Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV: Dành 7 ngày làm công tác nhân sự

Hôm nay (24/3) kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Quốc hội sẽ dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại buổi họp báo.

Trước đó, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 (sáng 23/3), ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 12 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 8/4.

Ông Vũ Minh Tuấn cho biết, đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021; Xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Cũng theo ông Tuấn, Quốc hội dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.

Theo chương trình dự kiến kỳ họp, ngày 31/3 Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội; ngày 2/4 Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước; ngày 5/4 Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Quốc hội lần này chỉ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước chứ không phải kiện toàn tất cả và đây là kiện toàn cho khóa XIV. Sau khi cuộc bầu cử diễn ra đến tháng 7/2021, Quốc hội sẽ tiếp tục kiện toàn nhân sự cho khóa XV và việc tuyên thệ diễn ra theo quy định.

Trả lời báo chí về việc kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua các chức danh lãnh đạo Nhà nước, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Đây không phải lần đầu tiên kiện toàn một số chức danh Nhà nước. Tại khóa XIII, Quốc hội đã kiện toàn một số chức danh Nhà nước do sau Đại hội Đảng có một số người không tham gia nữa. Do đó từ kết quả sau Đại hội Đảng cần phải kiện toàn một số chức danh chứ không phải tất cả. Ông Phúc cũng cho rằng, ngay cả một số người dù không tham gia chức danh lãnh đạo nữa nhưng họ vẫn là ĐBQH của khóa XIV.

Về việc lần này có bao nhiêu chức danh được kiện toàn? ông Phúc cho rằng, nhân sự là quy trình không bớt được, muốn bầu thì trước tiên phải miễn nhiệm chức danh cũ trước. Trong quá trình trước khi Quốc hội biểu quyết thì đều phải thảo luận ở Đoàn để trao đổi. Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe ý kiến của các ĐBQH, và báo cáo ra Quốc hội.

“Quy trình chặt chẽ nên không thể bớt bước nào được. Sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội mới bầu Chủ tịch nước, và Chủ tịch nước giới thiệu Thủ tướng để Quốc hội bầu nên các bước không thể tắt được. Hay như bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chủ nhiệm các Ủy ban đều phải là các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đã. Muốn vậy phải miễn nhiệm một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũ và bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới, sau đó mới đến bầu Chủ nhiệm các Ủy ban, và Tổng Thư ký Quốc hội” - ông Phúc cho hay.

Cũng theo ông Phúc, vấn đề nhân sự được làm chặt chẽ, bài bản từng bước. Do đó bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chia làm 3 đợt. Đợt 1 là Chủ tịch Quốc hội, đợt 2 là Phó Chủ tịch Quốc hội, đợt 3 là số chức danh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để luôn đảm bảo số 2/3 số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội do còn liên quan đến vấn đề giải trình và cho ý kiến. Nếu miễn nhiệm ngay tất cả sẽ không đủ số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải trình và cho ý kiến.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ky-hop-thu-11-quoc-hoi-khoa-xiv-danh-7-ngay-lam-cong-tac-nhan-su-557045.html