Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Xác định các giải pháp lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội

Tuần qua, Quốc hội tiếp tục tuần làm việc thứ hai để thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, có nhiều nội dung được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi. Đặc biệt, trong 2 ngày (27 và 28/10), Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Các đại biểu Quốc hội đều khẳng định, những kết quả đạt được là hết sức trân quý trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh. Nhưng, với tinh thần 'không ngủ quên trên thành công', nhiều đại biểu nêu rõ cần phải có những giải pháp 'dài hơi' trong xác định mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn

Tăng cường nguồn lực, giữ vững thị trường trong nước

Trong 2 ngày 27 và 28/10, Quốc hội thảo luận về 3 nội dung: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Ttrung ương năm 2023 (trong đó có kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

Nhìn lại bối cảnh năm 2022, các đại biểu khẳng định rằng, những kết quả, thành công nước ta đạt được trong năm 2022 chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận sự dấn thân, chỉ đạo, điều hành hết sức quyết liệt, bài bản, đồng bộ, không ngày nghỉ dưới áp lực rất cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương, sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, tích cực của các cấp, các ngành. Đặc biệt là sự chia sẻ, ủng hộ chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn của gần 100 triệu đồng bào ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, sự quyết tâm vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ chân tình của bạn bè quốc tế.

Năm 2022 tiếp tục là năm có nhiều thách thức, khó khăn. Và trong năm 2023, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ đầy thách thức, vòng xoáy lạm phát và suy thoái. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới nếu xảy ra sẽ trầm trọng hơn vì nó sẽ chịu tác động đồng thời của thảm họa chiến tranh và dịch bệnh. Với những thách thức như vậy, đồng tình với việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 ở mức khoảng 6,5% và 12 giải pháp được đặt ra, song, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, chúng ta tuyệt đối không nên say sưa với thành công, phải nhìn thẳng vào nguy cơ, thách thức đang đặt ra phía trước. Bên cạnh những giải pháp trong trước mắt, các đại biểu đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm triển khai những giải pháp hữu hiệu để tăng cường nguồn lực giúp giữ vững thị trường trong nước. Bởi, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, đã có sẵn thị trường nội địa sẽ cán mốc 100 triệu dân của năm 2023 - là bệ đỡ vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp, ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều đồng tình nhận định, những thành tựu quan trọng nước ta đạt được trong thời gian qua là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao của Đảng ta, những quyết sách kịp thời, quyết liệt của Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ cùng sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Nhưng, như khẳng định của nhiều đại biểu, với tinh thần “không được ngủ quên trên thành công”, chúng ta phải có cái nhìn dài hơi hơn trong xác định các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho năm 2023, đưa nước ta vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng thủ dân sự

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, đó là dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ngày 26/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang đã trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự. Theo đó, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số vấn đề đặt ra, cần phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn.

Xuất phát từ nội hàm khái niệm phòng thủ dân sự rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực liên quan đến các bộ, ngành nên có nhiều tổ chức phối hợp liên ngành ở Trung ương chỉ đạo trong việc phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, dẫn đến có sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự ở Trung ương và các bộ, ngành hiện nay chưa thống nhất. Một số loại thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh có diễn biến nhanh, đòi hỏi phải huy động lực lượng và tổ chức ứng phó kịp thời, khẩn trương; những thảm họa, sự cố nguy hiểm cần huy động thêm lực lượng chuyên môn của cơ quan trong các ngành, lĩnh vực. Phòng thủ dân sự là lĩnh vực được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng và đã ban hành đạo luật riêng về phòng thủ dân sự hoặc quy định tại các văn bản pháp luật liên quan đến phòng thủ dân sự. Từ các lý do nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo” đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự”.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, cần phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng thủ dân sự với các luật chuyên ngành để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, khó áp dụng và nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung; luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định để bảo đảm bao quát, toàn diện hơn. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Luật Phòng thủ dân sự chỉ nên điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó với thảm họa, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Thu Minh (tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xv-xac-dinh-cac-giai-phap-lau-dai-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post455870.html