Kỳ diệu những đồi cỏ hồng

Có lẽ từ xa xưa, Đà Lạt đắm chìm trong cái lạnh cắt da, nên cây cỏ cũng biết cách tự thích nghi theo bản năng, trổ ra những gam màu nồng ấm trong cái rét buốt căm căm.

Ảnh: Võ Trang

Ngoài loài hoa dã quỳ với sắc vàng đậm ấm áp, thì loài cỏ dại mọc hoang trên những ngọn đồi thông cũng tỏa ra sắc hồng hồng tim tím, để cân bằng với màu trời lạnh giá. Đó là loài cỏ đuôi chồn thân thẳng, vươn lên như cái đuôi chồn mà ngày nay được gọi với cái tên mỹ miều là cỏ hồng.

Cỏ hồng còn gọi là cỏ tuyết, cỏ. Cứ mỗi sớm mai, với khí hậu ôn đới, Đà Lạt có sương giăng khắp cây cỏ lá hoa, thì cỏ hồng được trải ra như một tấm thảm làm thành nơi cô đọng và trú ngụ của một màn sương dày đặc đã được chưng cất trong đêm. Nếu đến vào sớm tinh mơ, người ta sẽ được ngắm một màu trắng như tuyết phủ, phô bày vẻ đẹp tinh khôi khi ánh dương dần dần le lói. Và khi mặt trời thả những tia nắng đầu tiên chạm vào chiếc áo tinh khiết ấy, nó sẽ dần tan để lộ một màu hồng rực rỡ. Có thể nói đó là khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày.

Dĩ nhiên, cây cỏ luôn bị ảnh hưởng bởi thời tiết, gió mưa. Năm nào mùa mưa hết sớm thì bông cỏ sẽ nở sớm, cỡ vào tháng 11, nhưng nếu mưa dứt muộn sẽ kéo dài đến cuối tháng 12, nên còn có tên là cỏ Noel, vì nở đúng vào dịp Noel...

Đà Lạt là “Vương quốc” của các loài hoa, thì không thể bỏ rơi cỏ hồng. Trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, bỗng rộ lên các lễ hội, Festival Hoa, Lễ hội Hoa Đào, Tam giác mạch vv... Và bây giờ Lễ hội “Đồi cỏ hồng” cũng nằm trong xu hướng đó. Các lễ hội khác đều có nét đẹp cao sang, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống con người như hoa đào quyến rũ, hoa hồng thơm tho, tam giác mạch có thể ăn và làm rượu. Riêng cỏ hồng là loài dân dã, thấp bé nhất. Dù vậy, cỏ hồng vẫn có sức hút kỳ diệu đến từ những nghệ sĩ nhiếp ảnh. Có thể nói không ngoa rằng, cổ vũ cho cỏ hồng chính là những tay máy dã ngoại cừ khôi nhất của Đà Lạt - Lâm Đồng. Họ săn ảnh, và dĩ nhiên trong hành trình khám phá muốn tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, họ đã vô tình quảng bá một cảnh đẹp tuyệt vời mà con mắt thường khó thấy được. Từ đó, tên “Đồi cỏ hồng” ra đời. Trong chừng mực nào đó, chúng ta vẫn chưa biết ai là người đầu tiên phát hiện và đặt tên cho “Đồi cỏ hồng”, bởi những nghệ sĩ nhiếp ảnh, họ hồn nhiên tôn vinh nó, và không nghĩ có ngày loài cỏ dân dã thấp thỏi này được lên ngôi.

Quả thật, chỉ mới nghe thôi, cái tên “Đồi cỏ hồng” đã cuốn hút kỳ lạ. Nhất là giới trẻ, trong thời đại “phượt thủ” du lịch bụi và mạng xã hội Facebook, ai cũng muốn, cũng thích khám phá, cho nên “Đồi cỏ hồng” được lan truyền mạnh mẽ. Các cô cậu, hay bất cứ ai cũng muốn một lần đặt chân đến đứng ngắm tuyệt phẩm “Đồi cỏ hồng”, một kỳ công của tạo hóa ưu ái dành cho thiên đường Đà Lạt. Trong những bước chân len lỏi đó, có cả khách Tây Tàu, Việt kiều các nước vv... Họ đến không phải vì phong cảnh quá nổi tiếng, mà đến vì sức hút kỳ diệu của một loài cỏ dân dã. Cỏ không đẹp lắm, cũng không cao sang lắm, mà chỉ là gần gũi và hoang sơ mà thôi...

Trong thời đại văn minh đỉnh cao, giác quan con người lại nhạy bén với hoang sơ hơn là công nghệ. Đó là một điều dễ hiểu, bởi phát triển công nghiệp đồng nghĩa với thu hẹp cảnh quan môi trường. Con người đô thị chen chúc, họ khát thèm một đời sống thoáng đãng, trong sạch. Đồi cỏ hồng lung linh trong mắt người chính là ở các điểm đó.

Lại nữa, Đồi cỏ hồng là điểm hẹn tình nhân. Những cặp đôi từng đến với Đồi hoa mặt trời, hay con đường Mimoza, hoa ban vv... những loài hoa có thương hiệu hẳn hoi. Nhưng “Đồi cỏ hồng” là một thương hiệu khác, với vẻ đẹp muộn màng vào cuối đông là nơi để các cặp tình nhân tình tự và sẻ chia. Họ đã để lại những tấm ảnh thơ mộng cho tình yêu và cho ngày cưới lứa đôi.

Một vạt cỏ hồng, một căn nhà hoang, một con đường mòn, một cây thông cô đơn, một con suối cạn róc rách, một mặt hồ tĩnh lặng, là hình ảnh lãng mạn và nên thơ nhất dành cho họ và cả những người thích tự khám phá.

Khi chỉ có hai người và một bầy ngựa trên Đồi cỏ hồng, bạn nghĩ sao? Tôi đã từng bỏ xe đạp, bỏ xe máy cùng người tình vô tư ngả lưng xuống vạt cỏ hồng, đưa mắt nhìn trời xanh mây bay, lòng không nghĩ ngợi gì hết. Thật thích thú vô cùng! Khi nhìn người yêu của mình giắt trên tóc một bông cỏ, miệng ngậm cọng cỏ non và cất tiếng hát, lòng tôi buông xả hết lo toan, buông hết muộn phiền, hồn mọc đôi cánh thiên thần bay về xứ Đào nguyên ảo diệu của tình yêu. Chợt nhớ câu thơ thánh thoát của Hàn Mặc Tử: “Hồn tôi hớp bao nhiêu là khí vị...”. Vâng, hồn tôi đang hớp hương cỏ hoang len vào trong cánh gió, và những chiếc lông cỏ tơ mượt, mềm dịu chạm nhẹ vào da thịt, mê mị, điếng tê...

Chợt nghe sức sống mãnh liệt dâng lên. Chưa hiểu đâu là vua các loài cỏ, nhưng sao cỏ hồng đã lọt vào kẽ nhớ của thời gian làm nên một kỳ tích. Đó là đem lại sự dịu ngọt cho tình yêu cuộc sống. Có đắm mình vào đêm trăng trên đồi cỏ hồng, bạn mới nhận ra điều tôi nói. Nó hoàn toàn thoát khỏi cuộc sống đô thị, đưa ta về với thiên nhiên bất tận, mới nhận ra mẹ thiên nhiên vô cùng kỳ ảo. Trăng cỏ hồng khác với trăng bất cứ đâu, hoang nhiên và say đắm, thô sơ và thoát tục. Chỉ nhìn thôi, tôi chắc bạn sẽ thay đổi mọi đố kỵ trần gian, hồn buông lỏng về cõi trời nhẹ nhõm. Cỏ chỉ có một người bạn duy nhất là gió, gió phiêu du và đem hương cỏ lan tỏa khắp đại ngàn, làm nên bản sắc núi cao vô cùng độc đáo, mà chỉ Tây Nguyên mới có.

Thật ra, ý nghĩa của mùa lễ hội trên “Đồi cỏ hồng”, con người muốn đưa ra thông điệp: “Hãy trở về thiên nhiên”, quý trọng thiên nhiên hơn là phong sắc cho thiên nhiên. Tuy nhiên, nếu làm ngược lại sẽ lại chà đạp thiên nhiên như bao lâu con người đã làm là tàn phá thiên nhiên.

Với tình yêu thiên nhiên vô bờ, tôi ngủ với cỏ hồng một tối nguyên sơ. Chợt choàng thức bởi tiếng chim non ríu rít, thì ra có tổ chim mới ra ràng, mẹ nó vừa bay đi tìm mật, tôi vội rút lui như cách bày tỏ sự tôn trọng tự do của đời sống hoang dã.

Thật bất ngờ, tôi chạm phải cây thông cô đơn, hai chúng tôi đã trò chuyện bằng ngôn ngữ của lá, tự reo và tự hiểu. Dù có soi bóng bên hồ, cây thông vẫn cô đơn để thầm nhắc với nhân loại về tình yêu bất tận mà cây cỏ, muôn thú và con người phải nhớ. Đó là sự sống luôn được gìn giữ và cần gìn giữ cho mai sau...

Nguyễn Thánh Ngã

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ky-dieu-nhung-doi-co-hong-69268