Kỳ cuối: Với tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn

Sau khi kịch bản Con đường năm ấy không được dựng thành phim, ba năm sau, nhà văn Sơn Tùng chuyển hướng để viết thành tiểu thuyết Búp sen xanh. Rồi về sau, tiểu thuyết Búp sen xanh lại được chuyển thể thành kịch bản phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.

Ông Trần Tam Giáp (bìa trái) trong lần đưa nhà văn Sơn Tùng (bìa phải) và anh Bùi Sơn Định tới gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ẢNH CHỤP LẠI TỪ TƯ LIỆU GIA ĐÌNH)

Thủ tướng ủng hộ Búp sen xanh
Trong cuộc trò chuyện với anh Bùi Sơn Định, tôi được anh cho xem bản gốc viết tay tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng. Bản gốc tiểu thuyết được viết trên giấy mỏng, nét chữ nắn nót. Trang đầu nhà văn Sơn Tùng chú thêm dòng chữ: “Thời thơ ấu đến lúc Bác Hồ xuống tàu rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước”. “Cha tôi viết tiểu thuyết Búp sen xanh dựa trên chất liệu từ kịch bản Con đường năm ấy. Năm 1982, Búp sen xanh được xuất bản, là một hiện tượng văn học thời bấy giờ, nhưng tiểu thuyết cũng chịu nhiều sóng gió”- anh Định cho biết.

Tiếp tục trò chuyện thêm với ông Trần Tam Giáp, cựu thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi có dịp hiểu rõ hơn những sóng gió của tiểu thuyết Búp sen xanh khi xuất bản. Nay ở tuổi 86, nhưng ông Trần Tam Giáp vẫn nhớ rõ câu chuyện năm xưa. Ông cho biết, năm 1982, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với ông đi tìm hiểu về nhà văn Sơn Tùng, tác giả Búp sen xanh. “Gặp nhà văn, tôi không khỏi bất ngờ khi thấy đó là một người nhỏ bé, thương tật 81% mà lại hội tụ đủ cá tính mạnh mẽ, nghị lực phi thường, đồng thời có niềm đam mê lẫn khát vọng lớn để tìm hiểu và viết về thời tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh”- ông Giáp cho biết. Rồi ông chia sẻ, sau vài lần gặp nữa, hai bên ngày càng hiểu nhau.Sau đó, ông đã báo cáo với Thủ tướng, nhà văn Sơn Tùng quê Nghệ An,từng vào chiến trường miền Nam để thành lập tờ Thanh niên Giải phóng rồi bị thương. Trong nhiều năm, nhà văn đã dày công sưu tầm tư liệu về Hồ Chủ tịch nên mới viết được tác phẩm này.
Một hôm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với ông Giáp mời nhà văn Sơn Tùng đến để trò chuyện.Ông Giáp vội đến báo cho Sơn Tùng, rồi đưa nhà văn tới gặp Thủ tướng. Cuộc gặp hôm đó diễn ra khá lâu. Một thời gian sau, Thủ tướng lại mời Sơn Tùng đến nhà ăn cơm. Khi nhà văn ra về, Thủ tướng nói với ông Giáp: “Mình sơ ý quá. Anh Tùng là thương binh nặng, tự ăn rất khó khăn. Lần sau chú nhớ mời thêm người nhà anh Tùng đi cùng”.

Ít lâu sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại mời nhà văn Sơn Tùng và vợ là Phan Hồng Mai đến ăn cơm. Qua những lần nói chuyện, Thủ tướng biết nhà văn đã viết đúng, không như một số ý kiến trái chiều khi tiểu thuyết Búp sen xanh xuất bản. Vì vậy, khi cuốn sách dự định được tái bản, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết lời tựa cho Búp sen xanh vào tháng 1/1983, trong đó có đoạn: “Cuốn sách Búp sen xanh nêu lên một vấn đề: Ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cùng suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”.

Cuốn sách“Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”

Anh Sơn Định cho biết, năm 1984, Búp sen xanh được tái bản lần đầu. Nhưng trước đó, nhà văn Sơn Tùng đã xin phép Thủ tướng chưa đưa lời tựa trên vào cuốn sách, bởi không muốn có sự hiểu lầm nhờ lời tựa này mà Búp sen xanh mới được tái bản. Sau này, khi Búp sen xanh tái bản khoảng lần thứ 20, lời tựa trên mới đưa vào cuốn sách.

Luôn trăn trở được làm phim về Bác
Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 vài năm trước, ngoài việc đọc kịch bản Con đường năm ấy, tôi còn đọc thêm kịch bản phim truyện Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng của nhà văn Sơn Tùng.
Hóa ra bấy nay nhà văn Sơn Tùng luôn trăn trở được tái hiện câu chuyện về một chặng đường đi cứu nước của Bác trên phim. Cơ hội đã đến khi vào năm 1987, nhà văn đã viết kịch bản phim truyện Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng, chủ yếu dựa trên hai tác phẩm Con đường năm ấy và Búp sen xanh. Phim làm để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1990, bộ phim hoàn thành, khi trình chiếu đã gây được tiếng vang. Nhưng so với kịch bản ban đầu, tên phim được đổi thành Hẹn gặp lại Sài Gòn. Tên nhân vật Út Huệ được đổi thành Vân, một số tình tiết trong kịch bản cũng được lược bớt.

Thời trước, khi kịch bản Con đường năm ấy không được làm phim, nhà văn Sơn Tùng đã viết thành tiểu thuyết Búp sen xanh. Nay tuy kịch bản Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng được làm phim, nhưng trong suy nghĩ, nhà văn rất muốn kịch bản văn học phim Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng mà ông viết ban đầu được xuất bản. Nhưng nhà văn chưa kịp thực hiện ý định này thì bị tai biến. Do đó, anh Bùi Sơn Định đã thay cha sưu tầm, biên soạn lại kịch bản Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng để xuất bản theo mong muốn của nhà văn Sơn Tùng. Năm 2015, cuốn sách Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản.

Trong kịch bản văn học Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng, nhà văn Sơn Tùng còn có thêm phần “Lời người viết”. Xin trích ra đây vài đoạn trong “Lời người viết” để thấy tấm lòng thành kính và biết ơn của nhà văn đối với Bác Hồ vô vàn kính yêu:
“Tôi mạnh dạn viết truyện phim về một chặng đường đi tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch với lòng thành kính và biết ơn.
… Với lòng kính yêu lãnh tụ, tôi thường đến viếng thăm, chiêm ngưỡng nơi đã sinh ra Người, nuôi nấng Người lúc ấu thơ. Tôi đã mon men hỏi các cụ già có biết ít nhiều về thời niên thiếu của Người. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm là chị ruột, anh ruột của Hồ Chủ tịch đã coi tôi như con cháu mà kể cho nghe dăm ba mẩu chuyện về cảnh nhà trong những năm ba chị em còn đang bé bỏng…Những mẩu chuyện ấy đã như hạt giống mùa đầu gieo vào mảnh đất tình cảm của tôi và ngày một nảy nở!
… Tôi viết kịch bản này bằng cả trái tim yêu Bác. Người Việt Nam ai cũng yêu Bác. Nhưng chẳng ai dám tự cho mình là người yêu Bác hơn ai… Tôi yêu Bác mà đã nhớ được, ghi chép được dăm ba mẩu chuyện nho nhỏ về cuộc đời vĩ đại của Người. Tôi viết lại những mẩu chuyện nho nhỏ ấy với lòng thành: Góp phần kể về đời hoạt động của Vị Cha Già Dân Tộc”.

K.N

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/ky-cuoi-voi-tat-ca-tam-long-thanh-kinh-va-biet-on-1659255.tpo