Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XV: Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XV, chiều 11/7, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành.

Các đại biểu dự kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XV.

Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất nêu rõ: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn bằng việc chất vấn, tranh luận trực tiếp tại hội trường. Nội dung chủ đề chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Nhóm vấn đề thứ nhất: về giải pháp trong việc thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh; nhóm vấn đề thứ hai: về giá dịch vụ và việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

Để phiên chất vấn diễn ra thành công, đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các cấp, các ngành cần thẳng thắn, trách nhiệm trên tinh thần xây dựng để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về các nhóm vấn đề được nêu trong phiên chất vấn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

* Sau phát biểu của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất.

Đồng chí Đặng Trọng Cường, Giám đốc Công an tỉnh trả lời các câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn.

Đồng chí Đặng Trọng Cường, Giám đốc Công an tỉnh đã trả lời các câu hỏi của đại biểu về thực trạng phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh, theo đó: Tính đến tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh có 209 cơ sở, trong đó có 208 cơ sở karaoke và 1 vũ trường. Qua kiểm tra có 193 cơ sở xin tạm dừng hoạt động để sửa chữa, 16 cơ sở xin dừng hoạt động do không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Công an tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện quy định phòng cháy, chữa cháy trong các cơ sở karaoke và vũ trường. Đồng thời tổ chức các hội nghị hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở karaoke. Thời gian tới Công an tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về trách nhiệm và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 124, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định việc xử lý đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001 có hiệu lực, Giám đốc Công an tỉnh thừa nhận việc triển khai Nghị quyết 124 còn chậm do Nghị quyết được ban hành cuối năm 2021, thời điểm đó các cơ quan, đơn vị đã được phê duyệt dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị không bố trí được nguồn kinh phí thực hiện việc khắc phục, đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy ở đơn vị. Bên cạnh đó, vẫn còn một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy…

Đồng chí Đặng Trọng Cường cho biết: Thời gian tới, Công an tỉnh tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết 124. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời đề nghị các sở, ngành và địa phương cần bám sát Nghị quyết 124 để tập trung khắc phục, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy. Công an tỉnh đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 124, trong đó kéo dài thời hạn thực hiện việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy đến năm 2025.

Đồng chí Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình trả lời làm rõ về công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Cũng liên quan đến vấn đề công tác phòng cháy, chữa cháy, đồng chí Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình đã trả lời làm rõ về công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn; đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời làm rõ thêm về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 124; đồng chí Phan Thành Công, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời về việc đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy tại các trường học.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp để phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Toàn tỉnh đã thành lập 1.679 Đội dân phòng với 16.821 thành viên ở hầu hết các thôn, xóm, phố, bản, làng. Vai trò của lực lượng dân phòng là rất lớn nhưng hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế, đó là: thành phần có sự thay đổi, sức khỏe không đồng đều, trong đó có người cao tuổi, thiếu trang thiết bị PCCC nên còn bị động khi xảy ra các vụ cháy. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội dân phòng, thời gian tới Công an tỉnh đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị PCCC; xây dựng tổ liên gia an toàn về PCCC. Bên cạnh đó, Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, diễn tập PCCC tại khu dân cư…

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Mỹ Tho (Tổ đại biểu huyện Nho Quan) phản ánh: Một số doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp khi cải tạo, thay đổi công năng, thay đổi một số hạng mục đầu tư phải thẩm duyệt bổ sung về an toàn phòng cháy, chữa cháy, phải điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận đầu tư theo đúng nội dung cải tạo và xuất trình cho cơ quan phòng cháy, chữa cháy. Tình trạng này dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị lãnh đạo Công an tỉnh làm rõ nội dung này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Thời gian trước đây, việc cơ quan phòng cháy, chữa cháy yêu cầu các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp khi cải tạo, thay đổi công năng, thay đổi một số hạng mục đầu tư phải thẩm duyệt bổ sung về an toàn phòng cháy, chữa cháy, điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận đầu tư theo đúng nội dung cải tạo là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay theo Công văn số 1091, ngày 11/4/2023 của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, nội dung thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy chỉ bao gồm nội dung về kỹ thuật, không yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu đại biểu Phạm Thị Mỹ Tho phản ánh ý kiến cử tri: Hiện nay có tình trạng muốn thay đổi một phần công năng sử dụng của công trình, mà việc chuyển đổi công năng này không làm thay đổi thiết kế, kiến trúc của công trình nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn yêu cầu phải bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên để hoàn thành hồ sơ cấp điều chỉnh cần nhiều thủ tục, thời gian... Đại biểu đề nghị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư làm rõ việc xử lý tình trạng này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong khâu giải quyết thủ tục hành chính; Sở xem xét có cần bắt buộc phải làm thủ tục bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư hay không? Trong phiên chất vấn, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tiếp thu và trả lời ý kiến đại biểu nêu.

Cũng trong phần chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, lãnh đạo Sở Xây dựng và thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình đã trả lời làm rõ câu hỏi của đại biểu nêu về công tác quy hoạch mạng lưới cấp nước cho PCCC, việc xây dựng các trụ nước, hồ chứa nước PCCC ở khu dân cư.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã giải trình làm rõ hơn một số vấn đề đại biểu nêu về tiến độ thực hiện Nghị quyết số 124 của HĐND tỉnh.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giải trình làm rõ hơn một số vấn đề đại biểu nêu về tiến độ thực hiện Nghị quyết số 124 của HĐND tỉnh.

Theo đó, ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 58 thực hiện Nghị quyết. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 100% cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết đã được hướng dẫn xây dựng kế hoạch và phương án khắc phục; 204/336 cơ sở đã thực hiện khắc phục những hạn chế, thiết sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy để đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, có 8 cơ sở đã được thẩm định, thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; 196 cơ sở trang bị, bổ sung phương tiện phòng cháy, chữa cháy với số lượng và chất lượng đảm bảo theo quy định. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 124 và Kế hoạch số 58 có nhiều khó khăn cả về nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh rà soát, khẩn trương khắc phục những khó khăn, vướng mắc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường tuyên truyền; đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị triển khai Nghị quyết quyết liệt hơn. Đồng thời đề nghị HĐND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện Nghị quyết 124.

* Ở phần chất vấn nhóm vấn đề thứ hai, trách nhiệm trả lời chính thuộc về lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đại biểu Đinh Hồng Thái (Tổ đại biểu huyện Hoa Lư) phản ánh: Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều bãi chôn lấp rác lộ thiên, lượng rác tồn đọng tại một số nơi còn lớn, có bãi có khối lượng hàng trăm tấn rác như ở xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường xung quanh, môi trường nước ngầm. Đề nghị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Yên Khánh trả lời các nội dung liên quan đến vấn đề trên.

Đồng chí Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời các câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, đồng chí Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Toàn tỉnh có 35 bãi rác đã được đóng cửa theo quy định. Tuy nhiên, một số địa phương tận dụng làm điểm thu gom rác thải sinh hoạt, dẫn dến tồn đọng rác thải. Theo quy định đây là trách nhiệm của cấp huyện, cấp xã. Đề nghị xã, huyện bố trí kinh phí thu gom rác triệt để vào khu vực xử lý tập trung. Thực hiện nghiêm túc quy định đóng cửa bãi rác khi không còn sử dụng.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Trong 3 năm (2021-2023) huyện đã bố trí 23,6 tỷ đồng ngân sách huyện, xã để vận chuyển rác thải tồn đọng tại các bãi rác đã đóng cửa. Hiện chỉ còn xã Khánh Phú còn 1.300 m3 rác do lượng rác phát sinh khu vực này lớn. Thời gian tới, huyện chỉ đạo xã Khánh Phú bố trí kinh phí vận chuyển 100% lượng rác thải tại bãi rác đã đóng cửa theo quy định.

Tiếp tục trả lời về các phản ánh và câu hỏi khác của đại biểu liên quan đến vấn đề rác thải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Hùng Thắng thừa nhận việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra do giá dịch vụ thu gom rác thải còn thấp. Đối với tình trạng vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các địa bàn giáp ranh, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của một số người dân còn kém. Điều đó cũng cho thấy công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả; công tác giám sát, kiểm tra việc thu gom, vứt rác đúng nơi quy định chưa chặt chẽ.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, để khắc phục những hạn chế trên, cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác thu gom rác thải; đưa quy định về việc thu gom rác thải đúng nơi quy định vào hương ước, quy ước của khu dân cư; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, có biện pháp xử lý trường hợp vi phạm. Tại các khu dân cư cần tăng cường công tác phân loại rác thải để tăng lượng rác được tái chế, giảm thiểu rác thải bị ô nhiễm.

Về vấn đề xử lý rác thải xây dựng, hiện nay tại 8 huyện, thành phố chưa có khu thu gom, xử lý chất thải xây dựng. Sở đề xuất giải pháp là các địa phương cần bố trí quỹ đất làm nơi thu gom rác thải xây dựng; có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải xây dựng.

Trả lời vấn đề về đơn giá kỹ thuật xử lý chất thải rắn, những khó khăn trong hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay đơn giá kỹ thuật của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình còn thấp. Sở đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành đơn giá mới nhưng chưa có văn bản phản hồi. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đề xuất với Bộ về vấn đề này.

Cũng về vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài chính đã trao đổi và làm rõ thêm về việc áp dụng đơn giá xử lý chất thải rắn; lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trao đổi, làm rõ thêm về việc thu hút đầu tư, triển khai xây dựng nhà máy điện rác nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu về xử lý rác thải.

Tại phiên chất vấn, lãnh đạo Sở Tài chính đã trả lời làm rõ căn cứ việc bố trí kinh phí cho sự nghiệp môi trường của các địa phương, trong đó có việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Theo đó, kinh phí cho sự nghiệp môi trường của các địa phương thuộc thẩm quyền cấp huyện, thành phố. Định mức chi cho sự nghiệp môi trường tại thành phố Ninh Bình và Tam Điệp cao hơn các địa phương khác là bởi ngoài công tác thu gom rác thải còn chi trả kinh phí điện chiếu sáng, chỉnh trang cảnh quan... để phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh.

Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai, đồng chí Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng trả lời câu hỏi của đại biểu về việc hiện một số địa phương thỏa thuận mức phí thu gom rác thải sinh hoạt cao hơn so với mức quy định của UBND tỉnh….

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Sau một buổi chiều làm việc với tinh thần nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 15 của HĐND tỉnh khóa XV đã hoàn thành các nội dung, yêu cầu đề ra.

Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết thúc phiên chất vấn.

Nội dung chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của HĐND tỉnh; sự chia sẻ, đồng hành với công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước để tìm ra các giải pháp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng nguyện vọng, sự mong muốn của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã trả lời cơ bản đúng trọng tâm, đi thẳng vào các vấn đề được chất vấn; nghiêm túc nhận trách nhiệm, đưa ra những giải pháp trước mắt, lâu dài, cam kết khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế; không có biểu hiện né tránh, vòng vo trong trả lời chất vấn.

Để thực hiện có hiệu quả các cam kết sau chất vấn, đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bám sát nội dung trả lời chất vấn; tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Đối với nhóm vấn đề về giải pháp trong việc thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo hệ thống quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy. Trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 124 theo hướng kéo dài thời gian khắc phục, hoàn thiện hệ thống PCCC theo quy định đối với các cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC hoạt động trước thời điểm Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực đến sau năm 2026, đồng thời bố trí nguồn ngân sách để các cơ sở hoàn thiện các điều kiện về PCCC theo quy định để đảm bảo Nghị quyết có tính khả thi.

Công an tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; hướng dẫn thực hiện các giải pháp khắc phục thiếu sót; tăng cường công tác chỉ đạo, nắm tình hình và chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật; đẩy mạnh xây dựng phong trào Toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để chữa cháy kịp thời, hiệu quả.

Đối với nhóm vấn đề về giá dịch vụ và việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; có giải pháp khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm trung chuyển, tập kết rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, bãi rác lộ thiên trên địa bàn. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung, có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tập trung xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh…

Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải theo quy định, nhất là việc thực hiện phân loại rác tại nguồn; tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường; chỉ đạo đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để xét công nhận gia đình văn hóa, thôn, khu phố, dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa. Chủ động quy hoạch quỹ đất xây dựng điểm tập kết chất thải rắn xây dựng. Ưu tiên bố trí kinh phí và tăng cường xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải…

Sau kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh sẽ ban hành Thông báo kết luận phiên chất vấn, làm cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện cam kết chất vấn; các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, cử tri và nhân dân trong tỉnh giám sát việc thực hiện cam kết sau chất vấn.

Nhóm PV

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-15-hdnd-tinh-khoa-xv-tien-hanh-chat-van-va-tra/d20230711155051803.htm