Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV: Quy định cụ thể ưu tiên phát triển ngành đường sắt

Sáng 31.10, tiếp tục dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình vào Báo cáo thẩm tra các Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); Dự án Luật Cảnh vệ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (ảnh Văn Bình)

Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày cho thấy, sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện Pháp lệnh Cảnh vệ đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cảnh vệ đã được nâng lên một bước; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương và của nhân dân đối với công tác cảnh vệ đã có nhiều chuyển biến, các biện pháp cảnh vệ được công khai hóa, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện; từng bước nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh vệ mới là pháp lệnh nên hiệu lực thi hành thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ trong tình hình hiện nay. Trước sự phát triển KTXH của đất nước cũng như việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Cảnh vệ là cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở trong nước và trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tình hình khủng bố có xu hướng gia tăng trong nhiều năm qua...

Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến trong Ủy ban đồng ý với việc Luật Cảnh vệ quy định về đối tượng cảnh vệ; nguyên tắc công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định điều chỉnh công tác cảnh vệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ trên lãnh thổ Việt Nam và quy định về hợp tác quốc tế trong công tác cảnh vệ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa (ảnh Văn Bình)

Tại tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày. Theo đó, Luật Đường sắt được thi hành từ 2005 đến nay đã bộc lộ một số những tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt.

Cụ thể, từ năm 2006 đến nay, QH đã thông qua Hiến pháp 2013 và 17 luật, pháp lệnh trong đó có những quy định liên quan đến một số nội dung trong Luật Đường sắt 2005. Do vậy, cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung đã quy định của Luật Đường sắt 2005 để phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013 và các luật, pháp lệnh mới ban hành. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Đường sắt 2005 quá chi tiết, cụ thể mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy cần được ban hành trong văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật; một số quy định của Luật chưa phù hợp, cần sửa đổi như quản lý đất dành cho đường sắt; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt; phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và phí điều hành giao thông vận tải đường sắt... Chính vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) là thực sự cần thiết.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật đường sắt (sửa đổi), do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày, cho biết, hiện kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, xuống cấp; đường sắt quốc gia là đường đơn, khổ rộng 1m, trong khi đó hầu hết các nước trên thế giới đã sử dụng đường sắt khổ rộng 1,435m.

Hệ thống tín hiệu không đồng bộ, nhiều thế hệ từ nhiều quốc gia; nhiều điểm giao cắt đồng mức với đường bộ gây mất an toàn; công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, vận hành phương tiện hầu như chưa được ứng dụng... năng lực thông qua thấp. Trong khi đó, tỉ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp, không phù hợp với cơ cấu đầu tư trong nước và xu thế phát triển của lĩnh vực này trên thế giới. Sản lượng vận tải hàng hóa ngành đường sắt so với toàn ngành giao thông trong những năm gần đây giảm dần, không đạt mục tiêu đề ra...

Minh Hanh Th

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-hop-thu-2-qh-khoa-xiv-quy-dinh-cu-the-uu-tien-phat-trien-nganh-duong-sat-44636.html