Kỳ cuối: Vào tù vẫn 'nhả độc' giết người!

Việc truy tìm được Nguyễn Thanh Tân, SN 1943, nguyên trung sĩ biệt động quân chế độ cũ, kẻ cầm đầu băng cướp 14 tên, đã cùng lúc làm sáng tỏ được 3 vụ án: sát hại vợ chồng NS Thanh Nga, bắt cóc cháu Tô Rô con NS Kim Cương, bắt cóc cháu Phương con bác sĩ Lã Hỷ. Đồng thời cũng minh oan cho hàng loạt người là nghi can liên quan đến 3 vụ án nói trên. Nhưng đó chưa phải là kết thúc mỹ mãn bởi có thêm 2 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải bỏ mạng tức tưởi. Vì sao?

Ngày nay, sau 45 năm xảy ra vụ án Thanh Nga, xem lại bộ phim tài liệu "Vụ án TN-11" của xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu phối hợp với xưởng phim Tổng hợp TPHCM thực hiện (biên kịch, đạo diễn Trần Công Luận) sau khi vụ án Thanh Nga được làm rõ và đưa ra xét xử tại TAND TPHCM vào ngày 04/12/1979; tướng cướp Nguyễn Thanh Tân hiện ra với dáng cao, khuôn mặt sáng sủa, giọng nói trầm rõ ràng: "Tôi là Nguyễn Thanh Tân, SN 1943, ngụ ấp Ngàn Rô, huyện Long Phú, Hậu Giang... Tôi đã bắt cóc con của NS Kim Cương.

Sau một thời gian theo dõi, tôi và Nguyễn Văn Đức (lính hải quân chế độ cũ) đã đến nhà trẻ Vườn Hồng vào sáng ngày 26/12/1977. Nguyễn Văn Đức đã vào lớp học để bắt cháu Tô Rô. Riêng tôi dùng súng uy hiếp hai cô giáo để cho Đức đi ra ngoài được dễ dàng. Tôi đã viết sẵn một lá thư trao cho Nguyễn Văn Hóa để ném vào nhà NS Kim Cương. Sau đó tôi dùng điện thoại công cộng để liên lạc với gia đình cháu Tô Rô. Qua nhiều lần mặc cả, gia đình cháu Tô Rô thỏa thuận trao cho chúng tôi 20 lượng vàng để chuộc cháu Tô Rô về.

Chúng tôi đã bắt cóc cháu Phương con của bác sĩ Lã Hỷ ở quận Phú Nhuận. Tôi cùng với Hào, bắt cháu Phương (trong trường học). Tôi và Nguyễn Thành Trọng chở cháu Phương về Sóc Trăng. Rồi tôi trở lại Sài Gòn, dùng điện thoại công cộng để liên lạc với gia đình bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ. Sau nhiều lần mặc cả, thỏa thuận, vợ bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ đã theo lời của tôi đến trước nhà số... đường Phan Đăng Lưu để trao cho tôi số vàng.

Tôi bị công an bố trí và bắn trọng thương Nguyễn Văn Hóa, Hóa đã ném lựu đạn để ngăn chặn không cho đuổi theo, lựu đạn không rút chốt nên không nổ. Tôi cố sức đưa Nguyễn Văn Hóa về đến nhà, thấy Hóa vết thương rất trầm trọng, nếu không đưa vào bệnh viện thì khó sống nên tôi quyết định để cho gia đình Hóa đưa Hóa vào bệnh viện. Trước khi đi tôi trao cho Hóa 3 lượng vàng và số tiền mặt 200 đồng. Hóa đã vào bệnh viện để mổ và bị bắt giữ. Còn tôi cũng bị công an bắt giữ một thời gian sau...".

Nhìn bề ngoài, Tân đúng mẫu đàn ông đẹp trai "lưng dài vai rộng", giọng nói nam tính, hành xử quyết đoán, đáng mặt hảo hớn. Song lại là "mẹ mìn" chuyên bắt cóc con nít để đòi tiền chuộc. Khi gia đình nạn nhân đang hoảng loạn, sợ hãi thì lại "cò kè bớt một thêm hai" để "hút máu" thêm, kiếm tiền ăn chơi, cờ bạc. Cướp 20 cây vàng xong, chia cho đàn em tên Hóa 6 chỉ vàng thì "độn" vào 4 chỉ vàng giả... Nói chung là loại "ngụy quân tử" gian xảo nên lúc bị bắt rồi vẫn khai báo gian dối để giết thêm 2 mạng người!

Tân khai cùng với Nguyễn Văn Đức lên kế hoạch bắt cóc cháu Cúc Cu con NS Thanh Nga để tống tiền. Chúng dự tính nếu Thanh Nga hoặc người nhà đi cùng xe hơi chống cự thì sẽ dùng chai xá xị đập vào đầu cho ngất xỉu để bắt cóc cháu Cúc Cu. Nhưng khi tên Tân khống chế vệ sĩ Các, tên Đức quýnh quáng làm rớt chai xá xị nên không còn thứ gì để đập vào đầu nạn nhân như kế hoạch. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường lần đầu, đã chủ quan, không thu giữ chai xá xị này. Nếu không có sơ sót này, sẽ dễ dàng truy theo dấu vân tay trên vỏ chai, nhanh chóng xác định được hung thủ, không phải "đi đường vòng suốt 4 tháng rưỡi, mất thêm rất nhiều công sức, tiền của và 2 sinh mạng. Bên cạnh đó Thanh Nga chống cự quyết liệt để giữ con trai.

Chân dung tướng cướp Nguyễn Thanh Tân đã sát hại vợ chồng NS Thanh Nga (ảnh tư liệu)

Ông Phạm Duy Lân từ ghế lái cũng quay xuống vừa van xin tên cướp vừa bảo vệ vợ con nên tên Đức thất thế, không thể lôi được cháu Cúc Cu ra khỏi xe hơi. Tên Tân lúc này đang cầm súng khống chế anh Các vệ sĩ liền nói với tên Đức: "Thôi bỏ đi mày"... Sau đó chĩa súng vào xe bắn ông Lân. Thanh Nga thấy ngực chồng ứa máu liền gào lên: "Ba chết rồi mẹ con mình chẳng cần sống..." nên bắn luôn. Tên Đức chạy ra xe Honda 67 trước để cầm lái, tên Tân cầm súng đi thụt lùi đề phòng anh Các hay người trong nhà ào ra phản công. Cả hai tên lên xe Honda 67 phóng đi về hướng chợ Bến Thành.

Sau khi bị bắt, Tân khai khẩu súng bắn vợ chồng Thanh Nga là loại súng P.38, gây án xong hắn chạy ra cầu Bình Lợi ném xuống sông Sài Gòn". Trong quá trình lặn tìm vũ khí vật chứng vụ án này, 2 chiến sĩ công an phòng cháy chữa cháy hy sinh do vướng mìn quân đội chế độ cũ gài dưới đáy sông để chống đặc công nước đặt mìn đánh sập cầu từ trước 30/4/1975. Tổn thất nặng nề này càng gây thêm căm phẫn của nhân dân và cán bộ chiến sĩ công an tham gia chuyên án đối với sự gian xảo của tướng cướp Nguyễn Thanh Tân. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã buộc đồng phạm với Tân là Hồ Văn Hùng khai ra nơi giấu súng.

Hùng cho biết: "Ngày 22/3/1979, Tân dắt Honda 67 đến nhờ Hùng (là chủ tiệm sửa xe trên đường Nguyễn Biểu, quận 5) giấu giúp khẩu súng mà hắn đã bắn vợ chồng NS Thanh Nga trước đó 4 tháng. Hùng từ chối, nhưng nhìn thấy Tân lấy súng ra, gói lại... Sau đó Nguyễn Văn Mai là em ruột Nguyễn Thanh Tân khai là đã lấy súng giấu dưới đế quạt bàn. Lúc đầu Mai giấu vợ việc này, nhưng lúc bị bắt, Mai đã kịp dặn vợ chỗ giấu khẩu súng. Thúy Hồng - vợ Mai sau đó được cho tại ngoại do đang nuôi con còn nhỏ. Hồng liền lấy súng ra khỏi đế quạt, đem giấu chỗ khác. Lực lượng công an phải rất vất vả mới đào được súng lên, đưa đi giám định.

Kết quả giám định đây là khẩu súng đã bắn chết vợ chồng NS Thanh Nga. Tân khai: "... Do Thanh Nga chống cự quyết liệt, cắn vào tay tên Đức đang muốn lôi cháu Cúc Cu đi. Còn ông Lân chồng Thanh Nga thì quay xuống giằng khẩu súng trong tay Tân nên Tân bắn ông Lân. Thấy vậy Thanh Nga gọi vệ sĩ Các phải liều chết với bọn cướp, đồng thời giằng lấy khẩu súng kéo về phía sau nên tôi (Tân) bắn luôn để tẩu thoát...".

Tân chở Hóa đã trúng đạn gục vào lưng Tân (ảnh tư liệu thực nghiệm)

Sau 139 ngày đêm tổng lực điều tra, vụ án đã được làm rõ, 14 đối tượng tham gia vào 3 vụ bắt cóc, tống tiền và sát hại vợ chồng NS Thanh Nga bị đưa ra TAND TPHCM xét xử trong 2 ngày 04, 05/12/1979. Nguyễn Thanh Tân, Nguyễn Văn Đức bị tuyên án tử hình về tội giết người, cướp tài sản, bắt cóc trẻ em, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng... Nguyễn Văn Hóa bị án chung thân, Nguyễn Văn Mai nhận án 10 năm tù giam. Những bị cáo còn lại lãnh 6 - 8 năm tù. Riêng Thúy Hồng, vợ Mai được hưởng 2 năm tù treo vì đang nuôi con nhỏ...

Vụ án Thanh Nga khép lại, có tiếc nuối, kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc "quên" chai xá xị ở hiện trường, làm quá trình điều tra kéo dài, tốn thêm rất nhiều sức người, sức của và 2 sinh mạng. Nhưng trong quá trình đó Công an TPHCM đã tổng tấn công tội phạm vào cả lĩnh vực an ninh chính trị và hình sự, triệt xóa hàng chục tổ chức phản động và các băng nhóm tội phạm hình sự, trong đó có những băng cướp nguy hiểm, khét tiếng từ thời chế độ cũ. Nhờ chiến dịch truy quét này, tình hình an ninh trật tự ở TPHCM được cải thiện rất nhiều; lực lượng an ninh cũng hiểu thêm về thủ đoạn và thực lực, âm mưu của các tổ chức phản động móc nối với thế lực bên ngoài để xử lý chúng từ trong trứng nước.

Vì vậy có thể nói lực lượng Công an TPHCM gồm cả hai khối cảnh sát và an ninh đã vượt qua nhiều thử thách để hoàn thiện nhiều mặt về đối sách với từng loại đối tượng phạm pháp. Đã trưởng thành hơn rất nhiều trong sứ mệnh bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân trong những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Đó là thời kỳ vô cùng khó khăn với "thù trong, giặc ngoài", kinh tế suy sụp vì hậu quả chiến tranh và bị nước lớn bao vây, cấm vận. Đất nước đổi mới, tiến lên; lực lượng Công an TPHCM cũng trưởng thành hơn sau từng chặng đường vượt khó và ghi thêm vào trang sử hào hùng rất nhiều chiến công mới trong giai đoạn hội nhập, phát triển...

Trung tướng Trần Quyết phát biểu trong bộ phim tài liệu về vụ án Thanh Nga

27 năm sau khi vụ án xảy ra, Trung tướng Trần Quyết - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) những năm sau ngày đất nước thống nhất, nguyên Trưởng Ban chuyên án TN-11, phát biểu trên truyền hình ANTV cho biết: "... Khi các anh Trung tá Trịnh Thanh Thiệp - Trưởng phòng CSHS Công an TPHCM và Đại tá Trần Lung - Cục trưởng Cục CSHS báo cáo với tôi rằng, hiện tượng bắt cóc con Thanh Nga giống như vụ bắt cóc con Kim Cương. Ngược lại bên An ninh thì khẳng định đây là vụ ám sát mang tính chính trị. Tôi cho hai bên cùng tiến hành điều tra, nhưng nguyên tắc là phải giữ bí mật về hiện trường. Cuối cùng xác định đây là vụ án hình sự...".

PHÚC HUY

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/ky-cuoi-vao-tu-van-nha-doc-giet-nguoi_148018.html