Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Quy định chi tiết trách nhiệm cơ quan giao, cho thuê mặt nước

GD&TĐ - Ngày 20/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Việc quy định cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê mặt nước biển nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội.

Đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế và an ninh

Thẩm quyền giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Trước đó, khi thẩm tra dự thảo luật này, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH-CN-MT) đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc việc giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển. Bởi vì việc đó khó khả thi đối với các dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh. Mặt khác, đối với mô hình nuôi xa bờ, theo quy định hiện hành, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền giao, cho thuê từ vùng biển 3 hải lý trở vào. Bên cạnh đó, do đặc thù của mô hình này là xa vùng bờ nên khó kiểm soát và ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, cần có sự đánh giá tổng hợp của các cơ quan chuyên ngành Trung ương.

Vì vậy Ủy ban đề nghị quy định thẩm quyền giao, cho thuê đối với những trường hợp này cho Chính phủ, bộ; cần quy định chi tiết trách nhiệm của Chính phủ, các bộ liên quan trước khi giao, cho thuê mặt nước.

Cũng theo Ủy ban KH-CN-MT, việc quy định cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là phương thức mới, diện tích vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam rộng lớn với gần 1 triệu km2, tiếp giáp với nhiều quốc gia, do vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng một số vấn đề về quốc phòng - an ninh để bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.

Cân nhắc cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài

Đối với quyền của tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, Ủy ban KH-CN-MT đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai) đề nghị cấm người thuê mặt nước biển chuyển nhượng cho người nước ngoài.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) đề nghị nghiên cứu trong luật để hạn chế giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân là người Việt Nam nhưng trong quá trình sản xuất lại do các tổ chức, cá nhân nước ngoài đứng sau để chỉ đạo, điều hành, thao túng. Đại biểu Hà cũng đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương các cấp đối với các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản cũng như các hoạt động thủy sản diễn ra tại địa phương.

Góp ý kiến về vấn đề không thu tiền sử dụng mặt nước biển, đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) cho rằng quy định “giao mặt nước biển không thu tiền sử dụng mặt nước” cần phải được xem xét kỹ vì hiện nay số lượng người nuôi trồng thủy sản ngày càng nhiều. Có những trường hợp nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường. Việc giao, cho thuê mà không thu tiền sử dụng mặt nước biển cũng không tránh khỏi có lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, có những dự án lớn liên quan đến quốc phòng an ninh quốc gia.

Cũng trong ngày 20/6, Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ky-hop-thu-3-quoc-hoi-khoa-xiv-quy-dinh-chi-tiet-trach-nhiem-co-quan-giao-cho-thue-mat-nuoc-3443837-b.html