Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Khắc phục ngay việc phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm

Sáng 23/5, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi); nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ảnh: CHÂU VŨ

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ảnh: CHÂU VŨ

Tiết kiệm 53.887 tỷ đồng kinh phí, vốn Nhà nước

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 716,9 tỷ đồng). Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính của các bộ, ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng, trong đó có một số đơn vị có kết quả cao như: Hà Nội - 1.173 tỷ đồng, TP.Hồ Chí Minh- 1.220 tỷ đồng.

Đến ngày 31/1/2023 đã thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 là 529,4 ngàn tỷ đồng, đạt 77,43% kế hoạch và đạt 91,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; có 11/51 bộ, cơ quan ngang bộ.... và 11/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch.

“Tuy nhiên, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao, đặc biệt là nguồn vốn Quốc hội bổ sung cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Trình bày báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DN nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại DN; công khai trên các phương tiện thông tin, danh sách các bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đề xuất bổ sung dự án Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Phát biểu thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản thống nhất với nội dung trình và dự kiến Chương trình. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, việc bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là rất cần thiết. Bởi hiện nay chúng ta chưa mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, tình trạng vật tư y tế, thuốc điều trị cho người tham gia bảo hiểm y tế chưa bảo đảm yêu cầu đề ra. Đặc biệt, trong và sau giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, việc thiếu thuốc, vật tư y tế cũng gây khó khăn với những người tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là những người nghèo. Do đó, đề nghị cần quan tâm hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết của Đảng là bảo hiểm y tế toàn dân phải đạt được yêu cầu vào năm 2024.

Đại biểu nêu rõ, Nghị quyết của Đảng đã có kế hoạch về sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế trong năm 2022- 2023. Trong năm 2023 đã dự kiến điều chỉnh, bổ sung cũng rất nhiều nội dung rồi. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Cần quy định cụ thể quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong quản lý về giá

Phát biểu ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý giá Nhà nước tại dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung điều, khoản tại Chương III của dự thảo Luật này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong việc quản lý Nhà nước về giá.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân các liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, định giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam. Trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có nội dung định giá nhưng trong phạm vi và đối tượng điều chỉnh của luật chưa điều chỉnh vấn đề định giá.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, quy định cụ thể các trường hợp thực hiện thẩm định giá theo quy định của pháp luật về ngân sách và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

PHÚC LƯU - CHÂU VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202305/ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv-khac-phuc-ngay-viec-phan-bo-giao-von-giai-ngan-von-dau-tu-cong-cham-979789/