Kỳ diệu khả năng cứu người của động vật

Cách dùng chim ưng bảo vệ sân bay đang được ứng dụng rộng rãi ở Mỹ, nơi mà các thiệt hại do chim chóc lao vào máy bay đang bay lên tới hơn 500 triệu USD mỗi năm.

Sâu ăn nhựa

Nhựa là một trong những mối đe dọa ô nhiễm lớn nhất thế giới, nó xuất hiện khắp hành tinh và tràn cả xuống biển. Hầu như mọi bãi biển trên thế giới đều ít nhiều có bóng dáng của rác thải nhựa, một số loại rác nhựa đã di chuyển từ lục địa này sang lục địa khác xa đến hàng ngàn hải lý. Rác nhựa đe dọa mạng sống của hàng ngàn sinh vật biển mỗi năm, buộc con người phải vắt óc nghĩ ra nhiều giải pháp hiệu quả, ít tốn kém để giảm ô nhiễm từ rác nhựa.

May thay, động vật đã giúp con người khắc phục vấn nạn. Ấu trùng của con bướm sáp vốn thường hay được ngư dân sử dụng làm mồi câu cá, đã tỏ ra hiệu quả trong việc ăn nhựa mà không gây hại. Phát hiện đặc điểm này, các nhà khoa học đã nghiên cứu xem loài sâu tí hon này có thật sự tạo ra tác động lớn đối với chất thải con người hay không.

Con sâu này có thể ăn nhựa, nhưng nó có thể sinh tồn và phát triển trên nhựa hay không? Nếu thật sự những con sâu "yêu" nhựa thì trong tương lai gần, con người sẽ đặt nó trong các thùng rác để tự phân hủy mọi thứ.

Hàu loại bỏ nitơ

Năm 2014, hãng ExxonMobil đã bắt đầu một dự án kỳ thú và sẽ hoàn tất vào thời điểm năm 2030 với sự tham gia của 1 tỷ con hàu vào hệ sinh thái duyên hải ở New York. Trong vòng 3 năm qua, khoảng 20 triệu con hàu đã được cho vào hệ sinh thái. Đây rõ ràng là một công việc nặng nề, ngốn thời gan, nguồn lực và nhiều công nhân.

Nhưng sau rốt, nó sẽ đi tới chung một mục đích: các loài động vật thân mềm gồm hàu đã thu giữ ni-tơ trong hệ thống của chúng để làm cân bằng nội môi, điều này giúp cho hệ sinh thái biển trở nên lành mạnh hơn tại những khu vực có quá nhiều ni-tơ vốn kích thích tảo độc sinh sôi.

Muốn sống sót, các loài động vật biển phải tìm cách xử lý ni-tơ. Cá, loài thân mềm và các động biển khác đã thải ammonia qua đường tiểu, ngộ độc cao.

Tuy nhiên, loài hàu lại trữ ni-tơ và bài tiết chất thải theo các dạng thức khác nhau. Ammonia chỉ mang 1 phân tử ni-tơ, trong khi việc xả acid uric hay urea sẽ làm tăng lượng ni-tơ trong nước biển. Ở cảng New York, hàu sẽ hút ni-tơ trong nước, lọc nó và biến ni-tơ thành một dạng ít độc hại hơn, làm cho nước biển trở nên an toàn và lành mạnh hơn.

Miễn dịch ung thư ở cá mập

Nhiều người rét run khi nghĩ tới cá mập hay ớn lạnh khi bơi ở vùng biển có cá mập, song thực tế là gene của chúng lại có thể cứu vô số mạng người. Các nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng cá mập có sự miễn dịch gia tăng đối với bệnh ung thư nhờ vào các hệ thống miễn dịch cao cấp của chúng. Những loài cá mập hiếm nhất như cá mập đầu búa và cá mập trắng lớn thường hội tụ những gene phi thường này.

Những gene này gọi là "legumain" và "Bag1" tương tự như gene ở con người. Trong đó, gene Bag1 đóng vai trò như một Apoptosis (Chết rụng tế bào). Chết rụng tế bào lập trình tham gia vào một quy trình lạ, đó là loại bỏ các tế bào bị lỗi bao gồm tế bào ung thư.

Trong trường hợp ung thư, hệ thống này bị hỏng hay bị lấn áp bởi các tế bào đột biến. Các nhà khoa học tin rằng gene Bag1 đóng vai trò trong việc điều chỉnh của "chết rụng tế bào". Cá mập có khả năng hồi phục cực nhanh các vết thương hở cũng như tỷ lệ nhiễm trùng cực kỳ thấp.

Trồng cơ quan nội tạng người ở động vật

Tính đến tháng Giêng năm 2017, chỉ riêng nước Mỹ đã có đến 8 vạn người chờ đợi để được cấy ghép cơ quan nội tạng. Nhưng thay vì cấy ghép, hiện tại các nhà khoa học đang tìm ra cách để nuôi những cơ quan nội tạng người khỏe mạnh một cách độc lập. Dù đã có một số thành công bước đầu, nhưng vẫn còn một khoảng thời gian dài thực nghiệm.

Các nhà khoa học đã "trồng" nội tạng người thành công bên trong cơ thể các loài vật lớn như lợn (heo). Các tế bào gốc được lấy khỏi da của bệnh nhân cần cấy ghép, và bởi vì chúng không quyết được sự tăng trưởng nên vẫn có thể phát triển thành bất kỳ loại nội tạng hay mô nào.

Đạo đức là vấn đề chính mà cộng đồng y tế phải đối mặt. Để cho tế bào gốc "nặn" thành cơ quan nội tạng như mong muốn, động vật phải được thiết kế để phát triển theo một cách riêng.

Huấn luyện chim ưng để bảo vệ sân bay.

Chim ưng bảo vệ sân bay

Thường khi lái máy bay, phi công sẽ rất lo ngại chuyện sự cố khi mất động cơ, và có thể phải tiếp đất ngoài ý muốn. Ngoài ra chim chóc cũng rất hay bay vào 2 động cơ ở máy bay chẳng mấy chốc sau khi máy bay cất cánh, sự cố này làm hỏng và khiến máy bay ngừng bay đột ngột.

Để khắc phục tình trạng này, người ta huấn luyện những con chim ưng để thực thi nhiệm vụ tại các sân bay, chúng sẽ chặn các đàn chim nhỏ khi chúng có ý đồ bay thẳng vào máy bay trong thời gian cất cánh bằng cách sử dụng một số cuộc gọi cảnh báo đặc biệt. Cách dùng chim ưng bảo vệ sân bay đang được ứng dụng rộng rãi ở Mỹ, nơi mà các thiệt hại do chim chóc lao vào máy bay đang bay lên tới hơn 500 triệu USD mỗi năm.

Nếu may mà chỉ có 1 động bị hỏng thì cũng ngốn chi phí sửa chữa tới 2 triệu USD. Huấn luyện chim ưng xem ra rất rẻ cho an toàn bay. Các nhà khoa học tính toán rằng có khoảng ¼ nguy cơ chim chóc đụng vào máy bay khi chim ưng không làm việc.

Chất đạm Keyhole limpet

Keyhole limpet là tên của một loài ốc biển có lớp vỏ hình nón và một lỗ nhỏ ở đỉnh, chúng có một siêu bí mật. Loài ốc biển này chứa một loại chất đạm được biết đến dưới tên gọi Keyhole limpet hemocyanin (KLH) được dùng trong nhiều loại thuốc có thể chữa trị từ bệnh ung thư, biến chứng Alzheimer's, thuốc chủng ngừa động vật và con người. Cấu trúc phức tạp của chất đạm KLH là một ứng viên hoàn hảo cho việc chống bệnh tật, bởi vì nó chứa nhiều điểm liên kết cho phép các hạt kết lại với nhau dễ dàng.

Loài ốc Limpet không phải là sinh vật biển duy nhất dùng cho các nhu cầu khác nhau của con người. Lấy ví dụ như tảo bẹ có cấu trúc như kem lại dùng để sản xuất nên nhiều sản phẩm đa dạng như kem ăn cho đến kem đánh răng. Tuy nhiên, chất đạm của con ốc biển Keyhole limpet dùng để chế nên nhiều loại thuốc cho các căn bệnh khác nhau, và có nhiều công ty chuyên sản xuất và bán KLH.

Vì ốc biển limpet là động vật không xương sống và không có bộ não, thế nên việc sử dụng chúng trong các lĩnh vực y khoa cũng không cần phải đắn đo tới khía cạnh đạo đức khi dùng động vật cho các thử nghiệm khoa học.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/ky-dieu-kha-nang-cuu-nguoi-cua-dong-vat-502677/