Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đây cũng là nội dung được Quốc hội dành nhiều thời gian (1,5 ngày, từ chiều ngày 31/10-1/11) để các đại biểu thảo luận.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội.

Sau 1,5 ngày thảo luận tại hội trường, đã có 69 đại biểu phát biểu, 24 đại biểu tham gia tranh luận. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội thống nhất, năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, vượt khả năng dự báo, dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển, tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự sâu sát, cố gắng, quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, sự đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, nên nền kinh tế nước ta đã đứng vững, từng bước phục hồi, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, lĩnh vực xã hội, đời sống nhân dân cơ bản đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững, công tác đối ngoại đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, năm 2024 và thời gian còn lại của cả nhiệm kỳ, do tác động bất lợi từ bên ngoài và do những yếu kém nội tại của nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội đề nghị theo dõi sát tình hình trong nước và trên thế giới, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đại biểu đánh giá cao sự quyết liệt, phản ứng chính sách nhanh của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội.

Để đẩy mạnh quá trình phục hồi, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, có đánh giá toàn diện tình hình và đề xuất giải pháp căn cơ, toàn diện, hiệu quả để cải thiện, nâng cao hai động lực quan trọng phát triển kinh tế đó là: Tập trung nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng của dòng vốn đầu tư tư nhân.

Theo đại biểu, nâng cao năng suất lao động là vấn đề cốt lõi của kinh tế Việt Nam hiện nay, là nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ. Bởi vì tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Nếu chúng ta không tạo ra được năng suất lao động đột phá trong vòng 3 đến 5 năm tới, Việt Nam nguy cơ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình và mục tiêu đạt thu nhập cao trước khi dân số già đi khó thành hiện thực.

Với tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách phải nâng cao năng suất lao động, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm xây dựng và khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao năng suất lao động để nước ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng và bao trùm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đối với các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của dòng vốn đầu tư tư nhân, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu trong Nghị quyết số 43 về chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn một số giải pháp để thúc đẩy giải phóng, huy động nguồn lực quan trọng này cho quá trình phát triển đất nước, trong đó cần quyết liệt thực hiện thành công các cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ và nhiều chính sách khác mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển. Sớm giải quyết các vụ việc liên quan đến thị trường vốn, thị trường bất động sản vừa qua nhằm khôi phục niềm tin nhà đầu tư và cũng là góp phần đa dạng dòng vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bên cạnh kênh dẫn vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng.

Cần quyết liệt cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay như các thủ tục về đất đai, định giá đất, giải phóng mặt bằng, hải quan, thuế… Chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu như tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch thiết thực, hiệu quả hơn.

Các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực, quyết tâm, có kế hoạch và lộ trình cụ thể để xanh hóa, số hóa, linh hoạt thích ứng, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa thị trường, đối tác, nguồn vốn; quan tâm hơn đến quản lý rủi ro, tăng năng lực chống chịu trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cũng đã phát biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trước mắt cũng như kiên định các mục tiêu dài hạn, yêu cầu phát triển bền vững để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cân đối thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tác động năng lực tăng trưởng, các động lực tăng trưởng chính gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn, điều hành hợp lý giá, lãi suất, kiểm soát hợp lý chất lượng tín dụng…

Mai Lan - Ngọc Hiển

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham/d20231101174326608.htm