giờ góp một phần công sức vào việc gìn giữ từng tấc đất, tấc biển của quê hương.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc

Ngày thứ ba của cuộc trình, đoàn chúng tôi đến với quân dân đảo Hòn Chuối - cực Tây Nam của đất Mũi (thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Trong số anh em đang đóng quân ở Trạm Rada 615, Thượng úy Dương Ngọc Thạch (Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) được coi là anh cả của Trạm cả về tuổi đời và thâm niên cắm chốt trên đảo.

Thượng úy Dương Ngọc Thạch (thứ hai từ phải sang) được anh em trên trạm coi như anh cả trong nhà

Thượng úy Thạch chia sẻ, vốn đam mê biển, đảo, ước mơ trở thành người lính hải quân của anh đã được thỏa nguyện khi ra trường năm 2006, anh nhận nhiệm vụ về Vùng 5 Hải quân công tác. Trước khi ra cắm chốt ở đảo Hòn Chuối, Thượng úy Thạch đã có thời gian thực hiện nhiệm vụ tại nhiều điểm đảo trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc như Trường Sa Đông, Đá Lát. 12 năm đóng quân trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, vì nhiệm vụ, những cái Tết Thượng úy Thạch được về quê sum vầy cùng gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh cũng như nhiều đồng đội khác, khi đã gắn bó với đảo, với biển đều coi đảo là nhà, biển cả là quê hương,

Thượng úy Thạch bảo: Điều quý nhất và anh cảm nhận rõ nhất trong những năm tháng sống ở đảo không đơn giản là tình đồng đội, đồng chí, mà mỗi anh em ở đây đều coi nhau như anh em trong một gia đình. Đảo Hòn Chuối nằm xa đất liền, ghe cộ khó khăn, gặp những khi sóng gió, biển động, không có tàu ra, nguồn thức ăn hàng ngày phải tự trồng trọt, chăn nuôi. Vì vậy, sau những giờ thực hiện nhiệm vụ, anh em cùng bảo ban nhau chăm lo, tăng gia sản xuất thêm để đảm bảo cuộc sống.

Đến nay, Thượng úy Dương Ngọc Thạch đã có 12 năm cắm chốt các đảo tiền tiêu của Tổ quốc

“Dù mỗi đứa một quê, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đã ra đến đây, chúng tôi là một gia đình, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi trong công việc và cuộc sống, động viên nhau an tâm công tác, phục vụ quân đội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tây Nam của Tổ quốc”, Thượng úy Dương Ngọc Thạch chia sẻ.

Ngày thứ tư của cuộc hành trình, tạm biệt Thượng úy Thạch và các đồng đội trên đảo Hòn Chuối, tàu 632 Hải quân đưa chúng tôi đến với đảo Hòn Khoai. Sau hành trình gần 7 giờ, vượt qua chặng đường dài 60 hải lý, chúng tôi cũng cập cảng Hòn Khoai.

Đảo Hòn Khoai còn có tên gọi khác là Hòn Giáng Tiên, Hòn Giáng Hương hay Hòn Độc Lập thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.. Hòn Khoai là một cụm đảo nhỏ gồm các đảo Hòn Khoai, Hòn Tương, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi và Hòn Đá Lẻ, trong đó Hòn Khoai là đảo lớn nhất với diện tích 4,2km2. Đây là một trong những hòn đảo đẹp nhất cực Nam Tổ quốc.

Đảo Hòn Khoai gắn liền với di tích lịch sử cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai (13/12/1940), với tên tuổi của thầy giáo Phan Ngọc Hiển – người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, tuy thất bại song đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất Nam Bộ, thể hiện khát vọng độc lập tự do của người dân Việt Nam yêu nước trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong 5 đảo chúng tôi đến thăm, Hòn Khoai là đảo duy nhất không có hộ dân sinh sống, chỉ có 4 lực lượng đứng chân trên đảo, gồm: Trạm ra đa 595 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn biên phòng 700 thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng Cà Mau; Trạm hải đăng Hòn Khoai thuộc Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải, Bộ Giao thông vận tải và lực lượng kiểm lâm.

Cũng giống như các đảo trong khu vực, thời tiết, khí hậu ở Hòn Khoai tương đối khắc nghiệt, mùa mưa, mây phủ cả ngày, mùa khô sương muối nhiều. Đặc biệt, trong 6 tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5), đảo rất thiếu nước ngọt. Điều kiện đi lại gặp nhiều khó khăn, chưa có phương tiện ra vào thường xuyên, phụ thuộc vào ghe của ngư dân đi đánh bắt cá.

Trung úy Nguyễn Văn Quang trò chuyện với tác giả

Nhận nhiệm vụ công tác tại đảo Hòn Khoai từ năm 2009, đến nay, sau hơn 8 năm, chàng trai của Thủ đô - Trung úy Nguyễn Văn Quang (xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) đã quá quen với nắng gió khắc nghiệt nơi đây. Là bác sĩ quân y, ngoài việc đảm bảo sức khỏe sẵn sàng chiến đấu cho anh em trong đơn vị, anh còn hỗ trợ các đơn vị đóng quân trên địa bàn, hỗ trợ ngư dân đánh cá gặp nạn, ngư dân gặp tai nạn trên biển khi cần. 8 năm công tác ở đảo, mọi cung đường lên xuống đảo đã quá quen với Trung úy Quang, chàng lính Thủ đô thư sinh ngày nào giờ đã mang nước da đen sạm vì nắng gió của biển.

Sau 2 năm liền trực Tết, Tết Mậu Tuất này là cái tết thứ hai, Trung úy Quang được về quê đón Tết cùng gia đình. Tuy vậy, anh bảo: Tết ở đảo tuy thiếu vắng tình thân nhưng ấm tình đồng đội, cùng cảnh xa nhà, anh em trong đơn vị càng gắn bó, thân thiết, đoàn kết với nhau, chia sẻ với nhau để cùng hưởng niềm vui Xuân trọn vẹn.

Cùng quê ở Thủ đô, đóng quân trên đảo Hòn Khoai, còn có Trung tá Đỗ Đình Thành - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Khoai. 25 năm công tác trong quân đội, anh Trung tá quê ở Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội đã có tới 20 năm cắm chốt các đồn biên phòng dọc theo tuyến biên giới của vùng đất Mũi Cà Mau như Đồn Đất Mũi, Đồn Khánh Tiến và hiện giờ là Đồn Biên phòng Hòn Khoai.

“Chúng tôi - những người lính đóng quân nơi điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc luôn hướng về đất liền với những tình cảm tốt đẹp nhất và bằng hành động của mình, chúng tôi luôn chắc tay súng gìn giữ biên cương, chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, để đất liền được đón Xuân mới an vui”, Trung tá Đỗ Đình Thành khẳng định.

Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả

Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn chúng tôi trong hành trình đến với các đảo tiền tiêu cực Tây Nam của Tổ quốc là Thổ Chu. Nhắc đến Thổ Chu là nhắc nhớ đến một lịch sử oai hùng nhưng cũng đầy bi thảm của nhân dân ta trong cuộc chiến chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Ngay khi cập cảng, đoàn chúng tôi đã đến Đền thờ Thổ Châu, dâng hương tưởng niệm hơn 500 đồng bào bị quân Pôn Pốt xâm lược, thảm sát vào năm 1975 và tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ đảo.

Ngay khi lên đảo Thổ Chu, đoàn công tác đã đến Đền thờ Thổ Châu, dâng hương tưởng niệm hơn 500 đồng bào bị quân Pôn Pốt xâm lược, thảm sát vào năm 1975 và tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ đảo.

Hành trình 5 ngày đến với 5 đảo tiền tiêu cực Tây Nam của Tổ quốc: Hòn Đốc - Nam Du - Hòn Chuối - Hòn Khoai và Thổ Chu, tuy ngắn ngủi, nhưng đã cho chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống, sự hi sinh thầm lặng của những người lính trong thời bình. Đâu đó đã được kiên cố hóa bởi những căn nhà mái bằng khang trang thì nơi đây vẫn còn đó những nhà cấp bốn ngạo nghễ thi gan với nắng gió, mây trời khắc nghiệt, vẫn còn đó cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn... nhưng trên nét mặt của mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn luôn tự tin, phấn khởi, yêu đời.

Chia sẻ với những khó khăn và sự hy sinh thầm lặng của đồng đội, Đại tá Nguyễn Đăng Tiến - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết: Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quê ở ngoài Bắc, đã gắn bó với trạm, với đảo hàng chục năm, có anh em vì nhiệm vụ cả năm không về phép, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào họ cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào truyền thống anh hùng của Vùng 5 Hải quân.

Không khí vui Xuân, đón Tết rộn ràng trên các đảo

Cũng bởi vậy, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, Vùng 5 Hải quân thường tổ chức đoàn đi thăm, chúc Tết nhằm kịp thời động viện cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biển đảo phía Tây Nam khắc phục mọi khó khăn, yên tâm công tác, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và tôi là người may mắn đã có mặt trong hành trình ý nghĩa đem hương Xuân, hơi ấm đất liền đến với quân dân các đảo vùng Tây Nam của Tổ quốc.

Một mùa Xuân mới đã về với đất trời và lòng người, muôn triệu trái tim Việt cùng chung nhịp đập, cùng mong chờ một mùa Xuân Hạnh phúc và Bình yên. Đêm chia tay những đôi “mắt thần” giữ biển, chúng tôi cùng hòa chung trong những giai điệu ngọt ngào không dứt về mùa Xuân, về tình yêu và quê hương tươi đẹp. Giữa biển trời mênh mang, thanh bình của cực Tây Nam của Tổ quốc, trong tôi cứ âm vang mãi giai điệu ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” (thơ Nguyễn Phan Quế Mai, nhạc Đinh Trung Cẩn): Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi. Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã. Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông... Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng. Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa. Tôi lắng nghe, tôi lắng nghe, tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình...

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-tu-hao-nhung-nguoi-con-thu-do-cam-chot-tien-tieu-69187.html