Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Những thành quả đạt được là hết sức trân quý

Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến đánh giá cao các kết quả đạt được 9 tháng qua. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh bất định, bất thường của năm 2022, những thành quả đạt được là hết sức trân quý.

Chính phủ đã rất thẳng thắn, trách nhiệm

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đồng tình đánh giá cao các kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực như báo cáo của Chính phủ. Theo các ĐB, kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã thể hiện 12 thành quả nổi bật; chỉ ra 10 hạn chế, khó khăn; 6 bài học kinh nghiệm; 11 nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2022 và 12 giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. “Đây là một báo cáo đầy đủ, dày dặn, thẳng thắn và không né tránh” - ĐB Tô Văn Tám nhận định.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ vui mừng trước những thông tin tích cực 9 tháng qua, trong bối cảnh rất khó khăn từ thế giới, đã thổi bùng lên cơn sóng lạm phát trên toàn thế giới, IMF dự báo lạm phát thế giới phải hơn 4%. “Lạm phát tăng buộc các nước phải "uống liều thuốc đắng", đó là tăng lãi suất. Dự báo kinh tế thế giới suy giảm và có khả năng suy thoái. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đây là kết quả hết sức trân quý” - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Theo ĐB, báo cáo của Chính phủ đã nhìn nhận còn nhiều khó khăn, thách thức. ĐB nhận định, tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn về vốn, tỷ giá, lao động, thuế phí. Trong khi đó, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí đang thực hiện rất tốt với kết quả giải ngân đạt hơn 72,5% kế hoạch thì gói hỗ trợ lãi suất mới đạt 0,03% so với kế hoạch là rất chậm. ĐB kiến nghị chuyển nguồn vốn hỗ trợ lãi suất sang gói giãn, giảm thuế, phí để giúp được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Các ĐBQH đã kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Có ý kiến đề nghị cần cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty, DNNN, xử lý nhanh các doanh nghiệp kém hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN, hướng đến các công trình, dự án lớn mang tầm quốc gia, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay tuy vẫn tăng nhưng gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ, liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy, trong thời gian tới, cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt vì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh năng lượng và môi trường. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, liên kết tốt với kinh tế trong nước. “Chúng ta cần sớm ban hành Luật Công nghệ hỗ trợ để tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm sản xuất từ các dự án FDI cũng như là các mặt hàng xuất khẩu” - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Một số ý kiến đề nghị cần có giải pháp để quan tâm hơn nữa tới người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gia đình có người thân mất do dịch Covid-19, hộ gia đình bị thiên tai, lũ lụt, cán bộ hưu trí về hưu trước năm 1995.

Địa phương gặp khó khi giải ngân vốn đầu tư công

ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) và một số ĐBQH quan tâm đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Theo ĐB Bế Minh Đức, năm 2022 là năm triển khai nhiều dự án mới, nhưng tiến độ giải ngân 9 tháng mới đạt 46,7%, thấp hơn so với năm 2021. Giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang rất chậm. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm, chưa có chuyển biến. Nguyên nhân do dịch bệnh, giá nguyên nhiên vật liệu cao, giải phóng mặt bằng chậm. Còn nguyên nhân chủ quan là thái độ thực thi công vụ của cán bộ công chức chưa cao, vướng do cơ chế.

ĐB Bế Minh Đức cho rằng, thể chế chính sách còn bất cập. Từ khi hình thành dự án đến tổ chức thi công trải qua rất nhiều thủ tục. Giải phóng mặt bằng phải có 12 bước. Mỗi giai đoạn phải thực hiện các yêu cầu, thủ tục, trình tự nghiêm ngặt. Một số quy định còn có sự giao thoa, chồng chéo nên mất rất nhiều thời gian. Năm 2022 triển khai nhiều quy định mới nên địa phương cũng mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn.

Cần trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế xăng dầu

Về giá cả xăng dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhất.

Đây cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. Có ý kiến đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành sớm các tuyến đường giao thông huyết mạch, liên kết vùng, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề được nhân dân và cử tri quan tâm cũng được các ĐBQH phản ánh tới Quốc hội. Theo đó, ĐB đề nghị: cần giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu thuốc, thiếu thiết bị vật tư y tế kéo dài từ đầu đại dịch đến nay. Vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, đặt biệt là trong ngành y tế, giáo dục nghỉ việc cũng làm cho cử tri lo lắng. Có một số ý kiến đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo nguồn cung giá xăng để ổn định kinh tế, bảo đảm đời sống người dân.

Khó gồng gánh nuôi dưỡng đam mê khi đối diện với nhiều áp lực

Phát biểu tại Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 27/10, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) quan tâm đến việc dịch chuyển một bộ phận lớn cán bộ công chức từ khu vực công sang khu vực tư. ĐB cho rằng, công chức khó gồng gánh nuôi dưỡng đam mê khi phải đối diện với nhiều áp lực.

Tính từ thời điểm từ 1/1/2020 đến 30/6/2022, theo thống kê của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành cho thấy, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm tỷ lệ 1,94%. Trong đó chủ yếu là viên chức chiếm tỷ lệ đa số (hơn 35.000 người), còn lại số công chức khoảng hơn 4.000 người. Tính theo lĩnh vực, số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu rơi vào 2 ngành Giáo dục và Y tế. Ngành Giáo dục trong 2,5 năm qua có 16.427 người xin thôi việc. Với ngành Y tế trong 2,5 năm qua có 12.198 người xin thôi việc.

“Về tình trạng một bộ phận công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm, thực tế hiện nay có một bộ phận không nhỏ công chức rất có năng lực nhưng lại thiếu về động lực, hoặc họ giống như một số cầu thủ bóng đá còn cá độ hoặc đi lững thững trong những trận đấu quyết liệt, có tính sống còn hay chủ động bỏ ra ngoài sân khi trận đấu còn cần họ” - ĐB Trần Văn Khải ví von.

Có ĐBQH bấm nút tranh luận về vấn đề này. ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng cần phải có đánh giá cụ thể về vấn đề này, bởi nếu giáo viên rời bỏ khu vực công sang khu vực tư vẫn làm giáo viên thì không có vấn đề gì, cùng là cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của xã hội.

Là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ĐBQH, nên chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có giải trình làm rõ thêm. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhiều năm về trước đã không đủ do số lượng bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên.

Đưa ra các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành Giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần trong từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu, các sở nội vụ của các tỉnh phối hợp với sở giáo dục và đào tạo cùng các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành tuy thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ vẫn chưa tuyển được. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương vừa tuyển số mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng được nhu cầu.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-nhung-thanh-qua-dat-duoc-la-het-suc-tran-quy-115545.html